Triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022

Theo Tiengchuong.vn 14:02, 01/11/2022

Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm phát động trong cả nước Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 từ ngày 10/11 đến ngày 10/12/2022.

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đã chính thức được Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (UBQG) phát động từ năm 2008 và từ đó đến nay UBQG đã lấy thời gian từ ngày 10/11-10/12 là Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam. Ảnh: Thùy Chi
Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đã chính thức được Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (UBQG) phát động từ năm 2008 và từ đó đến nay UBQG đã lấy thời gian từ ngày 10/11-10/12 là Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam. Ảnh: Thùy Chi

Năm 2022, Việt Nam chọn chủ đề Tháng hành động là "Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng!".

Trong Tháng hành động sẽ diễn ra nhiều hoạt động thiết thực trên cả nước. Cụ thể, Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các cấp ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tăng cường triển khai các hoạt động trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 phù hợp với điều kiện, chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị, địa phương trong tình hình diễn biến mới của dịch COVID-19.

Tùy từng điều kiện cụ thể, các đơn vị, địa phương tổ chức các hội nghị, hội thảo với số người tham gia và hình thức tổ chức phù hợp. Các hội nghị, hội thảo tập trung phổ biến về các nội dung: Tình hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam: Dịch bệnh AIDS tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp. Đường lây truyền HIV đang thay đổi qua quan hệ tình dục không an toàn trong các nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, người sử dụng ma túy tổng hợp, người bán dâm và bạn tình của các nhóm đối tượng trên. Từ đó cảnh báo dịch HIV sẽ ngày càng trở nên khó kiểm soát. Đặc biệt, các dịch bệnh mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ đã xâm nhập vào Việt Nam và có nguy cơ lây nhiễm cao ở các nhóm đối tượng này…

Tư vấn và xét nghiệm HIV bao gồm: Xét nghiệm HIV tại cộng đồng, tự xét nghiệm HIV và xét nghiệm nhiễm mới HIV; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone: Lợi ích của điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; tuân thủ điều trị cũng như việc cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh mang về; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (PrEP): Lợi ích sự cần thiết, cách tham gia cũng như tuân thủ điều trị; điều trị HIV bằng thuốc kháng ARV: Lợi ích của điều trị sớm bằng thuốc ARV và tuân thủ điều trị…

Việt Nam đã là một trong ít nước có chất lượng điều trị cho người nhiễm HIV đứng hàng đầu thế giới thông qua việc kiểm soát được tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện với tỷ lệ rất cao. Việt Nam cũng là số ít nước đã chuyển đổi thành công từ việc điều trị HIV chủ yếu bằng nguồn viện trợ sang nguồn bảo hiểm y tế, đảm bảo sự bền vững không chỉ cho chương trình mà cả bệnh nhân tham gia điều trị…

Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Bao gồm: Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022; tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 01/12; tổ chức các hoạt động truyền thông đại chúng và truyền thông qua mạng xã hội; truyền thông trực tiếp và truyền thông nhân sự kiện.

Triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khác như: Giới thiệu, quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ xét nghiệm HIV nhất là xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tự xét nghiệm; dự phòng, dịch vụ PrEP; chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS sẵn có tại địa phương, đơn vị, bao gồm cả các dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến để mọi người dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS dễ dàng tiếp cận và sử dụng.

Mở rộng việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; điểm cấp phát thuốc Methadone; điểm cấp phát thuốc ARV tại các trạm y tế xã cũng như cung cấp các dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV; Truyền thông vận động chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV nhất là với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV.

Vận động các doanh nghiệp tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động; căn cứ tình hình thực tế để nghiên cứu, xem xét việc nhận người lao động là người nhiễm HIV, người sau cai, người đang được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; thực hiện các biện pháp truyền thông, phòng, chống lây nhiễm HIV theo hướng dẫn của các cơ quan y tế nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động.

Tổ chức các chương trình vận động các tổ chức, cá nhân và gia đình tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, ủng hộ gây quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV, mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV và tổ chức thăm hỏi người nhiễm hoặc nhóm người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS tại địa phương…

Bộ Y tế (Cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm) đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm các Bộ, ngành, đoàn thể và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức thực hiện và giám sát các hoạt động của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng địa phương, đơn vị và tình hình diễn biến mới của dịch COVID-19.