HIV/AIDS từng khiến nhân loại hoảng sợ vì chưa tìm được thuốc chữa trị dứt điểm. Căn bệnh này cũng đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) “tuyên chiến” và coi là căn bệnh thế kỷ, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các quốc gia, vùng lãng thổ. Tại tỉnh Thái Nguyên, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW của Trung ương, HIV/AIDS đã từng bước bị đẩy lùi, sự kỳ thị của cộng đồng với người mắc không còn như trước…
Không còn quá kỳ thị
Xác định HIV là đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với sức khỏe, tính mạng của con người và tương lai nòi giống của dân tộc nên Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 54-CT/TW yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc. Tại tỉnh Thái Nguyên, cấp ủy các cấp đã tổ chức phổ biến, quán triệt đến các tổ chức đảng và toàn thể đảng viên về nhiệm vụ cần nhanh chóng đẩy lùi HIV/AIDS. Đồng thời, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, 9 đơn vị hành chính cấp huyện trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến tác hại của đại dịch HIV. Ngoài quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đã ban hành 20 văn bản chỉ đạo, điều hành, triển khai, hướng dẫn thực hiện công tác phòng, chống HIV…
Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW, nhận thức của các cấp ủy đảng, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh cũng như toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã được nâng cao thông qua ý thức tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng trước tầm quan trọng của việc phòng, chống đại dịch HIV trong phát triển kinh tế - xã hội. Các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị trong tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và tham gia tích cực vào các hoạt động thông tin, tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS.
Mục tiêu là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người nhiễm HIV chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng virus kiểm soát được lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.
Th.s Lê Ái Kim Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên: Trước đây, những người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh rất khó khăn hoặc không thể tiếp cận được nguồn thuốc điều trị dẫn tới tử vong. Còn hiện nay, 100% người nhiễm HIV được thầy thuốc tư vấn, khám, điều trị và được BHYT thanh toán chi phí. Mỗi năm, các cơ sở y tế chuyển đến Trung tâm khoảng 500 mẫu bệnh nghi nhiễm HIV, giảm khoảng 50% so với giai đoạn 2010-2015. |
Không chỉ có ngành Y tế Thái Nguyên quyết liệt thực hiện nhiệm vụ phòng, chống HIV mà các ngành, đoàn thể khác của tỉnh như: Giáo dục; MTTQ tỉnh và các đoàn thể đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phòng, chống HIV đến toàn thể hội viên, đoàn viên.
Đặc biệt, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã có nhiều giải pháp để tuyên truyền tác hại căn bệnh thế kỷ, thành lập các câu lạc bộ để hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ, trẻ em bị HIV/AIDS… Từ sự nỗ lực trên của các cấp, ngành, đoàn thể nên người nhiễm HIV không còn quá mặc cảm, cộng đồng không còn kỳ thị, xa cách như trước.
Tại một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh, công tác tuyên truyền phòng, chống HIV được phổ biến bằng nhiều hình thức phong phú, như: Tuyên truyền trên bản tin, tờ rơi, loa phóng thanh, trên các trang thông tin điện tử… Các cơ quan báo chí của tỉnh đã thực hiện tuyên truyền công tác phòng, chống HIV/AIDS trên cả báo giấy, báo hình và báo điện tử bằng những hình ảnh sinh động, phong phú nhằm tuyên truyền, vận động mọi cán bộ, công chức và người lao động trong phòng, chống dịch bệnh này.
Các hoạt động truyền thông qua hệ thống truyền thanh, phát thanh, truyền hình, trên các báo viết, báo điện tử, phim phóng sự, tọa đàm, trao đổi… đã từng bước hướng tới giáo dục chống kỳ thị, phân biệt đối xử, làm thay đổi hành vi, nhận thức của mọi người về HIV/AIDS…
Kết quả nổi bật
Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực, như: Các cấp uỷ đảng và chính quyền phải nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng, chống HIV/AIDS; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đưa nhiệm vụ, chỉ tiêu phòng, chống HIV/AIDS vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch của cấp uỷ đảng, chính quyền. Công tác phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cộng đồng đã được các ngành, địa phương trong tỉnh đưa ra các giải pháp sát với yêu cầu thực tế.
Mặc dù nguồn kinh phí hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, nguồn ngân sách Trung ương cấp cho công tác này giảm dần nhưng tỉnh đã chủ động đầu tư kinh phí đúng mức cho công tác phòng, chống HIV và kiên trì thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục, tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao nhận thức, năng lực phòng, chống HIV trong hệ thống chính trị.
Đặc biệt, trong những năm qua, ngành Y tế Thái Nguyên đã tham mưu Ban Chỉ đạo của tỉnh thực hiện nhiều hình thức, mô hình giúp người có nguy cơ cao nhiễm HIV dễ dàng tìm ra bệnh thông qua việc xét nghiệm tại cơ sở y tế, xét nghiệm cộng đồng, xét nghiệm lưu động… 100% người nhiễm HIV trong tỉnh đã có thuốc điều trị và được bảo hiểm y tế thanh toán nên giảm bớt khó khăn cho người thân.
Để chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030 theo yêu cầu của Tổ chức Y tế thế giới và chỉ đạo của Trung ương, trong thời gian tới, cấp ủy các cấp trong tỉnh vẫn tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 54-CT/TW. Trong đó, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn của tỉnh sẽ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV đến mọi đối tượng nhằm huy động mọi nguồn lực và sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, mỗi người dân và cộng đồng vào các hoạt động phòng, chống HIV...
Toàn tỉnh có 12 cơ sở chăm sóc, điều trị HIV/AIDS với 3.893 bệnh nhân (có 116 bệnh nhân là trẻ em). Việc khám, xét nghiệm, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh được thực hiện tại 10 cơ sở y tế, trong đó có 2 cơ sở là Bệnh viện A và Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên được cấp thuốc ARV qua bảo hiểm y tế theo chỉ đạo của Bộ Y tế. |