Truyền thông không chỉ làm thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ, sự lây truyền HIV và các biện pháp phòng tránh mà còn kết nối và thúc đẩy các dịch vụ về dự phòng, chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS,
Nhằm hướng đến mục tiêu kết thúc dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (VAAC) vừa ban hành Công văn số 152/AIDS-DP đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị có liên quan tăng cường triển khai công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương.
Theo VAAC, HIV/AIDS vẫn đang là gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam. Theo báo cáo của các địa phương, hiện có hơn 213,8 nghìn người nhiễm HIV/AIDS còn sống. Năm 2021, cả nước phát hiện 13 nghìn người nhiễm HIV và 1.855 người nhiễm HIV tử vong.
Trước đây, lây nhiễm HIV ở Việt Nam chủ yếu qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy và lây qua đường tình dục ở nhóm phụ nữ mại dâm. Tuy nhiên, lây truyền qua đường quan hệ tình dục ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2014, tỷ lệ nhiễm HIV trung bình trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới là 6,7%, đến năm 2017 tăng lên 12,2% và đến năm 2020 là 13,3%. Nam quan hệ tình dục đồng giới đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh đó, theo kết quả điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ Việt Nam năm 2020-2021 cho thấy, chỉ 43,2% phụ nữ từ 15-49 tuổi có hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV, tỷ lệ này ở nam giới là 54,1%. Có tới hơn 37% người dân trong độ tuổi từ 15-49 tuổi có thái độ phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Tỷ lệ người đã xét nghiệm HIV và biết kết quả xét nghiệm của mình trong 12 tháng qua ở cả nam và nữ rất thấp…
Mục tiêu Chiến lược kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đặt ra chỉ tiêu 80% thanh niên từ 15-24 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS và 80% người dân từ 15-49 tuổi không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.
Để đạt được các mục tiêu của Chiến lược kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030, VAAC đề nghị Sở Y tế các địa phương tăng cường công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS. Qua đó, nâng cao sự hiểu biết của người dân về HIV, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ dễ bị lây nhiễm HIV; tăng nhu cầu sử dụng các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS.
Các giải pháp thực hiện chủ yếu gồm, tăng cường truyền thông cả về bề rộng cũng như chiều sâu để phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đổi mới thông điệp và kênh truyền thông cho phù hợp với xu hướng truyền thông hiện nay, tập trung sử dụng truyền thông công nghệ kĩ thuật số. Triệt để lồng ghép các hoạt động truyền thông phòng chống HIV/AIDS vào các lĩnh vực sức khoẻ và xã hội khác trong các sự kiện truyền thông, các hội nghị, hội thảo, cuộc họp…