Từ ngày 16 đến ngày 18/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lạng Sơn tổ chức tập huấn can thiệp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho 30 học viên là các y, bác sĩ, cán bộ y tế phụ trách công tác phòng chống HIV/AIDS tại các huyện, thành phố trên địa bàn.
Tại lớp tập huấn, các học viên được cung cấp những thông tin tổng quan về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP); quy trình sàng lọc và tư vấn điều trị PrEP; khám lâm sàng và xét nghiệm trước khi điều trị PrEP; xử trí một số tình huống trong khi điều trị PrEP…
Qua lớp tập huấn, các học viên sẽ được trang bị thêm nhiều kiến thức về PrEP trong việc điều trị dự phòng HIV trên địa bàn để góp phần đáp ứng điều trị dự phòng cho nhóm đối tượng nguy cơ cao bằng thuốc kháng virus HIV, tạo điều kiện cho chương trình phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn đạt kết quả tốt trong thời gian tới.
Sau lớp tập huấn, các học viên sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành lớp tập huấn về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).
Năm 2015, Tổ chức Y tế đã khuyến cáo các quốc gia cần triển khai cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho nhóm quần thể có nguy cơ cao nhiễm HIV như nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người chuyển giới, người tiêm chích ma tuý, bạn tình âm tính của người nhiễm HIV chưa điều trị ARV hoặc người nhiễm HIV đã điều trị ARV có tải lượng HIV từ 200 bản sao/ml máu trở lên. Nhiều bằng chứng khoa học đã chứng minh hiệu quả của điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV, những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV tuân thủ uống thuốc ARV hằng ngày có thể giảm nguy cơ lây nhiễm trên 90%.
Sau hơn 3 năm khởi động, chương trình điều trị PrEP đã được triển khai tại 27 tỉnh, thành phố với 13.625 khách hàng sử dụng dịch vụ điều trị PrEP, trong đó 78% khách hàng là MSM.
Các nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy điều trị PrEP làm giảm lây nhiễm HIV đến 86% ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (nghiên cứu IPERGAY và PROUD), làm giảm lây nhiễm HIV đến 75% ở nhóm cặp bạn tình dị nhiễm (nghiên cứu Partners PrEP), làm giảm lây nhiễm HIV đến 62% ở nhóm quan hệ tình dục khác giới (nghiên cứu TDF2).