Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương dự báo, những ngày tới, tại khu vực trung du, miền núi phía Bắc, trong đó có Thái Nguyên, trời chuyển rét và lạnh. Đây chính là hình thái thời tiết của thời điểm giao mùa Thu - Đông. Theo các bác sĩ, giai đoạn chuyển mùa, nóng, lạnh thất thường, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn tao điều kiện cho vi rút, vi khuẩn có hại phát triển nên rất ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Bác sĩ Bệnh viện A Thái Nguyên khám cho trẻ nhỏ mắc bệnh viêm đường hô hấp thời điểm giao mùa. |
Thay vì đi bộ vào sáng sớm, khoảng 1 tuần nay, bà Nguyễn Thị Hải, 73 tuổi, ở tổ 3, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên), chuyển sang đi bộ, rèn luyện sức khỏe vào buổi chiều, khi nắng chưa tắt. Bà cho hay: Tôi có tiền sử cao huyết áp, rất dễ bị ảnh hưởng khi thời tiết nóng, lạnh đột ngột như hiện nay. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe bản thân, tôi chủ động thay đổi giờ tập luyện cho phù với lứa tuổi và tình trạng bệnh của mình.
Do đã được tuyên truyền, nhất là tham gia các buổi tư vấn bảo vệ sức khỏe, dinh dưỡng do một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tổ chức miễn phí, một bộ phận người dân Thái Nguyên đã tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích, có ý thức ăn uống, rèn luyện thân thể một cách khoa học.
Bởi vậy, cùng với việc thay đổi giờ giấc luyện tập cho phù hợp nhằm duy các hoạt động thể chất ngoài trời, nâng cao hệ thống miễn dịch, đẩy lùi stress như trường hợp của bà Hải, nhiều người dân trong tỉnh đã chủ động ăn uống khoa học để phòng bệnh khi thời tiết giao mùa; đồng thời duy trì uống nhiều nước nhằm hạn chế mất nước, nâng cao hệ miễn dịch; thường xuyên bổ sung thực phẩm giàu Vitamin C như nước cam, chanh…; ăn nhiều thực phẩm có chứa chất xơ như rau xanh, củ, quả… để tăng sức đề kháng; người cao tuổi hạn chế uống cà phê, nước uống có cồn, “cai” rượu, thuốc lá để có giấc ngủ ngon hơn.
Ông Trần Văn Teo, 68 tuổi, xã Cát Nê (Đại Từ), nói: Để sức khỏe đảm bảo, ngoài việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tôi duy trì ngủ đủ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày. Tôi cũng luôn nhắc nhở các con, cháu phải ăn uống ngủ nghỉ khoa học, đúng giờ, không nên lệ thuộc vào máy điện thoại mà thức khuya, dậy muộn…
Thực tế cho thấy, những năm trở lại đây, không ít người dân Thái Nguyên đã có ý thức phòng, chống bệnh vào thời điểm giao mùa. Thạc sĩ, bác sĩ Hà Đức Trịnh, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên nói: Nhiều người dân có ý thức bảo vệ sức khỏe bản thân và nhắc nhở các thành viên trong gia đình cùng thực hiện theo là một tín hiệu rất tốt. Điều đó giúp cho chất lượng cuộc sống của mỗi người, mỗi nhà được nâng lên.
Cũng theo bác sĩ Trịnh, nếu không chủ động phòng, chống các loại bệnh thời điểm giao mùa, người dân có thể mắc rất nhiều bệnh, nhẹ thì ảnh hưởng đến sinh hoạt cá nhân, công việc trong 5 đến 10 ngày, nặng có thể nằm viện kéo dài, tốn kém, thậm chí nhiều bệnh có thể dẫn đến tử vong. Cụ thể, thời điểm giao mùa, người dân có thể mắc các bệnh như cảm cúm, viêm phổi, đau mắt đỏ, dị ứng da, đau xương khớp, viêm xoang.
Đáng lo ngại hơn, những người có bệnh lý về tim mạch thường bị lại vào thời điểm giao mùa Thu - Đông. Nguyên nhân là khi thời tiết thay đổi đột ngột, cơ thể phải tìm cách thích ứng với sự biến đổi khí hậu, từ đó có thể làm quá tải hệ thống tim mạch, gây hậu quả nghiêm trọng cho tim mạch, đặc biệt là suy tim.
Hệ miễn dịch của trẻ nhỏ chưa hoàn thiện; phụ nữ mang thai ba tháng đầu; người cao tuổi có sẵn các bệnh lý mạn tính như bệnh lý hô hấp, đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, suy gan, suy thận làm hệ miễn dịch suy yếu chính là những trường hợp dễ mắc bệnh thời điểm giao mùa…
Bởi vậy, cùng với việc dùy trì chế độ luyện tập thể thao, dinh dưỡng, nghỉ ngơi phù hợp, người dân nên tiêm phòng vắc-xin cúm đầy đủ; giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhà ở thông thoáng; giữ ấm cơ thể… Khi có biểu hiện bất thường cần được khám và tư vấn của bác sĩ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin