Thời gian gần đây, Báo Thái Nguyên nhận được ý kiến phản ánh của người dân cho rằng: Vị trí dán tem kiểm định trên máy bắn tốc độ của lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Thái Nguyên chưa phù hợp. Cụ thể, tem kiểm định chất lượng trên máy bắn tốc độ không được dán tại các vị trí tiếp giáp hoặc dán đè lên con ốc để chống tháo lắp. Người dân bày tỏ lo lắng, liệu thiết bị này có thể bị tháo lắp, điều chỉnh, làm ảnh hưởng đến độ chính xác hay không?
Vị trí dán tem kiểm định trên máy bắn tốc độ của lực lượng CSGT Thái Nguyên (ảnh người dân cung cấp). |
Để làm rõ thắc mắc của người dân, phóng viên Báo Thái Nguyên đã làm việc với đại diện Phòng CSGT (Công an tỉnh Thái Nguyên).
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Nam Hưng, Đội trưởng Đội Tuyên truyền - Điều tra giải quyết tai nạn - Xử lý vi phạm giao thông, Phòng CSGT, cho biết: Máy bắn tốc độ (máy đo tốc độ có ghi hình ảnh) là một trong số các trang thiết bị nghiệp vụ được trang cấp cho lực lượng CSGT để thực hiện công tác xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông. Việc quản lý, sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đã được Phòng CSGT thực hiện đúng theo quy định tại Điều 64, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 135/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đó, đối với các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ quy định bắt buộc phải được kiểm định (trong đó có máy bắn tốc độ), Phòng CSGT thường xuyên rà soát theo định kỳ và mang về Viện Đo lường Việt Nam, thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) hoặc Viện Khoa học công nghệ (Bộ Công an) để tiến hành kiểm định, dán tem theo đúng quy định của pháp luật.
Lực lượng CSGT (Công an tỉnh Thái Nguyên) sử dụng máy bắn tốc độ để phát hiện các trường hợp vi phạm trên tuyến Quốc lộ 37. |
Trả lời thắc mắc của người dân về vị trí dán tem kiểm định trên máy bắn tốc độ, Thiếu tá Nguyễn Nam Hưng khẳng định: Sau khi tiến hành kiểm định, hiệu chuẩn, đơn vị kiểm định sẽ tiến hành dán tem kiểm định trực tiếp lên thiết bị ở vị trí thích hợp và có ghi rõ thời hạn kiểm định. Vị trí dán tem do đơn vị kiểm định thực hiện, lực lượng CSGT không có quyền can thiệp hoặc làm thay đổi vị trí dán tem kiểm định trên các thiết bị.
Tìm hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi được biết, việc dán tem kiểm định hiện nay được thực hiện theo Điều 39, Thông tư số 24/2013/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ. Cụ thể, tem kiểm định được dán trực tiếp trên phương tiện đo đạt yêu cầu theo quy định của quy trình kiểm định tương ứng và ở vị trí thích hợp; trường hợp phương tiện đo không đủ chỗ hoặc không thể dán tem kiểm định thì được phép sử dụng giấy chứng nhận kiểm định để thông báo về thời hạn có giá trị của việc kiểm định đối với phương tiện đo. Như vậy, việc dán tem kiểm định tại một vị trí bất kỳ trên máy bắn tốc độ của lực lượng CSGT là đúng theo hướng dẫn của Thông tư số 24/2013/TT-BKHCN...
Cung cấp thêm thông tin về vấn đề này, một cán bộ làm công tác kiểm định lâu năm tại Viện Đo lường Việt Nam, lý giải: Ngoài dán tem kiểm định, các thiết bị này đều được cấp giấy chứng nhận kiểm định, chứng minh đảm bảo tính pháp lý khi đưa vào sử dụng. Ngoài ra, việc kiểm định, hiệu chuẩn các thiết bị của lực lượng CSGT đều được thực hiện trên phần mềm chuyên dụng nên việc tháo thiết bị ra để điều chỉnh, thay đổi các thông số là điều không thể. Vì vậy, người dân hoàn toàn có thể yên tâm về độ chính xác của các thiết bị đã được dán tem kiểm định trong thời hạn cho phép.
Lực lượng CSGT lập biên bản đối với người tham gia giao thông vi phạm về tốc độ trên tuyến Quốc lộ 37. |
Đại diện Phòng CSGT (Công an tỉnh) cho biết thêm: Thời gian qua, đơn vị cũng nhận được một số ý kiến phản ánh của người dân liên quan đến trang thiết bị nghiệp vụ của lực lượng CSGT. Với các trường hợp này, lực lượng CSGT đã cho người vi phạm được xem hình ảnh vi phạm của mình. Đồng thời, trong điều kiện cho phép, một số trường hợp được xem, quan sát trang thiết bị nghiệp vụ; tìm hiểu thêm thông tin về hoạt động kiểm định của các đơn vị chuyên môn. Sau khi được giải thích về các quy định liên quan của pháp luật, người dân đã hiểu và chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính.
Thông qua sự việc này, Phòng CSGT (Công an tỉnh Thái Nguyên) mong muốn những người vi phạm sau khi hiểu đầy đủ các quy định liên quan của pháp luật sẽ trở thành tuyên truyền viên tích cực, tham gia tuyên truyền cho người thân, bạn bè về vấn đề này, góp phần giảm thiểu tình trạng thắc mắc, khiếu kiện liên quan đến việc sử dụng trang thiết bị nghiệp vụ của CSGT nói riêng, lực lượng Công an nói chung.
Từ đầu năm 2023 đến nay, thông qua các thiết bị nghiệp vụ, lực lượng CSGT đã phát hiện và xử lý 4.566 trường hợp vi phạm về tốc độ khi tham gia giao thông, chiếm 31,5% trong tổng số trường hợp vi phạm Luật Giao thông bị xử lý trên địa bàn tỉnh. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin