Với sự hỗ trợ của Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho các đối tượng nguy cơ cao. Đây được xem là "vũ khí" tối ưu, hạn chế lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Tư vấn điều trị PrEP cho bệnh nhân. Ảnh: Thùy Chi |
Tỉ lệ dự phòng HIV đạt hơn 90%
Cùng với các giải pháp điều trị và dự phòng đã triển khai, chương trình điều trị PrEP cho các đối tượng nguy cơ cao nhiễm HIV được triển khai trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2020, với khoảng 50 người tham gia.
Qua 3 năm triển khai, với tỉ lệ dự phòng đạt hơn 90%, số người tham gia điều trị ngày càng tăng, đến nay có 275 người đã và đang điều trị PrEP; có 470 người tham gia ít nhất 1 lần trong năm.
Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cho biết, điều trị PrEP là sử dụng thuốc kháng virus (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV trong cơ thể bằng cách ngăn cản sự phát triển chất xúc tác sinh học (enzyme - là chất mà HIV dùng để tạo ra các bản sao virus mới).
Nếu dùng đúng, đều và đủ có thể phòng lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục lên đến hơn 90% và tiêm chích ma túy 70%. Do đó, hiện nay, PrEP được xem là một trong những "vũ khí" tối ưu trong điều trị dự phòng lây nhiễm HIV. Đối tượng điều trị PrEP là những người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV, gồm: Nam có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, người tiêm chích ma túy, người bán dâm, bạn tình khác giới của người nhiễm HIV chưa điều trị ARV…
Bên cạnh hỗ trợ triển khai chương trình điều trị PrEP, Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS còn hỗ trợ tỉnh các hoạt động can thiệp dự phòng; điều trị các chất gây nghiện bằng methadone; tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện; chăm sóc điều trị bệnh; phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; nâng cao hoạt động giám sát, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh HIV/AIDS…
Qua triển khai, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 350 người tham gia điều trị methadone; hơn 1.230 người điều trị ARV, chiếm 83,9% so với số người nhiễm HIV/AIDS còn sống được quản lý. Trong 10 tháng năm 2023, có hơn 35.240 lượt người được tư vấn và xét nghiệm HIV, phát hiện 94 trường hợp nhiễm mới. Đến hết ngày 30/9, số bệnh nhân đang duy trì phác đồ ARV bậc 1 sau 12 tháng bắt đầu điều trị ở Khánh Hòa là gần 1.200 người. Ngoài ra, có hơn 11.000 phụ nữ mang thai được tư vấn và xét nghiệm HIV/AIDS, 100% trẻ sinh ra có mẹ nhiễm HIV đều được điều trị dự phòng…
Người nhiễm HIV hãy tuân thủ điều trị tốt để đạt được ngưỡng K=K
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa, hằng năm, toàn tỉnh có gần 40.000 lượt người được tư vấn và xét nghiệm HIV. Xét nghiệm để nắm rõ tình trạng bệnh của mình, từ đó có cách điều trị, phòng ngừa hợp lý.
Việc lây nhiễm HIV hiện nay thông qua một số con đường chính như: Qua đường máu, tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục không an toàn, từ mẹ sang con...
Bên cạnh các con đường lây nhiễm trên, người chăm sóc bệnh nhân AIDS có nguy cơ bị lây nhiễm HIV qua các vết hở rỉ nước khi tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch sinh học của người bệnh hoặc bị kim tiêm đâm phải tay, dao kéo cứa phải tay...do tai nạn rủi ro nghề nghiệp. Vậy nên, để phòng chống lây truyền HIV qua đường máu, phải thực hiện các biện pháp sau: Bảo đảm 100% các chai máu được sàng lọc HIV trước khi truyền, cũng như kiểm tra tình trạng nhiễm HIV của những người cho máu trước khi lấy máu. Khi thực hiện tiêm chích, châm cứu, các thủ thuật qua da, thực hiện thụ tinh nhân tạo...phải bảo đảm các dụng cụ được tiệt khuẩn. Tuyệt đối phòng ngừa hiện tượng lây chéo xảy ra trong chăm sóc dịch vụ y tế. Đặc biệt, tất cả những nhóm có nguy cơ cao hãy tiếp cận và sử dụng dịch vụ điều trị dự phòng. Nếu không may đã nhiễm HIV hãy tuân thủ điều trị tốt để đạt được ngưỡng K=K (không phát hiện, không lây nhiễm).
K=K (không phát hiện, không lây nhiễm) nghĩa là khi một người nhiễm HIV được điều trị tốt bằng thuốc ARV mà đạt đến mức ức chế virus, đưa tải lượng virus xuống dưới 200 bản sao/ml máu (hay còn gọi là dưới ngưỡng phát hiện) thì sẽ sẽ ngăn ngừa được lây truyền HIV qua đường qua hệ tình dục.
Thực tế cũng đã chứng minh, khi điều trị đạt được đến ngưỡng K=K thì một người bị nhiễm HIV khó có thể làm lây bệnh cho bạn tình.
Đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa cho biết, việc truyền thông K=K cho đối tượng nguy cơ cao và bệnh nhân HIV được làm thường xuyên ở Khánh Hòa. Người bệnh được trang bị đầy đủ kiến thức về vấn đề này. Thông thường một người nhiễm HIV điều trị bằng thuốc ARV, tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ thì sau 6 tháng sẽ đạt được tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml máu.
Người nhiễm HIV tiếp tục tuân thủ điều trị ARV tốt sẽ duy duy trì được tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế và khi đó không làm lây truyền HIV cho bạn tình của họ. Hiện nay việc xét nghiệm HIV cũng như tiến hành tư vấn, điều trị thuốc ARV được triển khai mạnh ở Khánh Hòa. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa có xét nghiệm khẳng định chuẩn xác.
Thống kê đến hết 9/2023, tổng số người nhiễm HIV đang còn sống và được quản lý tại các địa phương là hơn 1.500. Tỉ lệ người nhiễm HIV trong tỉnh chiếm 0,23% dân số.
Tại Khánh Hòa, số người nhiễm HIV/AIDS còn sống được quản lý hơn 1.500 người. Tuy tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh, nhưng nhiều người có nguy cơ cao nhiễm HIV vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ, nhất là những người có quan hệ tình dục đồng giới. Vì vậy, nguy cơ lây truyền HIV trong cộng đồng còn rất cao.
Để bảo đảm chất lượng số liệu giám sát phát hiện HIV, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa theo định kỳ triển khai rà soát số liệu người nhiễm HIV/AIDS và tử vong do AIDS, loại bỏ những trường hợp trùng lặp, bổ sung và cập nhật thông tin những trường hợp còn lại như mất dấu, chuyển đi, tử vong, những trường hợp không có thực tế.
Đồng thời, những thông tin sau khi rà soát đã được cập nhật vào phần mềm HIV 4.0 và báo cáo Cục Phòng, chống HIV/AIDS kịp thời, chuẩn xác theo quy định. Bên cạnh đó, công tác quản lý chất lượng điều trị HIV/AIDS, kiểm soát tải lượng virus, xét nghiệm tải lượng HIV trong theo dõi điều trị ARV luôn được chú trọng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin