Dễ đổ bệnh khi thời tiết ngày nóng, đêm lạnh

Tùng Lâm 10:50, 25/11/2023

Khoảng 1 tuần nay, thời tiết ở Thái Nguyên có sự chênh lệch nhiệt độ khá cao giữa ban ngày và ban đêm. Ban đêm, nhiệt độ có thể xuống dưới 15 độ C, nhưng ban ngày lại có nắng, trời hanh khô, nhiệt độ lên tới 25-26 độ C. Hình thái thời tiết này khiến nhiều người có thể mắc các bệnh về đường hô hấp, cơ xương khớp... Bởi vậy, việc chăm sóc cơ thể đúng cách khi trời lạnh sẽ giúp phòng bệnh, tăng sức đề kháng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Khi trời rét, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên cho người cao tuổi rất quan trọng. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện A Thái Nguyên khám bệnh miễn phí cho người cao tuổi ở xã Tân Quang (TP. Sông Công).
Khi trời rét, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên cho người cao tuổi rất quan trọng. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện A Thái Nguyên khám bệnh miễn phí cho người cao tuổi ở xã Tân Quang (TP. Sông Công).

Thời tiết chuyển lạnh như hiện nay là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh như cảm cúm, viêm phổi, viêm phế quản phổi, dị ứng, viêm xoang, đau nhức xương khớp, suy tim. Đặc biệt, hình thái thời tiết này cũng là yếu tố làm gia tăng đợt kịch phát của bệnh nhân hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và đột quỵ. Do hệ miễn dịch non yếu, sức đề kháng kém nên trẻ em, người già, phụ nữ đang mang thai rất dễ bị mắc bệnh khi thời tiết ngày nóng, đêm lạnh.

Bác sĩ Phan Thanh Nhung, Phó Trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), cho biết: Khoảng 3-4 ngày nay, số bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm họng cấp, viêm phổi, viêm phế quản cấp… tăng khoảng 20% so với thời điểm trước đó (có ngày Khoa tiếp đón gần 40 trường hợp), trong đó phần lớn là người già từ 70 tuổi trở lên và trẻ nhỏ dưới 6 tuổi.

Ngoài ra, không ít trường hợp người cao tuổi bị tăng huyết áp, có nguy cơ đột quỵ cũng đã nhập viện… Theo dự kiến, lượng bệnh nhân mắc các bệnh này có thể sẽ tăng hơn trong thời gian tới, khi nhiệt độ ban đêm giảm sâu hơn.

Còn tại Khoa Ngoại Thần kinh (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), số người nhập viện phẫu thuật cột sống cũng tăng đáng kể. Ông Minh Ngọc, ở phường Túc Duyên (TP. Thái Nguyên) cho hay: Tôi bị thoái hóa đốt sống lưng gần 20 năm nay, mỗi khi chuyển mùa, lưng thường đau nhức, đi lại rất khó khăn. Thời gian này, lưng của tôi đau nhiều do bị xẹp đốt sống, thoát vị đĩa đệm, không đi lại được. Vì vậy, các bác sĩ tư vấn cho tôi bơm xi măng điều trị xẹp đốt sống để nhanh chóng hết đau.

Trên thực tế, bệnh giao mùa Thu - Đông rất phổ biến ở miền Bắc và có tác động đến tất cả các đối tượng, nhất là trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai. Vì vậy, để phòng tránh bệnh hiệu quả, mỗi người cần tăng cường sức đề kháng bằng cách cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, hợp lý, khoa học, cân bằng dinh dưỡng để có hệ miễn dịch khỏe mạnh.

Ăn đa dạng các loại thực phẩm và tăng cường các loại thức ăn giúp nâng cao hệ miễn dịch như: các thức ăn giàu protein (chất đạm), omega 3 có trong cá, các loại thực phẩm giàu vitamin và vi chất như sắt, kẽm, selen… Ăn nhiều rau củ quả và các loại hạt, hạn chế các loại thực phẩm đóng hộp chế biến sẵn và thức ăn nhiều dầu mỡ, giảm lượng đường, muối nạp vào cơ thể. Cùng với đó là tích cực rèn luyện thể thao để nâng cao sức khỏe. Ngoài ra, cần tạo môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng, hạn chế tập trung chỗ đông người, nhất là hạn chế trò chuyện với người mắc bệnh cúm và các bệnh về đường hô hấp.

Trong thời điểm trời chuyển lạnh như hiện nay, việc giữ ấm cơ thể cũng rất cần được quan tâm. Chúng ta cần mặc đủ ấm vào buổi sáng và buổi tối, đội mũ, nón khi đi ra ngoài trời; có chế độ sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, không nên thức quá khuya… Đặc biệt, với người cao tuổi cần bảo đảm ăn uống đúng giờ, đúng bữa, đi ngủ và thức dậy đúng giờ, thường xuyên tập thể dục, nhưng tuyệt đối không ra ngoài trời lúc 4-5h sáng. Với những người mắc bệnh mạn tính cần tuân thủ việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ…