Phòng, chống bệnh không lây nhiễm ngay tại cộng đồng

Tùng Lâm 14:39, 17/12/2022

Được ví như “cơn thủy triều đỏ” bởi gánh nặng bệnh tật gây ra quá lớn, bệnh không lây nhiễm (KLN) đang ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của không ít người dân Thái Nguyên. Do đó, phòng, chống bệnh KLN ngay tại cộng đồng được xem là một trong những biện pháp hữu hiệu làm giảm gánh nặng cho ngành Y tế và cả xã hội.

Hằng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đều triển khai khám sàng lọc bệnh KLN như tăng huyết áp, đái tháo đường cho người dân tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm khám sàng lọc bệnh đái tháo đường cho người dân tại phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên).
Hằng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đều triển khai khám sàng lọc các bệnh KLN như: tăng huyết áp, đái tháo đường... cho người dân tại các xã, phường, thị trấn. Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm khám sàng lọc bệnh đái tháo đường cho người dân tại phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên).

Hiện nay, Thái Nguyên chưa có thống kê chính xác về số người mắc bệnh KLN như: đái tháo đường, tăng huyết áp, phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh ung thư... Tuy nhiên, qua  hoạt động phòng, chống bệnh KLN của ngành Y tế (khám sàng lọc tại các xã, phường, thị trấn; xét nghiệm mẫu máu…) cho thấy, số người mắc bệnh được phát hiện mỗi năm khá cao (khoảng 200 người mắc đái tháo đường; hơn 2.000 mắc bệnh tăng huyết áp; hơn 300 tăng cholesterol…).

Bởi vậy, ngành Y tế luôn hướng tới mục tiêu chung là khống chế tốc độ gia tăng, tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế số người tàn tật và tử vong do mắc các bệnh KLN. Trong đó, ưu tiên phòng, chống các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, các bệnh mạn tính về gan, thận; bệnh khớp…

Nhằm thực hiện tốt mục tiêu này, thời gian qua, các cơ sở y tế tuyến huyện, xã trong tỉnh đã tăng cường hiệu quả hoạt động phòng, chống bệnh KLN theo hướng toàn diện, lồng ghép, dựa vào cộng đồng và huy động sự tham gia chủ động của các ban, ngành, đoàn thể. Đồng thời, tập trung tổ chức hệ thống dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý các bệnh KLN tại cộng đồng. Cùng với đó là củng cố hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh để cung cấp các dịch vụ toàn diện, chuyên sâu và kỹ thuật cao cho chẩn đoán, điều trị bệnh nhân mắc bệnh KLN…

Bác sĩ Hà Đức Trịnh, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Thái Nguyên, cho biết: Chúng tôi đã chỉ đạo các trạm y tế thực hiện tốt công tác tham mưu về phòng, chống bệnh KLN tại cộng đồng. Nhờ đó, các địa phương trên địa bàn thành phố đang triển khai hoạt động phòng, chống bệnh KLN khá hiệu quả. Từ nhiều năm nay, Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân của các địa phương đã có văn bản quy định về triển khai nhiệm vụ phòng, chống bệnh KLN. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở triển khai các văn bản mới ban hành liên quan tới những yếu tố nguy cơ, dự phòng, phát hiện sớm và quản lý bệnh KLN. Đặc biệt, các trạm y tế đã chủ động phối hợp với đơn vị liên quan để thực hiện hoạt động dự phòng, sàng lọc phát hiện sớm, quản lý một số bệnh KLN tại cộng đồng, cơ quan, đơn vị…

Nguy cơ mắc bệnh KLN chủ yếu do lối sống có hại cho sức khỏe và các yếu tố môi trường không thuận lợi. Bởi vậy, ngành Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, xã đẩy mạnh hoạt động truyền thông nâng cao sức khỏe tại cộng đồng, với những nội dung chủ yếu như: phòng chống tác hại thuốc lá, rượu bia; thực hiện dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực; phòng chống tăng huyết áp, tim mạch ; phòng chống ung thư; phòng chống bệnh đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính - HPQ... Qua đó, nhằm chăm sóc và giúp người dân có nhiều kiến thức để tự phòng bệnh, phòng xảy ra biến chứng và hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong do bệnh KLN.

Bác sĩ Hoàng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho rằng: Không chỉ tiến triển chậm, hầu hết các bệnh KLN đều có thời gian bị bệnh dài, tạo ra gánh nặng bệnh tật nặng nề do tỷ lệ tàn phế và tử vong tương đối cao. Trong khi đó, những bệnh này có thể dự phòng được khi nhận thức của người dân được nâng cao. Đáng mừng là thời gian qua, thông qua các hoạt động truyền thông của ngành Y tế đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như phòng tránh được các bệnh KLN từ sớm...