Lao và HIV là hai bệnh dịch có mối liên quan chặt chẽ. Đồng nhiễm HIV/lao tạo ra gánh nặng kép cho toàn cầu...
Thăm khám cho bệnh nhân lao. Ảnh minh họa |
40% số bệnh nhân mắc lao trong cộng đồng chưa được phát hiện
TS.BS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng Ban điều hành Chương trình Chống lao quốc gia cho biết, từ năm 2024, Chương trình Chống lao quốc gia sẽ đẩy mạnh phát hiện chủ động tại cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế nhằm phát hiện tối đa bệnh nhân lao trong cộng đồng để điều trị sớm nhất.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số bệnh nhân được phát hiện là 48.790, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và tương đương với cùng kỳ năm 2022; tổng số bệnh nhân lao phát hiện do y tế công-tư chuyển đến là 13.440 (chiếm 27,5%).
Chương trình Chống lao quốc gia đang tích cực xử lý và hỗ trợ cho các địa phương về các vướng mắc trong công tác triển khai, đặc biệt là các hoạt động phát hiện chủ động, sàng lọc các đối tượng có nguy cơ cao theo kế hoạch.
Việt Nam vẫn còn gánh nặng bệnh lao và lao kháng thuốc là vì người dân còn kỳ thị về bệnh lao và sự hiểu biết về bệnh lao trong cộng đồng còn hạn chế; tỉ lệ bệnh lao kháng thuốc còn đang tồn tại lớn đồng nhiễm với các bệnh HIV...; đồng thời, hệ thống phòng, chống lao trước đây kiểm soát tốt, nhưng sự phối hợp các cơ sở khám chữa bệnh, chương trình chống lao của các tỉnh, thành vẫn còn hạn chế.
Dự phòng bệnh lao ở người bệnh HIV
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người nhiễm HIV có nguy cơ mắc bệnh lao cao gấp 18 lần so với người không nhiễm HIV. Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người nhiễm HIV. Sở dĩ như vậy là do hai bệnh này có mối liên hệ chặt chẽ: Khi nhiễm HIV sẽ làm suy giảm miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm vi khuẩn lao và phát triển thành bệnh lao. Người mắc bệnh lao lại làm tăng tốc độ nhân lên của HIV. Từ đó đẩy nhanh tiến triển của HIV bệnh thành AIDS. Chính vì thế, khi đồng nhiễm hai bệnh này dẫn đến bệnh tiến triển nặng nhanh hơn.
Ngoài ra, tình trạng đồng nhiễm HIV/lao còn gây khó khăn cho việc chẩn đoán và điều trị. Các triệu chứng lao điển hình như ho kéo dài, sốt, sụt cân có thể bị che lấp bởi các bệnh cơ hội khác ở người nhiễm HIV. Xét nghiệm vi khuẩn lao trong đờm cũng có độ nhạy thấp hơn dẫn đến chẩn đoán có thể bị thiếu sót.
Khi dùng đồng thời thuốc điều trị lao và HIV có thể gây ra tương tác bất lợi, làm tăng độc tính và giảm hiệu quả điều trị. Hơn nữa, cả hai loại thuốc điều trị đều mang lại những tác dụng không mong muốn khiến bệnh nhân mệt mỏi.
Theo TS.BS Hoàng Thị Phượng, nguyên Trưởng khoa Lao hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương, trên thực tế điều trị bệnh lao cho người nhiễm HIV vẫn còn rất nhiều khó khăn. Đa số bệnh nhân HIV mắc lao thường ở giai đoạn cuối, chuyển sang giai đoạn AIDS. Khi điều trị phải dùng cả thuốc lao và HIV. Hai nhóm thuốc này có thể xuất hiện những tác dụng phụ bất lợi. Ví dụ như dị ứng thuốc, suy gan, suy thận. Hơn nữa, lúc đó thể trạng của bệnh nhân rất kém, suy kiệt, gầy yếu, việc dung nạp thuốc điều trị kém nên kết quả điều trị hiệu quả cũng bị hạn chế nhiều.
Do đó giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất để giải trừ gánh nặng kép là người bệnh HIV cần phải dự phòng đồng nhiễm HIV/lao. Để làm được điều này, tại cơ sở điều trị HIV cần thực hiện 3 chiến lược gồm: Phát hiện tích bệnh lao; Điều trị lao tiềm ẩn lao; Kiểm soát nhiễm khuẩn lao.
Đối với người nhiễm HIV, điều trị sớm bằng ARV sẽ làm giảm tỉ lệ mắc lao cũng như tỉ lệ tử vong do lao. Người bệnh nhiễm HIV cần được thăm khám và tuân thủ điều trị theo đúng phác đồ.
Tại cơ sở điều trị, cần thực hiện phân loại bệnh nhân đến khám, xác định nhanh các trường hợp nghi mắc bệnh lao; ưu tiên khám trước cho các bệnh nhân nghi lao; cần chẩn đoán sớm, cách ly và điều trị lao kịp thời để tránh lây nhiễm sang bệnh nhân khác.
Đối với nhân viên y tế, cần sử dụng các biện pháp bảo hộ và dự phòng phù hợp. Nếu nghi ngờ có mắc lao cần chẩn đoán, điều trị sớm, đăng ký và báo cáo bệnh do nghề nghiệp.
Tại khu vực chờ hoặc nơi khám bệnh cần được thông khí tốt, có các hướng dẫn về vệ sinh khi ho, được hiển thị rõ ràng trong các khu vực có đông người bệnh.
Phát hiện tích cực bệnh lao ở người nhiễm HIV
Theo Hướng dẫn phát hiện tích cực bệnh lao ở người bệnh HIV, chúng ta cần phát hiện tích cực bệnh lao ở người nhiễm HIV được cơ sở y tế thực hiện định kỳ, nhằm hỗ trợ chẩn đoán sớm bệnh lao ở người nhiễm HIV và điều trị lao tiềm ẩn cho người nhiễm HIV không mắc bệnh lao.
Phát hiện tích cực bệnh lao ở người nhiễm HIV được thực hiện thông qua việc khám bệnh, sàng lọc lao bằng triệu chứng và có thể kết hợp với các xét nghiệm kỹ thuật cận lâm sàng bao gồm: Xét nghiệm CRP; Chụp X - quang ngực; Xét nghiệm LF-LAM nước tiểu; Xét nghiệm Xpert MTB/RIF, Xpert Ultra hoặc các xét nghiệm SHPT khác.
Quy trình phát hiện tích cực bệnh lao ở người nhiễm HIV được thực hiện tùy thuộc vào việc phân loại các nhóm người nhiễm HIV, cụ thể như sau: Người lớn và vị thành niên điều trị ngoại trú chưa điều trị ARV, điều trị lại hoặc thất bại điều trị ARV; Người lớn và vị thành niên đang điều trị ARV ngoại trú; Trẻ em điều trị ngoại trú; Người lớn, vị thành niên và trẻ em điều trị nội trú.; Phát hiện tích cực bệnh lao ở người nhiễm HIV điều trị ngoại trú.
Người lớn và vị thành niên chưa điều trị ARV, điều trị lại hoặc thất bại điều trị: Người nhiễm HIV chưa điều trị thuốc ARV, điều trị lại hoặc thất bại điều trị ARV có nguy cơ cao mắc lao mới hoặc lao tái phát do hệ miễn dịch bị suy giảm, có nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, cần áp dụng chiến lược phát hiện lao tích cực có độ nhạy và độ đặc hiệu cao.
Quy trình thực hiện bao gồm: Sàng lọc lao tại thời điểm đánh giá bắt đầu điều trị hoặc điều trị lại thuốc ARV hoặc thất bại điều trị; Chỉ định xét nghiệm CRP hoặc chụp X-quang ngực đối với người bệnh có sàng lọc lao âm tính.
Chuyển mẫu bệnh phẩm hoặc người bệnh đến cơ sở điều trị lao để chẩn đoán lao bằng xét nghiệm sinh học phân tử (Xpert MTB/RIF, Xpert Ultra) hoặc các xét nghiệm chẩn đoán lao khác đối với các trường hợp sàng lọc lao dương tính hoặc xét nghiệm CRP dương tính hoặc khi X-quang ngực có hình ảnh bất thường. Hội chẩn với các bác sĩ chuyên khoa lao, chẩn đoán phân biệt và điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội khác…
Cần tối ưu các chính sách hiện có
Theo Chương trình chống lao quốc gia, muốn đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào 2035 cần triển khai tối ưu các chiến lược, chính sách hiện có. Đó là bao phủ y tế toàn dân, tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở gắn với công tác phòng chống lao, bảo hiểm y tế và bảo trợ xã hội.
Đồng thời, nhanh chóng mở rộng áp dụng công cụ chẩn đoán mới, thuốc mới, vắc xin mới, các tiếp cận và can thiệp mới nhằm phát hiện và điều trị lao sớm để cắt đứt nguồn lây, điều trị lao tiềm ẩn để cắt nguy cơ nhiễm tiến triển thành bệnh lao.
Hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, cùng với các chính sách mới như thuốc chống lao, dịch vụ khám chữa bệnh do bảo hiểm y tế chi trả…, Chương trình chống lao quốc gia đã huy động nguồn lực từ các nhà tài trợ để hỗ trợ kỹ thuật và nguồn lực triển khai các hoạt động có hiệu quả. Trong đó, có sự góp phần không nhỏ của chính sách mở rộng triển khai chiến lược 2X, bao gồm sử dụng X-quang lồng ngực cùng xét nghiệm sinh học phân tử ở cộng đồng và các cơ sở y tế, hiệu quả gấp 7 lần so với việc phát hiện thụ động như hiện nay.
Theo Chương trình phòng chống lao quốc gia, bệnh lao có thể hoàn toàn điều trị khỏi với tỷ lệ đạt hơn 90% với bệnh nhân lao mới và 70% với bệnh lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% bệnh nhân lao đa kháng thuốc với phác đồ ngắn hạn. Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả lao đa kháng thuốc và siêu kháng thuốc.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin