Liệu pháp để nâng cao sức khỏe cho người nhiễm HIV

Theo Tiengchuong.vn 09:58, 07/11/2024

Tập thể dục là liệu pháp tốt để không chỉ giúp người nhiễm HIV nâng cao sức khỏe mà còn giúp kiểm soát một số tác dụng phụ lâu dài của thuốc điều trị HIV.

Tập thể dục là liệu pháp tốt để không chỉ giúp người nhiễm HIV nâng cao sức khỏe mà còn giúp kiểm soát một số tác dụng phụ lâu dài của thuốc điều trị HIV. Ảnh minh họa

Đối với người nhiễm HIV, hãy ưu tiên tập thể dục thường xuyên, lên lịch tập khoảng 150 phút cho bản thân mỗi tuần và kết hợp các bài tập thể dục nhịp điệu, tăng cường sức mạnh, sự linh hoạt để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh.

Tập thể dục giúp tăng cân ở người nhiễm HIV

Rất nhiều người nhiễm HIV khó khăn trong việc duy trì cân nặng, mặc dù họ cần số cân đó để giúp cơ thể khỏe mạnh, chống lại nhiễm trùng. Tập thể dục có thể kích thích sự thèm ăn. Nếu bạn cảm thấy đói hơn, bạn sẽ có nhiều khả năng tiêu thụ nhiều calo hơn, giúp tăng số cân mong muốn.

Tập thể dục giúp tăng cơ bắp, xương chắc khỏe

Khi cơ thể già đi, sẽ mất dần khối lượng cơ bắp. Khối lượng cơ bắp đủ và khỏe sẽ giúp bạn khỏe mạnh hơn để thực hiện các công việc trong cuộc sống hàng ngày. Mất cơ và xây dựng cơ bắp có thể là những thách thức lớn hơn đối với những người nhiễm HIV so với những người khác. Do đó, người nhiễm HIV nên thực hiện một số bài tập xây dựng cơ bắp một cách thường xuyên.

Các bài tập giúp tăng cơ như: Squats, chống đẩy tập tạ... có thể dễ dàng thực hiện tại nhà.

HIV cũng đẩy nhanh quá trình mất xương khi tuổi cao, làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương, gãy xương. Một số loại thuốc điều trị HIV cũng có thể làm trầm trọng thêm nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Tập thể dục có thể giúp ngăn chặn quá trình mất xương, giúp xương chắc khỏe.

Tập thể dục cải thiện sức khỏe tim mạch

Vận động cơ thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch, ảnh hưởng trực tiếp đến cách tim hoạt động, giúp: Hạ huyết áp; Giảm cholesterol; Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2; Giảm nguy cơ mắc bệnh tim; Quản lý cân nặng; Cải thiện sức khỏe tim mạch...

Những người nhiễm HIV có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tập thể dục có thể là vũ khí để ngăn ngừa tình trạng này. Ví dụ về một số bài tập có lợi cho sức khỏe tim mạch như: Đi bộ nhanh, chạy bộ, bơi lội, đạp xe, leo cầu thang, chèo thuyền...

Để bắt đầu một chương trình tập luyện mới là bắt đầu với mức độ nhỏ và tăng dần, bởi vì tập luyện đều đặn theo thời gian là chìa khóa để thành công.

Tập thể dục giúp người nhiễm HIV giảm mệt mỏi, ngủ ngon hơn

Tập thể dục rất tốt cho cơ thể và trí óc của bạn – và nó cũng có thể giúp bạn có một giấc ngủ ngon hơn, tạo ra sự khác biệt lớn về sức khỏe và tinh thần.

Ngủ đủ giấc giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng, ít mắc bệnh hơn; giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh; giảm nguy cơ phát triển các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tim, đái tháo đường. Ngoài ra, hoạt động thể chất còn giúp cải thiện tâm trạng, giảm mệt mỏi, khiến bạn cảm thấy bớt cáu kỉnh, căng thẳng hơn.

Tập thể dục tăng cường hệ thống miễn dịch

Tập thể dục có thể tăng cường hệ thống miễn dịch và đã được chứng minh là có tác dụng cải thiện cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần.

Mặc dù tập thể dục không thể kiểm soát được nhiễm HIV, nhưng tập thể dục có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn bằng cách giảm căng thẳng, giúp hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động tốt hơn.

Lưu ý khi tập luyện ở người nhiễm HIV

Trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập thể dục nào, hãy trao đổi với bác sĩ để xác định xem có bất kỳ hạn chế nào đối với hoạt động của bạn hay không và lựa chọn bài tập, hình thức, cường độ tập phù hợp.

Khi bạn cảm thấy không khỏe, không nên tập thể dục. Cần phân biệt giữa tình trạng khó chịu nói chung (thường là cảm thấy không khỏe về thể chất hoặc tinh thần) và tình trạng mệt mỏi hoặc bệnh tật nghiêm trọng. Hãy lắng nghe cơ thể và nếu trong quá trình tập thể dục thấy mệt mỏi cũng nên ngừng tập.

Hãy đặt mục tiêu tập thể dục 20-30 phút, ít nhất 3 lần một tuần khi bạn mới bắt đầu. Sau đó dần dần tăng lên 45 phút, ít nhất 3-4 lần một tuần, trong vài tháng. Đặt cho mình một số mục tiêu nhỏ để đạt được trong một khoảng thời gian có thể mang lại động lực và duy trì tập luyện tốt hơn.

Khuyến cáo người lớn cần ít nhất 150 đến 300 phút mỗi tuần cho hoạt động aerobic cường độ vừa phải, như đạp xe, đi bộ nhanh… Người lớn cũng cần hoạt động tăng cường cơ bắp, như nâng tạ hoặc chống đẩy, ít nhất 2 ngày mỗi tuần.