Ngày 28/10, tại Hà Nội, trong khuôn khổ các hoạt động dự án đã được phê duyệt, Ban quản lý dự án VUSTA tổ chức hội thảo “Huy động sự tham gia của các tổ chức cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS".
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: VGP/Thùy Chi |
Hội thảo với mục đích chia sẻ thông tin về hoạt động dự án giai đoạn 2024-2026 tới 10 tỉnh dự án ở phía Bắc và tăng cường phối hợp với các đối tác trong việc triển khai hoạt động Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2024-2026.
Cụ thể, 10 tỉnh phía Bắc bao gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Nam Định, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An.
Chiến lược Quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 đã đề ra giải pháp "Tăng cường sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, khu vực tư nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo qui định của pháp luật; xây dựng cơ chế tài chính phù hợp tạo điều kiện thuận lợi để huy động sự tham gia bền vững của các tổ chức xã hội trong cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS".
Theo mục tiêu Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, trong giai đoạn 2024-2026, Dự án Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS – Dự án VUSTA sẽ cung cấp dịch vụ dự phòng HIV/AIDS cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao gồm nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới nữ.
Tại hội thảo, PGS.TS. Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Giám đốc Ban QLDA Dự án Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS – Dự án VUSTA khẳng định vai trò của dự án nhằm chung tay phòng chống HIV/AIDS và cam kết sẽ thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra của dự án.
Cụ thể, mục tiêu tổng quát của dự án là tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng trong việc thực hiện mục tiêu 95-95-95 và Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Các mục tiêu cụ thể bao gồm: 1. Cung cấp các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV dựa vào cộng đồng cho các nhóm chính bao gồm nam có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, người tiêm chích ma túy và phụ nữ bán dâm tại các tỉnh/thành phố của dự án; 2. Củng cố các hệ thống cộng đồng để ứng phó hiệu quả, linh hoạt và bền vững đối với dịch HIV/AIDS; 3. Cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ y tế cho các nhóm chính của dự án.
ThS. BS Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, dịch HIV hiện nay chủ yếu lây nhiễm qua nhóm quan hệ tình dục không an toàn. Đáng lưu ý, dịch xu hướng tăng mạnh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và nguy cơ dịch HIV có thể quay trở lại, gia tăng mạnh trong nhóm nghiện chích ma túy. Vì vậy, chúng ta cần đẩy mạnh các hoạt động can thiệp giảm hại, đẩy lùi dịch HIV và duy trì bền vững các kết quả phòng, chống HIV/AIDS.
ThS. BS Võ Hải Sơn đánh giá, dự án VUSTA thực hiện 2 vai trò rất quan trọng là tiếp cận các đối tượng nguy cơ cao là MSM và người nghiện chích ma túy, để ngăn chặn lây nhiễm mới trong nhóm này. Đồng thời, phát hiện sớm tình trạng bệnh và kết nối chuyển gửi điều trị sớm đối với những người nhiễm HIV. Với chiến lược lấy điều trị làm dự phòng, dự án VUSTA đẩy mạnh các hoạt động để phát hiện được các tình trạng nhiễm mới, bởi theo ThS. BS Võ Hải Sơn đối với những trường hợp mới phát hiện trong 3, 4 tuần nếu được điều trị ARV sớm thì không còn khả năng lây nhiễm HIV cho người khác.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động điều trị dự phòng HIV bằng thuốc PrEP cho nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS. ThS. BS Võ Hải Sơn yêu cầu dự án VUSTA lấy con người làm trung tâm, tập trung đẩy mạnh các hoạt động tại 10 tỉnh đang triển khai dự án để đạt được hiệu quả cao nhất.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin