Cục Phòng, chống HIV/AIDS vừa tổ chức Hội nghị cảnh báo dịch HIV cho 10 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhằm chia sẻ kinh nghiệm, xác định được những khoảng trống, những khó khăn, rào cản đang gặp phải và nhu cầu của các tỉnh trong công tác kiểm soát dịch.
Hội nghị do PGS. TS. Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS chủ trì.
Tham dự Hội nghị có TS. Parviez Hosseini, Quản lý cấp cao chương trình PEPFAR, phụ trách Việt Nam; TS. Eric Zdiuban, Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam và hơn 50 đại biểu gồm đại diện Chương trình PEPFAR; tổ chức CDC Việt Nam; tổ chức USAID Việt Nam; Tổ chức y tế thế giới; Dự án EPIC; Dự án Quỹ toàn cầu; đại diện Lãnh đạo các phòng thuộc Cục Phòng, chống HIV/AIDS; lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật và lãnh đạo khoa HIV/AIDS của các tỉnh Long An, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Cần Thơ.
Dịch HIV/AIDS đang có diễn biến phức tạp
PGS.TS. Phạm Đức Mạnh cho biết, những năm qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống, sự hỗ trợ nhiệt tình, hiệu quả của các tổ chức quốc tế, công tác phòng chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận, số nhiễm HIV, mắc AIDS và tử vong liên quan đến HIV/AIDS đã giảm 2/3 trong hơn 15 năm qua. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 theo Chiến lược quốc gia, công tác phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có sự diễn biến phức tạp của dịch HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, hình thái lây nhiễm HIV trong giai đoạn 2010 đến 2020 có sự thay đổi rõ rệt. Báo cáo giám sát phát hiện cho thấy số người nhiễm HIV qua đường máu không còn là đường lây nhiễm chính trong số nhiễm mới hàng năm. Tỉ lệ nhiễm HIV qua đường tình dục tăng mạnh qua các năm và trở thành đường lây chính. Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay. Tỉ lệ hiện nhiễm HIV tăng rõ rệt; Tỉ lệ nhiễm mới HIV cao, tăng lên từng năm; MSM được dự báo có thể trở thành nhóm chiếm tỉ lệ lớn nhất trong tổng số người nhiễm mới HIV được ước tính hàng năm trong thời gian tới.
Tại hội nghị, các đại biểu được Ths.Bs. Bùi Hoàng Đức, Phó Trưởng phòng Giám sát và xét nghiệm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS chia sẻ về tình hình dịch HIV/AIDS tại Việt Nam và tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, các thành phố Trung ương và thành phố du lịch. Có thể thấy, số người nhiễm HIV được báo cáo gia tăng tại phần lớn các tỉnh, đặc biệt tại các tỉnh: Cần Thơ, Long An, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp và Cà Mau. Có xu hướng gia tăng lây nhiễm HIV trong nhóm MSM và các nam giới khác, lây truyền qua đường tình dục và nhóm tuổi trẻ.
Cũng tại Hội nghị, Ths.Bs. Võ Hải Sơn, Trưởng phòng Giám sát và xét nghiệm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS giới thiệu về công cụ cảnh báo dịch HIV/AIDS từ hệ thống quản lý thông tin người nhiễm (HIV Info 4.0) và hướng dẫn sử dụng dữ liệu để cảnh báo tình hình dịch.
Triển khai các hoạt động đáp ứng y tế công cộng
Bs. Võ Hải Sơn cho biết, Việt Nam đang tiến gần đến kiểm soát được dịch bệnh, việc duy trì đòi hỏi cần phải phát hiện các nhiễm trùng mới kịp thời và có đáp ứng y tế công cộng hiệu quả có khả năng duy trì theo thời gian. Để có đáp ứng y tế công cộng trong kiểm soát dịch HIV, hệ thống thông tin quản lý người nhiễm HIV (CBS) sẽ hỗ trợ cho chương trình quốc gia trong việc theo dõi các sự kiện ở cấp độ từng cá thể - dữ liệu này sẽ giúp cho người quản lý biết được khu vực nào xảy ra các lây nhiễm mới, khu vực có thể sẽ là các điểm nóng trong thời gian tới và kịp thời đưa ra các cảnh báo nhằm kiểm soát được tình hình dịch. Hiện nay, CBS đang được bắt đầu mở rộng triển khai ở một số tỉnh. Trong quá trình chuẩn bị triển khai chính thức, dựa vào các dữ liệu xét nghiệm nhiễm mới HIV, thông báo và tư vấn xét nghiệm cho bạn tình/bạn chích, thông báo mạng lưới xã hội của người nhiễm và tải lượng virus từ nhiều nguồn dữ liệu như phòng xét nghiệm, báo cáo chương trình HIV để phân tích tập trung, đánh giá các cụm hoặc điểm nóng.
Tại đây, các đại biểu cũng được hướng dẫn triển khai đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm HIV; Chia sẻ kinh nghiệm của các tỉnh/ thành phố đã triển khai đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm HIV; Chia sẻ về các hoạt động, hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, dự án (PEPFAR, Quỹ toàn cầu, EPIC...) trong hoạt động đáp ứng y tế công cộng tại Việt Nam và tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, các thành phố Trung ương và thành phố du lịch; Thảo luận về khoảng trống dịch vụ, nhu cầu, nguồn lực và xây dựng kế hoạch thực hiện đáp ứng y tế công cộng với chùm ca nhiễm HIV.
Năm 2021, Việt Nam đã bước đầu triển khai các hoạt động đáp ứng y tế công cộng trong phòng, chống HIV/AIDS, bên cạnh xây dựng hướng dẫn triển khai đáp ứng y tế công cộng trong phòng, chống HIV/AIDS, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cùng các chuyên gia đã hỗ trợ một số tỉnh xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai đáp ứng y tế công cộng của tỉnh. Trong thời gian tới, việc mở rộng xét nghiệm nhiễm mới HIV và triển khai hoạt động giám sát ca bệnh tại tất cả các tỉnh/thành phố trên cả nước sẽ cung cấp dữ liệu quan trọng cho triển khai đáp ứng y tế công cộng.
Sau hội nghị này, vào tháng 7/2022, Hội nghị cảnh báo dịch tại TPHCMsẽ được tổ chức cho các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Bình Dương; Bình Phước; Đồng Nai; Tây Ninh, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và TPHCM; và Hội nghị cảnh báo dịch tại Huế cho các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Định và Phú Yên.