Trời lạnh làm cho máu 'đặc' hơn dễ gây đau tim, đột quỵ não, phải làm sao?

Theo thanhnien.vn 17:59, 02/01/2023

Thời tiết lạnh có thể làm chậm tốc độ bơm máu đi khắp cơ thể, dễ hình thành cục máu đông nguy hiểm.

Các cục máu đông phát triển trong tĩnh mạch và động mạch có thể làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Các cục máu đông phát triển trong tĩnh mạch và động mạch có thể làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.

Các cục máu đông phát triển trong tĩnh mạch và động mạch có thể làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.

Giáo sư Mark Whiteley, bác sĩ phẫu thuật tĩnh mạch hàng đầu và là người sáng lập Phòng khám The Whiteley Clinic (Anh), cảnh báo thời tiết lạnh là yếu tố gây ra các biến cố đau tim và đột quỵ, theo nhật báo Express (Anh).

Ông Mark Whiteley cho biết: Khi thời tiết quá lạnh, cơ thể phải làm việc nhiều hơn để ổn định thân nhiệt. Điều này có thể làm cho máu đặc hơn và dễ đông hơn.

Nghiên cứu nói gì?

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học International Angiology cảnh báo nhiệt độ thấp làm tăng đáng kể tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu.

Nghiên cứu đã xem xét các bệnh nhân nhập viện bị huyết khối tĩnh mạch sâu ở Thẩm Dương, Trung Quốc, trong khoảng thời gian 10 năm. Kết quả cho thấy nhiệt độ thấp dẫn đến huyết khối tĩnh mạch sâu.

Tuy nhiên, Giáo sư Whiteley đã chỉ ra một số người có thể dễ gặp nguy hiểm hơn. Ông cho biết với những người bị xơ vữa động mạch nặng, thời tiết lạnh có thể làm cho các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.

Đối với những người bị phình động mạch chủ bụng, thời tiết lạnh và áp suất không khí giảm, làm tăng nguy cơ vỡ động mạch chủ.

Ra ngoài trời lạnh cũng có thể làm tăng nguy cơ đau tim, theo Express.

Làm gì để bảo vệ bản thân?

Mặc dù thời tiết lạnh có thể làm chậm tốc độ bơm máu đi khắp cơ thể, nhưng có những cách đơn giản có thể giúp cải thiện lưu thông máu khi trời lạnh.

Duy trì tập thể dục hoặc mặc đủ ấm để giảm thiểu nguy cơ mắc cục máu đông.

Giáo sư Whiteley cho biết: Điều quan trọng là duy trì hoạt động khi trời lạnh nhằm giúp cải thiện lưu lượng máu và giữ ấm.

Chỉ cần mặc đủ ấm và đi bộ nhanh ngoài trời hoặc tập luyện thể dục trong nhà có thể giúp cải thiện tuần hoàn máu, theo Express.

Dấu hiệu để nhận biết cục máu đông nguy hiểm

Tùy thuộc vào vị trí hình thành cục máu đông mà các triệu chứng có thể khác nhau, các dấu hiệu cần lưu ý gồm:

Ở tay hoặc chân: Sưng, đau, đỏ và nóng ở phía trên vị trí cục máu đông.

Ở bụng: Đau bụng nghiêm trọng, tiêu chảy và nôn mửa

Ở tim: Khó thở, đau và nặng ngực, đổ mồ hôi, buồn nôn và chóng mặt.

Ở phổi: Ho ra máu, khó thở, đau nhói ngực và sốt.

Trong não: Nhức đầu, chóng mặt, yếu tay và chân, khó nói và nhìn mờ.

Vì các triệu chứng của cục máu đông có thể rất khác nhau nên cần phải đi khám nếu cảm thấy lo lắng, theo Express.