Nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh HIV trong nhóm quan hệ đồng tính

09:32, 02/08/2023

Tỉ lệ lây nhiễm mới HIV đang gia tăng mạnh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Nhằm góp phần ngăn chặn lây nhiễm HIV trong nhóm này, các đồng đẳng viên trở thành “cánh tay nối dài” của ngành y tế để tiếp cận, giúp bệnh nhân sớm tiếp cận điều trị và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng.

Danh Tùng (Trưởng nhóm CBO The Sun) luôn tâm huyết với công việc nhằm nâng cao kiến thức cho các MSM. Ảnh: Thùy Chi
Danh Tùng (Trưởng nhóm CBO The Sun) luôn tâm huyết với công việc nhằm nâng cao kiến thức cho các MSM. Ảnh: Thùy Chi

Tiếp cận nhóm MSM bằng nhiều hình thức đa dạng

Là một đồng đẳng viên mới gia nhập nhóm tổ chức xã hội (CBO) hoạt động vì cộng đồng, N.V.T. chính thức gia nhập nhóm CBO The Sun từ tháng 10/2022, sau 6 tháng phát hiện nhiễm HIV. Ngày nhận kết quả dương tính, khác với nỗi lo sợ của nhiều người, T. khá điềm tĩnh, bởi trước đó T. đã từng được nghe một tiếp cận viên tuyên truyền, truyền đạt kiến thức về HIV/AIDS, về việc điều trị, dự phòng lây nhiễm HIV cho những người thân và trong cộng đồng.

Các tuyên truyền viên, đồng đẳng viên là những người tự nguyện thực hiện công tác tuyên truyền, vận động và giúp đỡ cho các đối tượng có cùng cảnh ngộ, lối sống như mình hiểu và thực hiện các biện pháp điều trị, phòng, chống HIV/AIDS.

Khi ấy, Kiên Giang quê T. có rất ít đồng đẳng viên. Bởi vậy, có rất nhiều bạn trẻ không có kiến thức, ngại tiếp cận cơ sở y tế. Do đó, T. nghĩ, mình cần phải làm gì đó để giúp ích cho những người có cùng cảnh ngộ giống như mình.

Chia sẻ lại câu chuyện của bản thân, T. cho biết, nghi ngờ bản thân nhiễm HIV, nhưng T. đã không dám đi xét nghiệm, do sợ bị phân biệt đối xử, kỳ thị. Biết được nỗi lo của T, Danh Tùng (Trưởng nhóm CBO The Sun) đã cố gắng thuyết phục T. tiếp cận xét nghiệm. Bên cạnh đó, Tũng cũng tuyên truyền cách giữ gìn, phòng tránh lây nhiễm HIV ra cộng đồng cho T. Tuy nhiên, suốt 1 năm trời vẫn chưa thuyết phục được. Vào một ngày đẹp trời Tùng quyết tâm đón T. về Kiên Giang, đưa T. đi xét nghiệm.

Sau khi có kết quả khẳng định lây nhiễm HIV, Tùng một lần nữa thuyết phục T. tham gia điều trị. Nhờ tiếp cận điều trị, sức khỏe của T. cũng đã được cải thiện rõ rệt. Rồi Danh Tùng cũng chính là người truyền lửa cho T. để T. trở thành một đồng đẳng viên đắc lực, giúp cho nhiều bệnh nhân có cùng cảnh ngộ cải thiện sức khỏe, vượt qua số phận.

T. cùng các bạn đồng đẳng viên trong nhóm The Sun đã "lăn lộn" để tiếp cận các bạn trẻ trong nhóm MSM có nguy cơ nhiễm HIV. T. chia sẻ: "6 tháng là hành trình ngắn, nhưng tôi đã đưa được 2 bạn vào điều trị ARV và 5 trường hợp điều trị PrEP tại Vĩnh Thuận và U Minh Thuận (Kiên Giang)".

Để tiếp cận các bạn trẻ trong nhóm MSM, T. phân định các nhóm tuổi của đối tượng. T. bảo, các bạn trẻ hầu hết đều tìm kiếm bạn tình trên app BlueD. Một số người có gia đình, cao tuổi không muốn công khai thì không hoạt động trên app BlueD mà chỉ lập hội nhóm LGBT (cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới) riêng.

Mối lo ngại lớn nhất là nhiều bạn trẻ hiện nay do thiếu hiểu biết nên đã tự mang bệnh vào người. Hoặc những người nhiễm HIV do thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết lại vô tình làm lây nhiễm bệnh cho người khác, chính vì vậy nhóm của T. đã nỗ lực tiếp cận, tuyên truyền để giúp cho những người này hiểu rõ hơn về căn bệnh HIV, và sống tích cực, sống có ích hơn cho xã hội.

Công việc của các đồng đẳng viên tưởng là đơn giản nhưng nhóm của T. đã rất khó khăn trong quá trình tiếp cận, tư vấn xét nghiệm, chuyển gửi. T. cho hay, các bạn trong nhóm của T. đã quá quen với sự bị từ chối tiếp cận, bị hiểu nhầm, bị gạ tình… thậm chí còn bị người nhà gọi điện dọa nạt vì tưởng là đối tượng dụ dỗ con mình quan hệ đồng giới… nhưng T. cũng như nhiều CBO khác, vẫn "dấn thân" lao vào các điểm nóng để giúp cho những người nhiễm HIV phát hiện tình trạng bệnh và tiếp cận điều trị.

Giống như nhóm của T. mặc dù có nhiều kinh nghiệm, nhiều năm làm CBO, nhưng Nguyễn Huy Hoàng (đồng đẳng viên tại Long An) cũng gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận. Ngoài công việc chính để sinh sống, những lúc rảnh, các thành viên CBO dành toàn bộ thời gian lên trên mạng, đăng nhập vào các app BlueD, mạng xã hội Tiktok, Facebook, Instagram… để tìm những đối tượng nguy cơ cao.

Không chỉ tuyên truyền kiến thức về căn bệnh HIV/AIDS, về việc tiếp cận xét nghiệm, chuyển gửi điều trị, nhóm của Hoàng còn tư vấn về việc sử dụng PrEP (dự phòng lây nhiễm HIV) cho những người MSM, những người nguy cơ cao.

Ngoài tiếp cận qua app BlueD, các CBO còn xuống chợ tình để gặp trực tiếp các đối tượng. Tại Kiên Giang có 3 chợ tình chính: Chợ tình Bãi Dương, chợ tình tại quảng trường Trần Quang Khải và chợ tình tại Bệnh viện Lao Phổi tỉnh. Để dễ tiếp cận với nhóm nguy cơ cao, không mang danh là tiếp cận viên đi tư vấn hay xét nghiệm, các CBO đến với chợ tình bằng tâm thế đi tìm kiếm bạn tình, mang theo sinh phẩm xét nghiệm, bao cao su, gel bôi trơn...

Để tiếp cận dễ dàng hơn với nhóm MSM, các bạn CBO thường lân la bắt chuyện một cách thân thiện. Sau đó tìm hiểu xem họ đã tiếp cận dịch vụ gì, đã sử dụng PrEP chưa, có đầy đủ kiến thức về cản bệnh hay không.

Các bạn CBO bắt chuyện xem đối tượng bao nhiêu tuổi, có sử dụng biện pháp tình dục an toàn không, có nhiều bạn tình chưa, đã bao giờ uống PrEP chưa. Trường hợp nào chưa biết về PrEP, chúng tôi sẽ biết bạn này đang thiếu kiến thức, chưa hiểu gì về lây nhiễm HIV. Sau đó các bạn còn tặng gel, tặng bao cao su... cho họ. Trước khi rời đi, chúng tôi gửi danh thiếp cho các bạn nếu cần liên lạc tư vấn. Trung bình nếu tiếp cận được khoảng 10 bạn thì sẽ có khoảng 5-6 người nghe theo và đi xét nghiệm.

Kéo người mắc AIDS từ "cõi chết" trở về

Tỉnh Bình Dương hiện đang duy trì 4 nhóm CBO hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Dương trong việc tìm ca nhiễm mới tại cộng đồng với nhóm đích là MSM. Sau thời gian dài hoạt động, các nhóm hoạt động rất hiệu quả với các chỉ tiêu đều đạt trên 100%. Ngoài ra, tỉnh còn có 2 nhóm CBO là các doanh nghiệp tư nhân, cung cấp được các dịch vụ đa dạng.

Tại Kiên Giang, dù mới chỉ có 2 nhóm CBO hoạt động cùng các đồng đẳng viên ở các trung tâm y tế huyện cũng mang lại những kết quả tích cực. Trong 6 tháng đầu năm, nhóm The Sun tiếp cận được vài trăm bạn trẻ, trong đó phát hiện 28 ca dương đưa vào điều trị ARV và 53 ca PrEP.

BS. Lưu Thị Quỳnh Nga, Trưởng phòng Phòng khám Điều trị ngoại trú (OPC Rạch Giá, Kiên Giang) cho biết, tại Phòng khám ngoại trú (OPC) Rạch Giá (Kiên Giang) đang quản lý 953 bệnh nhân điều trị ARV, 22 ca PrEP. Từ đầu năm đến nay, phòng khám tiếp nhận 88 bệnh nhân mới, trong đó khoảng gần 40 bạn là MSM, có trường hợp sinh năm 2008, chỉ mới 15 tuổi.

BS. Lưu Thị Quỳnh Nga, Trưởng phòng Phòng khám Điều trị ngoại trú (OPC Rạch Giá, Kiên Giang. Ảnh: Thùy Chi
BS. Lưu Thị Quỳnh Nga, Trưởng phòng Phòng khám Điều trị ngoại trú (OPC Rạch Giá, Kiên Giang. Ảnh: Thùy Chi

BS. Nga cho biết, các CBO là "cánh tay nối dài" của nhân viên y tế, họ tiếp cận đối tượng nguy cơ, giới thiệu đến các cơ sở y tế để đưa khách hàng vào điều trị. Nhờ cánh tay nối dài của các đồng đẳng viên, nhiều bạn trẻ đã được đưa đến phòng khám để tiếp cận xét nghiệm HIV và điều trị. 

BS. Nga cho biết, đã có trường hợp bạn trẻ MSM ngày đầu nhận kết quả dương tính, quẫn tới mức chỉ nghĩ tới cái chết vì thấy cuộc sống tăm tối. Tuy nhiên, khi được các đồng đẳng viên và các y bác sĩ động viên, tham gia điều trị, các bạn lại như thức tỉnh. Nhìn những nhân chứng sống là các đồng đẳng viên, mặc dù nhiễm HIV, nhưng nhờ tuân thủ điều trị nên họ vẫn sống tốt, sống khỏe mạnh và không lây nhiễm cho bạn tình nhờ chiến dịch K=K (Không phát hiện virus – không lây nhiễm).

Kéo người nhiễm AIDS từ "cõi chết" trở về, hoặc trở thành người thân trong những ngày cuối đời của người bệnh trở thành công việc thường trực của nhiều đồng đẳng viên.

Là nữ đồng đẳng viên hiếm hoi của thành phố Rạch Giá, nhiệm vụ chính của chị L.T. D là tiếp cận tuyên truyền cho đối tượng gái mại dâm, nhưng ký ức về những bạn trẻ MSM nhiễm HIV vẫn luôn ám ảnh chị.

Chị D. không thể quên hình ảnh chàng trai có khuôn mặt thiên thần Th (Kiên Giang) héo mòn dần vì HIV. Th. vốn là cậu ấm trong một gia đình giàu có. Sau khi qua Malaysia làm việc, Th. phát hiện nhiễm HIV nhưng tự điều trị thuốc ngoài luồng.

Cho tới khi gặp phản ứng thuốc ARV, gia đình mới phát hiện Th. bị nhiễm HIV. Cú sốc lớn nhất với Th. là bị gia đình "từ mặt". Ngay cả khi Th. bị liệt, chỉ sinh hoạt tại chỗ, cũng không có bóng dáng của người thân trong gia đình. 

"Khi Th. gặp tôi thì quá muộn, hạch đầy ổ bụng rồi, không điều trị được nữa. Th. ra đi ở tuổi 22, không có người thân bên cạnh", chị D. ngậm ngùi thương xót.

BS. Nga cho biết, hiện nay, với nền y học và kỹ thuật hiện đại, con người có hiểu biết sâu hơn về HIV cũng như các can thiệp dự phòng và điều trị HIV/AIDS đã chỉ ra rằng người nhiễm HIV hoàn toàn vẫn có cuộc sống bình thường nếu được điều trị bằng thuốc kháng virus sớm và tuân thủ điều trị, những người có nguy cơ nhiễm có thể sử dụng thuốc ARV để dự phòng khỏi bị nhiễm HIV. Nếu một người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV) sớm và khi người bệnh tuân thủ tốt chỉ sau vài tháng điều trị, người nhiễm HIV sẽ đạt được tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện (không phát hiện được tải lượng vi rút trong máu – tải lượng vius dưới 200 bản sao/mL máu) sẽ không có sự lây truyền HIV qua đường tình dục (Không phát hiện = Không lây truyền).

Bà Võ Thị Lợt, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Kiên Giang cho hay, nếu không có những đồng đẳng viên, việc tiếp cận quần thể ẩn là thách thức lớn, trong khi nguy cơ lây nhiễm ở nhóm MSM đang tăng rất báo động. Các cán bộ y tế có thể hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật, nhưng để tìm đối tượng nguy cơ, tiếp cận và thuyết phục họ không phải là điều dễ dàng. Nếu không có đồng đẳng viên, cộng tác viên của các nhóm CBO, việc tìm ra các ổ dịch, khống chế ổ dịch là điều bất khả thi.

Còn theo bác sĩ Vương Thế Linh, Trưởng khoa phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Dương, do là người có cùng hoàn cảnh nên việc tiếp xúc và chia sẻ của các đồng đẳng viên với người nhiễm HIV, các đối tượng nguy cơ cao dễ đồng cảm hơn, chính vì vậy hiệu quả công việc sẽ cao hơn. Họ chính là cánh tay nối dài của ngành y tế đã giúp cho các đối tượng nguy cơ cao, người nhiễm HIV sớm tiếp cận các dịch vụ trong dự phòng và điều trị HIV, qua đó giúp giảm bớt sự lây nhiễm ra cộng đồng.

Đặc biệt, những đồng đẳng viên là những người cùng cảnh ngộ, nên các bạn rất nhiệt tình, tâm huyết với công việc. Theo BS. Linh công việc này rất cần những người nhiệt tình, tâm huyết, bởi dù có dự án đã chi trả tìm ca cho các CBO với giá chừng 120.000 đồng cho một ca PrEP và 1.800.000 đồng cho một ca ARV, nhưng nếu những cán bộ này không nhiệt tình tham gia thì các CDC có trả bao nhiêu tiền họ cũng không làm.

Chia sẻ về cơ duyên trở thành đồng đẳng viên và trở thành trưởng nhóm The Sun, Dương Tùng cho biết, xuất phát từ tâm nguyện là muốn cho những MSM sống an toàn, khỏe mạnh và để giúp cho những người nhiễm HIV được cải thiện sức khỏe khỏe mạnh, hạnh phúc, có ích cho đời, cho xã hội nên Tùng đã rất tâm huyết để phát triển nhóm The Sun. Đối với Tùng, được nhìn thấy những người nhiễm HIV khỏe mạnh, được giúp những bạn trẻ hiểu rõ hơn về căn bệnh HIV, giúp cho họ tránh được bệnh là niềm vui lớn với Tùng, vì đã được làm những công việc nhân văn, đầy ý nghĩa.

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, đến cuối năm 2022, ước tính cả nước có khoảng 242.000 người nhiễm HIV/AIDS (220.580 người được biết rõ tình trạng) và 112.572 người tử vong. Số người nhiễm HIV mới trong năm 2022 theo báo cáo là 11.037 và 1.582 người tử vong. Trong tổng số mắc mới của năm 2022, chiếm nhiều nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, TPHCM.

HIV/AIDS hiện là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng: Là một trọng những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nhiễm mới nhất là nhóm thanh thiếu niên trẻ. Nhóm Nam quan hệ tình dục đồng giới đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay.