Nếu trẻ phát triển quá nhanh so với bạn bè cùng trang lứa, xuất hiện “mùi cơ thể”… thì cha mẹ nên cảnh giác con đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới.
(Ảnh minh họa) |
Thấy con ngực to nhanh, bé L.H.G, 6 tuổi 8 tháng, ở Sơn La được bố mẹ đưa đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec khám.
Mẹ bé chia sẻ, khoảng 1 năm nay, bé xuất hiện ngực to nhanh, cao hơn so với các bạn cùng lứa tuổi. Cũng 1 tháng trở lại đây, mẹ thấy bé xuất hiện mùi cơ thể. Về chiều cao và cân nặng, trong khoảng 6 tháng, bé tăng 4kg/6 tháng, tăng 5cm/6 tháng. Ngoài ra, bé không có dấu hiệu bất thường nào khác.
Tiếp nhận khám bé L.H.G, Thạc sĩ, bác sĩ Dương Thị Thủy - Chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, so với tiêu chuẩn của Tanner về các giai đoạn dậy thì của trẻ gái và trai thì chiều cao và cân nặng của bé G., vượt ngưỡng phát triển bình thường, cụ thể chiều cao 134 cm (>+2SD), cân nặng 34kg (>+2SD). Trẻ cũng đã có sự phát triển về ngực, có mùi cơ thể.
Với dấu hiệu và thăm khám ban đầu, bác sĩ chẩn đoán sơ bộ bé cần theo dõi dậy thì sớm nên được chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm nội tiết hormon (FSH, LH, Estradiol), siêu âm tử cung buồng trứng, X-quang tuổi xương.
Kết quả xét nghiệm có xét nghiệm LH, Estrogen tăng tương ứng với trẻ bắt đầu dậy thì. Với kết quả chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ kết luận trẻ dậy thì sớm. Bé được chụp cộng hưởng từ nhằm khảo sát thêm tuyến yên để định hình nguyên nhân.
Biết con có chẩn đoán dậy thì sớm, gia đình vô cùng bàng hoàng khi biết con mới 6 tuổi, bản thân bé và bố mẹ đều khỏe mạnh. Sau khi được bác sĩ tư vấn về dậy thì sớm ở trẻ và được hướng dẫn điều trị nội tiết cho bé, thì bố mẹ bé đã an tâm và bớt lo lắng hơn.
Dậy thì là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu giai đoạn bé trưởng thành về mặt thể chất và tâm sinh lý. Thông thường, ở bé gái tuổi dậy thì bắt đầu từ khoảng 11-12 tuổi, nhưng dậy thì sớm là khi trẻ trước 8 tuổi đã phát triển ngực hay có kinh nguyệt trước 9 tuổi.
Ở nam giới, tuổi dậy thì thường sau nữ giới, thông thường tuổi bắt đầu dậy thì khoảng 12 tuổi, nhưng nếu sớm hơn có thể là lúc 9 tuổi.
Trong giai đoạn dậy thì, bé có những thay đổi cơ thể rõ rệt. Bác sĩ Thủy cho biết, những dấu hiệu cho biết bé dậy thì sớm gồm: Bé gái, dấu hiệu dậy thì đầu tiên là sự phát triển tuyến vú. Sau đó, lông mu bắt đầu mọc, tiếp đó là mọc lông nách. Bên cạnh đó là dấu hiệu mụn trứng cá, xuất hiện kinh nguyệt.
Bé trai, tinh hoàn và dương vật sẽ to lên, sau đó xuất hiện mọc lông mu và lông nách. Giọng nói trầm hơn, hay còn gọi là “vỡ giọng”, các cơ phát triển. Dấu hiệu rõ rệt khác là mụn trứng cá và râu xuất hiện.
Bác sĩ Thủy lưu ý, nếu cha mẹ thấy con phát triển nhanh so với bạn bè cùng trang lứa nên cho con đến cơ sở y tế kiểm tra để biết chính xác có phải do nguyên nhân dậy thì sớm gây ra những biểu hiện “lạ” của cơ thể hay không.
Hơn nữa, dậy thì sớm ở trẻ do nhiều nguyên nhân gây nên như khối u (thường là u nhỏ vùng hạ đồi), nhiễm trùng (viêm não, quai bị, viêm màng não...), dị dạng bẩm sinh (não úng thủy, tật đầu nhỏ), hội chứng McCune - Albright, hoặc do thiếu hụt GH phối hợp...
Sau khi có kết quả chẩn đoán chính xác bé dậy thì sớm, bác sĩ sẽ đưa ra hướng xử lý và điều trị kịp thời kịp thời cho trẻ. Việc điều trị ở bé gái nhằm ngưng kinh nguyệt ngay sau lần tiêm đầu tiên, theo dõi siêu âm tử cung và buồng trứng giảm kích thước sau 6 tháng.
Đối với bé trai nhằm ngưng cường dương sớm, giảm kích thước tinh hoàn sau nhiều tháng. Lông mu thoái triển từ từ, cải thiện tâm lý, giảm tốc độ phát triển trong năm đầu.
Bác sĩ Thủy chia sẻ có không ít cha mẹ biết con dậy thì sớm rất sốc và lo lắng, nhưng bác sĩ lưu ý, cha mẹ cần bình tĩnh để không gây hoang mang tâm lý ở trẻ.
Về phía trẻ, ở giai đoạn này bắt đầu có thay đổi về tâm sinh lý như mặc cảm, tự ti và xấu hổ do khác biệt so với các bạn cùng trang lứa, hoặc do chưa được giáo dục về giới tính nên có nguy cơ xâm hại tình dục, quan hệ sớm và có thai sớm.
Vì vậy, cha mẹ cần “làm bạn” với con để lắng nghe, tâm sự, chia sẻ và hướng dẫn con cách xử lý, giúp con tự tin và hòa đồng cùng bạn bè trang lứa.
Giúp trẻ phòng ngừa dậy thì sớm, cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp sau: - Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý: Chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối với nguồn thực phẩm tươi sạch, không chứa chất biến đổi gene/hormone tăng trưởng, tránh sử dụng đồ ăn nhanh hoặc chứa nhiều dầu mỡ, chất béo. - Tăng cường tập thể dục thể thao vừa sức. - Tránh cho trẻ tiếp xúc với các mỹ phẩm, thuốc chứa Estrogen, Testosterone sẽ gây mất bằng hormone sinh dục. |
Theo NDĐT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin