626 cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) cùng hàng nghìn cơ sở kinh doanh dược ngoài công lập đã và đang góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế Nhà nước, đóng góp quan trọng vào việc chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động của hệ thống y tế tư nhân còn tồn tại nhiều hạn chế, cần được tăng cường quản lý, nhất là trong việc xử lý dứt điểm các cơ sở hành nghề y, dược không phép, tránh tình trạng "vàng thau lẫn lộn", khiến người dân tiền mất, tật mang.
Y, dược là lĩnh vực liên quan trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của người dân nên rất cần được tăng cường quản lý (Ảnh mang tính chất minh họa). |
Tín hiệu đáng mừng
Tính đến đầu tháng 10-2024, toàn tỉnh có 847 cơ sở KCB được cấp giấy phép hoạt động còn hiệu lực. Trong đó có 204 cơ sở công lập (bao gồm cả 177 trạm y tế xã), 17 trạm y tế doanh nghiệp/trường học, 626 cơ sở ngoài công lập (7 bệnh viện, 19 phòng khám đa khoa, 600 phòng khám chuyên khoa/y học cổ truyền/cơ sở dịch vụ y tế). Cùng với đó có trên 1.438 cơ sở kinh doanh thuốc (17 công ty, 595 nhà thuốc, 826 quầy thuốc). So với năm 2015, số cơ sở KCB tư nhân hiện tăng 285 cơ sở; cơ sở dược tăng 434 cơ sở.
Theo đánh giá của Sở Y tế, đa số cơ sở được cấp phép, người tham gia hoạt động hành nghề y, dược tư nhân có ý thức chấp hành quy định ngày càng tốt hơn. Nhiều cơ sở KCB đầu tư cơ sở vật chất, trang bị máy móc hiện đại, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, liên kết với bác sĩ bệnh viện tuyến Trung ương. Nhiều bệnh viện tư nhân và phòng khám đa khoa có ký hợp đồng khám bảo hiểm y tế (BHYT), đã giúp người dân có thêm lựa chọn sử dụng dịch vụ thuận tiện, dễ dàng. Quy mô nhiều bệnh viện, phòng khám vì thế mỗi ngày một mở rộng.
Đối với lĩnh vực hành nghề dược tư nhân, các cơ sở có sự phát triển cả về phạm vi và loại hình kinh doanh như: Công ty bán buôn thuốc, nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế. Mạng lưới hành nghề dược tư nhân trên địa bàn tỉnh luôn đáp ứng kịp thời các loại thuốc thông thường, thuốc thiết yếu, thuốc chuyên khoa, đảm bảo nhu cầu của nhân dân.
Có thể nói, sự gia tăng cơ sở y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh là hoàn toàn phù hợp với sự phát triển về kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo dự báo, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng đều theo sự phát triển chung của xã hội.
Những hạn chế
Tuy nhiên, theo bác sĩ Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế: Bên cạnh những hiệu quả, nhiều cơ sở y, dược ngoài công lập vẫn tồn tại những hạn chế, như: hành nghề quá phạm vi chuyên môn được phê duyệt; hành nghề khi chưa được cấp giấy phép hoạt động; không duy trì, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được thẩm định trong quá trình hoạt động; không bảo đảm điều kiện nhân sự, sử dụng người nước ngoài hành nghề không đúng quy định; bán thuốc, kê đơn không có đơn, không mở sổ hoặc không sử dụng máy tính để quản lý nhập, xuất, tồn trữ, theo dõi số lô, hạn dùng, nguồn gốc của thuốc và thông tin liên quan khác theo quy định của pháp luật.
Theo bác sĩ Khương Hoàng Anh, Chánh Thanh tra Sở Y tế: Chỉ tính riêng năm 2023, trong số 247 cơ sở được thanh, kiểm tra về hành nghề y, dược, an toàn thực phẩm, Thanh tra Sở đã xử lý 25 cơ sở vi phạm. Trong số này có cả những cơ sở KCB vượt quá phạm vi chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề; cung cấp dịch vụ KCB mà không có giấy phép hoạt động KCB hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động… Số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 438 triệu đồng.
Còn trong 9 tháng năm 2024, trong tổng số 158 cơ sở được thanh, kiểm tra, có 12 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 170,2 triệu đồng.
Số cơ sở y, dược ngoài công lập ngày càng gia tăng. |
Nguyên nhân và giải pháp?
Có nhiều nguyên nhân khiến việc quản lý hoạt động y, dược trên địa bàn còn những hạn chế. Theo đại diện Sở Y tế: Có địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý hoạt động hành nghề y dược ngoài công lập. Các cơ sở hành nghề không có giấy phép hoạt động chưa được rà soát, thống kê, cập nhật đầy đủ, kịp thời. Trong khi đó, địa bàn rộng, cơ sở hành nghề y, dược tương đối nhiều, nhân lực thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động hành nghề y, dược tại Sở Y tế biên chế chỉ đạt mức tối thiểu theo quy định; còn tại phòng y tế cấp huyện vừa thiếu, vừa hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ (bình quân 2 cán bộ), thậm chí như huyện Định Hóa hiện không có phòng y tế...
Trước thực trạng này, ngày 27/9/2024, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 16/CT-UBND về việc tiếp tục tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trong tình hình mới. Theo đó, tỉnh giao Sở Y tế giữ vai trò chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động rà soát, cập nhật các chỉ đạo của Trung ương, kịp thời tham mưu UBND tỉnh những nội dung thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về hành nghề y, dược ngoài công lập đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động của các cơ sở y, dược ngoài công lập sau cấp phép, kịp thời chấn chỉnh hành vi vi phạm pháp luật; tập trung kiểm tra các cơ sở có hình thức kinh doanh tiềm ẩn những yếu tố nguy cơ, rủi ro; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm...
Các sở, ngành liên quan như: Công an tỉnh, Kế hoạch và Đầu tư; Nội vụ; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban MTTQ tỉnh, UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, tích cực phối hợp, vào cuộc nhằm đưa hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập đi vào nền nếp.
Ngoài ra, đại diện phòng y tế một số huyện, thành phố cho rằng: Rất cần sự tham gia giám sát, phát hiện của người dân về sai phạm của các cơ sở y, dược ngoài công lập, để có thông tin xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân. Các địa phương quan tâm bố trí nhân lực cho phòng y tế hoặc cán bộ theo dõi y tế (nếu không có phòng y tế) một cách hợp lý để thực hiện tham mưu trong công tác quản lý nhà nước về y tế nói chung, công tác quản lý hoạt động hành nghề y dược ngoài công lập trên địa bàn nói riêng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin