Suốt 40 năm qua, các chuyên gia trong lĩnh vực HIV vẫn miệt mài với hành trình tìm kiếm vaccine HIV. Tuy nhiên, việc bào chế vaccine HIV gặp không ít khó khăn, do chưa đủ dữ liệu y tế và vì loại virus này biến đổi phức tạp.
Các chuyên gia nghiên cứu không ngừng kỳ vọng tìm ra vaccine HIV trong tương lai.Ảnh minh họa |
Đầu tư 17 tỉ USD cho nghiên cứu và thử nghiệm vaccine HIV
Vào tháng 4/1984, sau khi có thông báo rằng các nhà nghiên cứu đã phát hiện HIV – loại virus gây bệnh AIDS, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Margaret Heckler dự đoán "táo bạo" rằng thế giới sẽ có vaccine ngừa HIV "trong khoảng 2 năm nữa", theo đài CNA. Nhưng đã 40 năm trôi qua mà vaccine HIV vẫn chưa được tìm ra. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi, và sự thắc mắc này càng tăng thêm khi các nhà khoa học chỉ mất chưa đầy một năm để phát triển vaccine ngừa virus SARS-Cov-2 gây đại dịch COVID-19.
Trong lịch sử, cách tốt nhất để loại trừ bệnh tật là có vaccine hiệu quả. Mặc dù vậy, gần 40 năm nghiên cứu chuyên sâu và nhiều thử nghiệm lâm sàng, vaccine HIV vẫn chưa ra đời.
Điều này không phải vì thiếu kinh phí. CNA ước tính các nước đã đầu tư 17 tỉ USD chỉ riêng cho nghiên cứu và thử nghiệm vaccine từ năm 2000 đến năm 2021. Phần lớn số tiền này là của các chính phủ, phần khác là của các công ty dược phẩm và tổ chức từ thiện. Như vậy, trung bình mỗi năm thế giới chi khoảng 800 triệu USD để nghiên cứu vaccine này nhưng chưa có kết quả.
Theo các chuyên gia, HIV là mầm bệnh phức tạp nhất từng được phát hiện. Virus biến đổi liên tục khiến nghiên cứu khó khăn, vaccine thử nghiệm chỉ thúc đẩy hệ thống miễn dịch sản xuất kháng thể trung hòa, không thúc đẩy phản ứng chống mầm bệnh dựa trên tế bào miễn dịch. Trong khi đó, vaccine giúp cơ thể tấn công HIV theo nhiều cách và có thể vô hiệu hóa mọi loại biến thể.
Yêu cầu này dựa trên một nghiên cứu về tỉ lệ nhỏ người dân có kháng thể mạnh chống lại virus. Tuy nhiên, loại kháng thể này chỉ xuất hiện trong cơ thể những người đã nhiễm HIV nhiều năm và phải điều trị bằng thuốc kháng virus. Chủng HIV giúp tạo ra kháng thể trung hòa mạnh chỉ là một nhóm nhỏ trong số tất cả chủng virus đang lưu hành. Tức là, các nhà nghiên cứu không thể đơn giản chỉ sử dụng mầm bệnh đó để tạo kháng thể và mong đợi hiệu quả.
William Schief, người đứng đầu các nỗ lực phát triển HIV của Moderna, cho biết: "Toàn giới nghiên cứu đã nhận được bài học từ quá khứ về các phương án không hiệu quả".
Dù tốn kém và thất bại nhiều lần, thế giới chưa từ bỏ các nghiên cứu để quyết tâm tìm ra loại vaccine HIV. Nhiều tiến bộ gần đây như công nghệ mRNA, mô hình động vật nhiễm tốt hơn, công nghệ hình ảnh... đã giúp cải thiện độ chính xác trong thiết kế, sản xuất và thúc đẩy phản ứng miễn dịch từ vaccine chống lại mầm bệnh.
Vài thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu ở người về các thành phần của mũi tiêm ngừa đang được tiến hành. Ba thử nghiệm đầu tiên trên người dựa trên mRNA và các thành phần tương tự đã bắt đầu từ năm 2022. Trong đó, một đã có bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Science ngày 1/3, phân tích về các triệu chứng nổi mề đay, ngứa và nổi mẩn từ nhẹ đến trung bình sau khi chủng ngừa vaccine thử nghiệm, tỉ lệ mắc 7-18%.
Bên cạnh đó, có hai nghiên cứu về HIV khả quan được thông tin tại một hội thảo ngày 4/3. Một phát hiện ra việc sửa đổi vaccine tiêm trên khỉ đã thúc đẩy sản xuất kháng thể trung hòa. Một nghiên cứu khác cho thấy tiềm năng khi kích thích các tế bào B của hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể mạnh ở người.
"Những thử nghiệm này cho thấy chúng ta có thể huấn luyện hệ thống miễn dịch", Karlijn van der Straten, nghiên cứu sinh tại Trung tâm Y tế học thuật tại Đại học Amsterdam, trình bày nghiên cứu cho biết.
Không ngừng kỳ vọng tìm ra vaccine HIV trong tương lai
Mặc dù hành trình tìm kiếm ra loại vaccine HIV đầy gian nan, thử thách, nhưng các chuyên gia, bác sĩ trong lĩnh vực này vẫn không ngừng kỳ vọng tìm ra loại vaccine cho căn bệnh thế kỷ này. Và các chuyên gia vẫn tiếp tục nghiên cứu. Chỉ riêng từ năm 2020 đến nay, 4 cuộc thử nghiệm vaccine HIV đã phải dừng lại vì thiếu hiệu quả. Nghiên cứu duy nhất cho kết quả tương đối khả quan là về vaccine RV144.
Nghiên cứu về vaccine này được tiến hành trên hơn 16.000 người tham gia ở Thái Lan, từ năm 2003 đến năm 2006. Nghiên cứu cho thấy hiệu quả của vaccine là 31,2 %.
Tuy nhiên, vaccine cần có hiệu quả trên 50% mới được cơ quan y tế phê duyệt. Song, những thử nghiệm vaccine này đã mang lại những kiến thức sâu sắc. Những kiến thức này có giá trị và rất cần thiết để giúp tạo ra loại vaccine hiệu quả.
Trước đó, năm 1995, sự lây lan của HIV dường như không thể ngăn được, với hơn 3,2 triệu người nhiễm HIV trong năm này. Đến năm 2004, bệnh AIDS đã cướp đi sinh mạng của 2 triệu người mỗi năm.
Ngày nay, dữ liệu từ Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) cho thấy số ca nhiễm HIV mới đã giảm đáng kể xuống còn 1,3 triệu vào năm 2022. Số ca tử vong liên quan AIDS cũng giảm xuống còn khoảng 630.000 vào năm 2022.
Ngoài ra, gần 30 triệu ca trong khoảng 39 triệu người nhiễm HIV trên toàn cầu đang được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV). Số ca nhiễm mới giảm liên tục trên toàn cầu là kết quả của một loạt yếu tố.
Những kết quả tích cực này tạo động lực cho các nhà lãnh đạo và chuyên gia y tế trên khắp thế giới cam kết chấm dứt bệnh AIDS từ nay đến năm 2030. Đặc biệt, việc mở rộng khả năng tiếp cận thuốc ARV, dẫn đến giảm đáng kể khả năng lây nhiễm ở người nhiễm HIV. Ngoài ra, quá trình xét nghiệm, phát hiện sớm, chuyển tuyến nhanh cho người nhiễm HIV, điều trị và duy trì trị liệu đóng vai trò quan trọng trong chương trình kiểm soát HIV.
Thuốc ARV cũng đã được sử dụng để ngăn ngừa nhiễm HIV. Quá trình này được gọi là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP).
Khi sử dụng đúng cách, PrEP đã được chứng minh là cực kỳ hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiễm HIV. Thật không may, việc tiếp cận PrEP ở nhiều nơi vẫn chưa phổ biến. Những trở ngại chính bao gồm giá thuốc ARV cao và nhiều thủ tục xét nghiệm.
Ngoài ra, quan hệ tình dục an toàn và việc sử dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cũng đóng vai trò lớn trong việc ngăn HIV lan rộng trong cộng đồng.
Hồi giữa tháng 3, nhóm nghiên cứu của Đại học Amsterdam (Hà Lan) cho biết họ đã loại bỏ thành công virus HIV khỏi các tế bào bị nhiễm bệnh, bằng cách sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen Crispr từng đoạt giải Nobel.
Cơ chế hoạt động của phương pháp này được ví như dùng kéo cắt virus HIV khỏi tế bào. Mục đích của phương pháp này là nhằm loại bỏ hoàn toàn virus HIV khỏi cơ thể. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng cần phải thực hiện thêm nghiên cứu để xem phương pháp này có an toàn và hiệu quả hay không, theo đài BBC.
Tiến sĩ James Dixon, chuyên gia về công nghệ tế bào gốc và liệu pháp gen tại Đại học Nottingham (Anh) cho rằng: "Chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để chứng minh kết quả trong các xét nghiệm tế bào này có thể xảy ra trên toàn bộ cơ thể, trước khi nó được áp dụng như một liệu pháp điều trị trong tương lai".
Tiến sĩ Nina Russel, chỉ đạo nghiên cứu HIV tại Quỹ Bill & Melinda Gates, cho rằng vẫn cần duy trì nguồn tài trợ cho phát triển vaccine. Bà cho biết lĩnh vực này đã tiến bộ, khoa học về mũi tiêm ngừa HIV tiếp tục thúc đẩy sự đổi mới, khoa học của các bệnh truyền nhiễm khác, sức khỏe toàn cầu nói chung. Ví dụ điển hình là vaccine Covid, nhờ nghiên cứu về HIV, công nghệ mRNA đã sẵn sàng vào năm 2020 để đẩy nhanh tốc độ đưa vaccine ra thị trường.
Đại diện tổ chức IAVI, đang tài trợ nghiên cứu vaccine HIV, cho biết thử nghiệm đầu tiên kiểm tra hiệu quả vaccine có thể phải diễn ra năm 2030 hoặc muộn hơn. Tuy nhiên, người này cho rằng lĩnh vực phát triển vaccine HIV hiện vẫn có lợi thế.
HIV hiện là vấn đề sức khỏe lớn trên toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tháng 7/2023 thống kê virus gây ra khoảng hơn 40 triệu ca tử vong, lây truyền liên tục ở mọi quốc gia. Bệnh do HIV gây ra không có thuốc điều trị, các phương pháp kéo dài sự sống không giúp ngăn lây nhiễm, vì vậy vaccine là phương pháp duy nhất để loại trừ mầm bệnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin