Việt Nam cần có một lộ trình bền vững kiểm soát dịch AIDS vào năm 2030 và kiểm soát bền vững dịch HIV sau năm 2030. Với mục tiêu chung là giảm số mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS; chấm dứt AIDS tại Việt Nam vào năm 2030 và giảm tác động kinh tế xã hội do dịch bệnh HIV/AIDS gây ra.
Thăm khám cho bệnh nhân điều trị HIV. Ảnh: VGP/Thùy Chi |
Công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt được nhiều thành tựu quan trọng
Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tính đến thời điểm hiện tại cả nước phát hiện gần 250.000 người nhiễm HIV. Trong năm 2023, phát hiện 13.445 trường hợp HIV dương tính mới, 1.623 trường hợp tử vong. Số người nhiễm HIV biết tình trạng bệnh là 234.220 trường hợp. Về điều trị thuốc kháng HIV (ARV), hiện có 534 cơ sở y tế điều trị HIV trên toàn quốc trong đó có 513 cơ sở sử dụng thuốc do bảo hiểm y tế chi trả. Số người bệnh HIV đang điều trị bằng thuốc ARV tiếp tục tăng.
Trong số bệnh nhân đang điều trị ARV có 82% được làm xét nghiệm tải lượng HIV nhằm theo dõi hiệu quả điều trị ARV. 98,3% người bệnh điều trị ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế (dưới 1000 bản sao/mL máu). Kết quả này vượt chỉ tiêu 95% trong Chiến lược quốc gia hướng đến kết thúc AIDS vào năm 2030.
Công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, điển hình công tác xét nghiệm sàng lọc HIV đã bao phủ 100% tuyến huyện với hơn 1.300 cơ sở và xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh/thành phố với 204 phòng xét nghiệm khẳng định.
Bên cạnh đó, ngành y tế đã tăng cường năng lực cảnh báo cho 45 tỉnh và nâng cao năng lực thực hiện PHCR cho 29 tỉnh. Thông qua dữ liệu các trường hợp mới được báo cáo, xét nghiệm gần đây và xác định các khoảng trống, hoàn thiện PHCR điển hình, ví dụ ở Kiên Giang, Cần Thơ và Cao Bằng. Xét nghiệm nhiễm mới đã được triển khai 33 tỉnh/thành phố trên cả nước.
Ứng dụng công nghệ thông tin cũng đã được đẩy mạnh trong quản lý và giám sát dịch HIV. Đến nay, hệ thống thông tin quản lý người nhiễm HIV (HIV-INFO) phiên bản 4.0 và phần mềm quản lý điều trị PREP, ARV, cung ứng thuốc (HMED) đã được triển khai cho 63 tỉnh. Triển khai các hoạt động về Tele PrEP.
Bên cạnh đó, Việt Nam dẫn đầu trong công tác triển khai thông điệp K=K; Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực và các nước được PEPFAR hỗ trợ ký cam kết triển khai hoạt động K=K với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Y tế.
Công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và truyền thông tạo cầu cho giới trẻ được đa dạng hóa và đạt hiệu quả cao thông qua nhiều sự kiện truyền thông trong khu công nghiệp, trường học và truyền thông đa phương tiện.
Công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone được duy trì với hơn 51.000 người bệnh tham gia điều trị trong đó hơn 3.000 người được cấp thuốc mang về nhà. Điều trị Methadone đã góp phần khống chế được tình hình nhiễm HIV trong người tiêm chích ma túy. Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng được giải thưởng hiệp hội giảm hại về bài báo xuất sắc về Kết quả triển khai chương trình điều trị nghiện bằng thuốc Methadone nhiều ngày.
Đặc biệt, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực châu Á về việc triển khai chiến lược sử dụng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) với số lượng người sử dụng PrEP vượt quá 65.000 người vào năm 2023. Đồng thời, trong giai đoạn từ 2020 đến 2023, đã có tổng cộng 96.500 người tham gia chương trình. Duy trì hơn 70% người dùng PrEP trong 3 tháng.
Bên cạnh đó, những mô hình linh hoạt và đa dạng để triển khai PrEP, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khác nhau. Mô hình Phòng khám toàn diện và thân thiện OSS cũng được triển khai và mở rộng mang lại dịch vụ phòng ngừa toàn diện cho người sử dụng PrEP tại Việt Nam…
Cần huy động các nỗ lực chung hướng tới đáp ứng bền vững với HIV
Mặc dù thời gian qua công tác phòng, chống HIV đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, Ths. BS. Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho rằng dịch HIV/AIDS vẫn còn nhiều thách thức, để hướng tới đạt được các mục tiêu trong phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, cần phải xây dựng lộ trình bền vững hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 và kiểm soát bền vững sau năm 2030.
Theo Phó Cục trưởng Võ Hải Sơn, hiện dịch HIV vẫn đang có chiều hướng gia tăng trong nhóm quần thể nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) với tốc độ lây nhanh, trong khi độ bao phủ dịch vụ HIV/AIDS cho nhóm này còn hạn chế. Để ngăn chặn lây nhiễm mới HIV, kiểm soát tốt dịch HIV, Việt Nam đã đưa ra các giải pháp ưu tiên bảo đảm kết thúc AIDS và bảo đảm kiểm soát bền vững. Cụ thể, đề cao những cam kết chính trị và lãnh đạo thực hiện; Xây dựng các kịch bản chính; Xác định đối tượng ưu tiên; Áp dụng ứng dụng thành tựu khoa học: K=K, PrEP, can thiệp Chemsex…; Lấy con người làm trung tâm; Thiết kế dịch vụ lấy con người làm trung tâm…
Ông Quinten Lataire, Quyền Giám đốc Chương trình phối hợp phòng chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) tại Việt Nam cho biết, ước tính nguồn lực của UNAIDS vào tháng 7/2024, khoảng thiếu hụt về nguồn lực tài chính cho HIV đang tăng dần, đến năm 2025, sẽ thiếu hụt khoảng 9,5 tỉ USD cho đáp ứng với HIV đến năm 2025. Trong khi đó, nguồn lực của quốc tế hỗ trợ đáp ứng với HIV ở các nước thu nhập thấp và trung bình đã giảm 17% kể từ năm 2013. Nguồn lực trong nước cho phòng, chống HIV/AIDS đã chững lại kể từ năm 2018. Do đó, các quốc gia cần có lộ trình hướng đến duy trì bền vững đáp ứng với HIV.
Ông Quinten nhấn mạnh, về tầm nhìn, cần huy động các nỗ lực chung và thúc đẩy những chuyển biến mạnh mẽ hướng tới đáp ứng bền vững với HIV, để đạt được và duy trì tác động khống chế dịch HIV trong giai đoạn sau năm 2030, thông qua bảo đảm quyền về sức khỏe cho mọi người dân.
Theo ông Quinten, cần có định hướng cụ thể đối với các hệ thống phục vụ sức khỏe và công bằng cách lấy người dân làm trung tâm. Bên cạnh đó, các tổ chức, bao gồm tổ chức cộng đồng có năng lực cũng được trao quyền, và cần được đầu tư nguồn lực thích đáng, được phân bổ một cách công bằng để hướng tới thực hiện mục tiêu kết thúc AIDS như là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng; đồng thời duy trì khống chế dịch sau năm 2030, bảo đảm quyền về sức khỏe cho mọi người dân.
Ông Eric Dziuban, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, 20 năm qua, kể từ khi PEPFAR hợp tác với Việt Nam trong vai trò hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ tài chính, hơn 120.000 người sống chung với HIV được sống khỏe mạnh. Bên cạnh đó, chương trình phòng, chống HIV cũng đã được triển khai với nhiều mô hình, sáng kiến mới về dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV.
Ông Eric Dziuban cho rằng, để bảo đảm cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS bền vững, việc quan trọng nhất là Việt Nam cần chủ động xây dựng lộ trình tài chính bền vững đáp ứng với HIV. "PEPFAR cam kết sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong từng bước xây dựng quá trình này. Chúng tôi biết rằng sắp tới sẽ tồn tại nhiều vướng mắc, khó khăn, nhưng PEPFAR cam kết sẽ hợp tác với các cơ quan Liên Hợp Quốc, Cơ chế Điều phối thuốc Quốc gia, Quỹ Toàn cầu, các tỉnh, thành phố và các nhà tài trợ khác để xây dựng một lộ trình tài chính bền vững", ông Eric Dziuban khẳng định.
Lộ trình và giải pháp kiểm soát bền vững dịch HIV/AIDS ở Việt Nam
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long, nguyên Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, do nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm nhanh, nguồn lực trong nước còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, các yếu tố nguy cơ liên quan đến lây nhiễm HIV/AIDS diễn biến phức tạp, khó lường, tạo ra những thách thức lớn cho việc duy trì bền vững những thành quả đã đạt được và tránh dịch HIV/AIDS quay trở lại.
Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, tiến tới kiểm soát bền vững dịch HIV/AIDS ở Việt Nam, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long cho rằng, Việt Nam cần có một lộ trình kiểm soát bền vững với mục tiêu chung là giảm số mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS; chấm dứt AIDS tại Việt Nam vào năm 2030 và giảm tác động kinh tế - xã hội do dịch bệnh HIV/AIDS gây ra.
Đưa ra các giải pháp, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long cho biết, cần thực hiện các giải pháp: Cam kết chính trị, chính sách, pháp luật; Tổ chức, nhân lực; Tài chính - trung ương; Tài chính-địa phương; Cung ứng dịch vụ; Hệ thống…
Cụ thể, tăng cường sự phối hợp liên ngành thông qua "Ủy ban 50", xác định rõ trách nhiệm, có cơ chế điều phối, phối hợp giữa các bộ ngành, theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá, đôn đốc thường xuyên, kịp thời.
Giao các chỉ tiêu cơ bản về phòng, chống HIV/AIDS cho từng địa phương, kèm với hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện chỉ tiêu; Đưa chỉ tiêu vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương; đầu tư nguồn lực thỏa đáng từ ngân sách trung ương và địa phương.
Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS tiến tới cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 và bảo đảm kiểm soát dịch bệnh AIDS không tái bùng phát sau năm 2030.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện cơ sở pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS các đơn vị, các tuyến để có sự đôn đốc, hỗ trợ kịp thời.
Đối với giải pháp tổ chức, nhân lực, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long cho rằng, cần xây dựng mô hình CDC tuyến trung ương; ổn định tổ chức CDC tuyến tỉnh; bảo đảm có đầu mối quản lý nhà nước và đầu mối chỉ đạo chuyên môn phòng, chống HIV/AIDS ở các tuyến đủ mạnh, đặc biệt là tuyến trung ương và tuyến tỉnh.
Các đơn vị có liên quan rà soát đề án vị trí việc làm, bảo đảm có đủ vị trí cần thiết cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Các địa phương rà soát nhu cầu nhân lực chuyên môn cho phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt tuyến tỉnh và huyện; lập kế hoạch đào tạo, tập huấn, đảm bảo có đủ số lượng và chất lượng nhân lực cho phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là về dự phòng, xét nghiệm, điều trị, giám sát dịch HIV/AIDS.
Ngoài ra, cần thiết lập cơ chế Hỗ trợ kỹ thuật hiệu quả từ trung ương đến địa phương để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là các lĩnh vực chuyên môn; Rà soát, đề xuất các chính sách thu hút, đãi ngộ thỏa đáng cho cán bộ y tế làm phòng, chống HIV/AIDS.
Đối với giải pháp cung ứng dịch vụ, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long cho rằng, cần tăng cường phân cấp việc cung ứng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho các tuyến. Lồng ghép tối đa các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với nhau và với các dịch vụ y tế khác.
Tập trung ưu tiên các hoạt động truyền thông, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử, và các dịch vụ Dự phòng lây nhiễm HIV (điều trị Methadone, PrEP và các dịch vụ dự phòng khác), đặc biệt tập trung cao vào nhóm MSM.
Mở rộng, đổi mới tư vấn xét nghiêm và phát hiện HIV; Tiếp tục mở rộng và bảo đảm chất lượng điều trị; mở rộng điều trị đồng nhiễm HIV/VGC.
Xây dựng và ban hành phân tuyến chuyên môn, kỹ thuật thực hiện danh mục kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS các tuyến, từ địa phương đến trung ương; Mở rộng triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ hiệu quả tại Việt Nam: cấp phát thuốc điều trị Methadone nhiều ngày, tự xét nghiệm HIV, Tele medicine, VGC lưu động...;
"Ngoài ra, chúng ta cần tập trung cao vào các giải pháp can thiệp có hiệu quả cao và các nhóm nghiện chích ma túy, MSM trẻ và lao động tình dục. Đồng thời, chú trọng ghiên cứu các mô hình, sáng kiến cung cấp dịch vụ đơn giản, bảo đảm được yêu cầu chuyên môn", PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long cho hay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin