Do thường xuyên bị khô hạn, không có hệ thống thuỷ lợi điều tiết nguồn nước, bị ngập úng, chuột bọ phá hoại... nên nhiều năm nay, 12ha đất cấy lúa ở xã Cây Thị (Đồng Hỷ) đã bị bỏ hoang. Mong muốn của bà con là được chuyển đổi diện tích này sang trồng chè để nâng cao thu nhập.
Ngay sát 5 sào chè của gia đình bà Dương Thị Lương là 6 sào ruộng bỏ hoang để các loại cỏ dại mọc từ 2 năm nay. Bà Lương cho hay: Trước đây, gia đình tôi cấy lúa trên diện tích đất này. Tuy nhiên, do là chân ruộng trũng, nước ngập liên tục nên năng suất lúa bình quân chỉ đạt dưới 1 tạ/sào, thậm chí có năm mất trắng. Gia đình tôi mong muốn được chuyển đổi sang trồng cây chè.
Mong muốn của bà Lương cũng là mong muốn của nhiều hộ dân khác trên địa bàn xóm Hoan. Hiện nay, xóm Hoan có khoảng 30 hộ có nguyện vọng được chuyển đổi hơn 3ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng chè.
Ông Nguyễn Hải Đăng, Trưởng xóm Hoan cho biết: Diện tích đất lúa trên đa phần nằm ở những khu vực cao, hoặc trũng chưa có hệ thống thuỷ lợi. Một số còn nằm giữa các đồi trồng keo nên chỉ trông vào nước trời để sản xuất. Nếu được chuyển sang trồng cây chè sẽ phù hợp và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Là một trong những hộ đã từng chuyển đất kém hiệu quả sang trồng chè vì thế gia đình bà Nông Thị Mơ hiểu rõ hiệu quả đem lại. Bà Mơ nhẩm tính: Trước đây, lúc còn cấy lúa thì mỗi vụ 4 sào lúa được gần 5 tạ thóc bán đi cũng chỉ được hơn 3 triệu đồng. Từ khi chuyển sang trồng chè đến nay, mỗi năm tôi cũng thu được trung bình từ 5-6 lứa, mỗi lứa được 100kg chè búp khô và thu về trên 20 triệu đồng.
Xác định cây chè là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương, vì thế, trong những năm qua xã Cây Thị đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích, đưa các giống chè có năng suất, chất lượng như: Chè lai F1, Kim Tuyên, TRI 777 vào trồng thay thế giống chè trung du già cỗi.
Đế nay, tổng diện tích chè của xã đạt gần 150ha, trong đó có 138ha chè đã cho thu hoạch. Sản lượng chè búp tươi năm 2020 của xã đạt 1.700 tấn. Nhờ cây chè mà đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây dần được nâng cao, đến nay xã chỉ còn dưới 11% hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt trên 36 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2025, xã đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn...
Với giá trị cây chè đem lại, việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng chè cũng là điều mà chính quyền địa phương mong muốn. Ông Dương Minh Thư, Chủ tịch UBND xã Cây Thị cho biết: Trên địa bàn xã có khoảng 12ha đất cấy lúa kém hiệu quả, tập trung chủ yếu ở các xóm Khe Cạn, Suối Găng, Hoan, Cây Thị, Mỹ Hoà, Trại Cau. Hiện nay, đã có 100 hộ đăng ký được chuyển đổi 6ha đất cấy lúa sang trồng chè. Trong khi chờ được giải quyết, xã và các xóm tích cực kiểm tra, ngăn chặn những trường hợp tự ý đổ đất, san gạt để trồng chè trên đất lúa khi chưa được cấp phép.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần tăng thu nhập cho người dân, tạo điều kiện cho bà con tận dụng tối đa lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế, góp phần đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp. Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm giải quyết nguyện vọng của người dân xã Cây Thị, qua đó nhằm tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, tránh tình trạng bỏ ruộng hoang.