Ông Randolph Augustin, Giám đốc Phòng Y tế của USAID Việt Nam khẳng định, trên thế giới, Việt Nam là một ví dụ điển hình trong việc điều trị HIV hiệu quả và bền vững. Bởi Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ người nhiễm HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế cao nhất thế giới.
TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường bồi dưỡng chuyên môn và đầu tư nguồn lực cho các cơ sở điều trị HIV. Ảnh: Thùy Chi |
Việt Nam đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác điều trị HIV
Tại hội thảo "Tăng cường quản lý bệnh HIV tiến triển tại Việt Nam" thuộc Dự án Hoàn thành Mục tiêu và Duy trì kiểm soát Dịch bệnh (EpiC) của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) diễn ra vào ngày 11/7 tại Hà Nội, Ông Randolph Augustin cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ người nhiễm HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế cao nhất thế giới. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực trong công tác điều trị, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác điều trị, và trở thành quốc gia điển hình trong việc điều trị HIV hiệu quả và bền vững. HIện nay bảo hiểm y tế đã hỗ trợ hơn 90% người nhiễm HIV tham gia điều trị bằng thuốc và chăm sóc miễn phí.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đề cao sự cần thiết trong việc chẩn đoán sớm và điều trị HIV giúp ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng hơn, thường xuyên theo dõi bệnh nhân HIV tiến triển để bảo đảm các dịch vụ chăm sóc cần thiết tại Việt Nam.
Đồng thời, chuẩn hóa công tác chăm sóc và điều trị, Bộ Y tế Việt Nam đã đưa các nội dung cụ thể về chăm sóc bệnh HIV tiến triển trong hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS năm 2021 theo các khuyến nghị mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới. Nhất là khi bệnh HIV tiến triển vẫn còn là một vấn đề cần được quan tâm đặc biệt ở Việt Nam.
Điều trị ARV được bắt đầu triển khai tại Việt Nam từ năm 2000 tại TPHCM. Sau đó, được mở rộng từ năm 2005 và không ngừng phát triển theo các năm. Đến cuối năm 2022, toàn quốc đã có 499 cơ sở điều trị ARV, điều trị cho gần 170.000 người nhiễm, trong đó có 3.450 trẻ em.
Để có thành tựu này, Việt Nam đã luôn cập nhật kịp thời các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Bộ Y tế đã liên tiếp nâng tiêu chuẩn bắt đầu điều trị ARV cho người lớn nhiễm HIV.
Cụ thể, giai đoạn 2005 - 2009, bắt đầu được điều trị ARV ở mức CD4≤200 TB/mm3; Giai đoạn 2009-2011, ở mức CD4<250 TB/mm3; Giai đoạn 2011-2014 bắt đầu điều trị ARV ở mức CD4<350 TB/mm3 và điều trị ngay, không phụ thuộc số lượng tế bào CD4 ở giai đoạn III và IV; Giai đoạn 2015-2017, bắt đầu điều trị ARV ở mức CD4<500 TB/mm3 và điều trị ngay ở một số nhóm có hành vi nguy cơ cao.
Từ năm 2017 đến nay người nhiễm HIV được điều trị ARV ngay sau khi được chẩn đoán, không phụ thuộc giai đoạn giảm miễn dịch và lâm sàng. Đây là yếu tố quan trọng để mở rộng độ bao phủ bệnh nhân được điều trị ARV mà ít quốc gia trong cùng điều kiện áp dụng.
Vào năm 2000, ban đầu mới chỉ có từ 3 đến 5 cơ sở điều trị HIV/AIDS, tuy nhiên đến nay Việt Nam đã có 499 cơ sở. Trong đó, có 8 cơ sở điều trị tại tuyến Trung ương; 77 cơ sở tuyến tỉnh, thành phố; tại 37 trại giam, số còn lại thuộc cơ sở tuyến huyện, tại trung tâm 06, cơ sở tôn giáo và các phòng khám tư nhân.
Song song với việc mở rộng cơ sở điều trị với độ bao phủ đến tuyến huyện và xã để thuận lợi cho việc người bệnh tiếp cận và tuân thủ điều trị, nhiều mô hình chăm sóc điều trị được triển khai như: Mô hình Treatment 2.0 (đưa dịch vụ điều trị về tuyến xã); điều trị trong ngày có nghĩa là cùng ngày với ngày chẩn đoán nhiễm HIV, cấp pháp thuốc nhiều tháng thay vì hàng tháng bệnh nhân đến khám và nhận thuốc, lồng ghép dịch vụ tư vấn xét nghiệm-điều trị ARV, lồng ghép dịch vụ HIV/lao, HIV/viêm gan virus.
Phác đồ điều trị ARV cũng luôn được cập nhật, với việc loại bỏ các thuốc nhiều tác dụng không mong muốn, thay thế bằng thuốc có tác dụng và hiệu quả hơn.
Cần tiếp tục đầu tư nguồn lực cho các cơ sở điều trị HIV
Việc mở rộng điều trị HIV với chất lượng cao góp phần quan trọng trong việc giảm số người tử vong do AIDS, giảm số nhiễm mới. Vì vậy các chuyên gia trong lĩnh vực HIV/AIDS cho rằng, cần phải tiếp tục đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS và đầu tư nguồn lực cho các cơ sở điều trị HIV. PGS. TS. Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường bồi dưỡng chuyên môn và đầu tư nguồn lực cho các cơ sở điều trị HIV. Thông qua việc phát triển quan hệ đối tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đẩy mạnh việc áp dụng các kinh nghiệm và thực hành tốt trên thế giới nhằm quản lý bệnh HIV tiến triển hiệu quả hơn. Định hướng chiến lược này giúp Việt Nam tận dụng được các giải pháp sáng tạo và nghiên cứu tiên tiến của thế giới trong lĩnh vực này.
Các đại biểu có cuộc tọa đàm trao đổi về những nghiên cứu, giải pháp tại hội thảo "Tăng cường quản lý bệnh HIV tiến triển tại Việt Nam". Ảnh: Thùy Chi |
Mặc dù công tác điều trị HIV đạt được nhiều kết quả nổi bật, tuy nhiên việc điều trị quản lý bệnh HIV tiến triển vẫn gặp một số khó khăn, GS. TS. Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội cho biết, trong khuôn khổ sự kiện các mục tiêu phát triển bền vững, bên cạnh việc mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị sớm HIV/AIDS thông qua thuốc AVR cho những người nhiễm HIV, chúng ta còn rất nhiều khó khăn trong việc cứu sống những người HIV ở giai đoạn tiến triển. Do sự hạn chế của các xét nghiệm, thuốc, điều trị nhiễm trùng sơ bộ, trình độ của nhân viên y tế và sự tiếp cận của dịch vụ y tế còn nhiều khó khăn. Từ đó dẫn đến số ca tử vong do bệnh HIV tiến triển vẫn tồn tại. Đây là thực tế không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới.
Theo một nghiên cứu gần đây của trường Đại học Y Hà Nội, chỉ có 8 trên 100 cơ sở điều trị làm được các xét nghiệm đánh giá tình trạng suy giảm miễn dịch của người bệnh HIV khi bắt đầu điều trị ARV, là các xét nghiệm rất cần thiết trong việc xác định HIV tiến triển. Ngoài ra, hơn 80% cơ sở không phát hiện được nấm và vi khuẩn gây nhiễm trùng cơ hội do hạn chế về phương tiện chẩn đoán. Điều này cũng gây khó khăn cho điều trị bệnh nhiễm trùng cơ hội.
TS. BS. Vũ Quốc Đạt, giảng viên bộ môn Truyền nhiễm, Đại học Y Hà Nội cho hay, để nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh HIV tiến triển, Việt Nam cần nâng cấp, cung ứng đầy đủ trang thiết bị phục vụ chẩn đoán, cũng như đảm bảo nguồn thuốc điều trị, đặc biệt tại các cơ sở y tế tuyến dưới như tuyến huyện. Ngoài ra, bồi dưỡng chuyên môn cho nhân viên y tế tham gia điều trị bệnh nhân HIV về chẩn đoán và điều trị bệnh HIV tiến triển cũng rất cấp thiết.
Đại diện Dự án EpiC do USAID tài trợ cho biết, tại 3 cơ sở điều trị HIV ở tỉnh Tây Ninh về tỉ lệ mắc bệnh HIV tiến triển, tỉ lệ nhiễm trùng cơ hội và tỉ lệ tử vong trên nhóm người bệnh này. Cứ 5 ca tử vong ở người nhiễm HIV thì có đến 4 ca là do bệnh HIV tiến triển.
Từ thực tế trên, các chuyên gia cho rằng cần thiết phải tăng cường hợp tác, tăng cường đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS và đầu tư nguồn lực cho các cơ sở điều trị HIV, cải thiện việc phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị và quản lý tổng thể bệnh HIV tiến triển, nhằm mang lại cuộc sống tốt hơn cho người bệnh HIV tại Việt Nam.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin