Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Tuy nhiên, hòa bình chưa được bao lâu, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Chúng đơn phương xóa bỏ mọi cam kết, không thi hành Hiệp định Sơ bộ ngày 06/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946, tăng cường các hoạt động quân sự, phá hoại nền hòa bình trên đất nước ta.
Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đồng bào, chiến sĩ cả nước. Trong ảnh: Phát lệnh toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội, tháng 12-1946. Ảnh: Tư liệu/TTXVN |
Với truyền thống nhân nghĩa và khát vọng hòa bình cháy bỏng, dân tộc ta, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức thiện chí và nhân nhượng hết mức có thể, nhằm tránh một cuộc đổ máu cho dân tộc, dành thời gian, tâm sức cho kiến thiết đất nước, “nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”.
Trong thời khắc Tổ quốc lâm nguy, vận mệnh dân tộc đứng trước sự mất còn, đêm ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Đây là lời hịch non sông, tiếng vọng của lịch sử và là biểu tượng ngời sáng của lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí quật khởi “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của nhân dân ta, dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh.
Hưởng ứng Lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Thủ đô cùng các địa phương trên cả nước nhất tề đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Một lần nữa, khí phách và sức mạnh truyền thống toàn dân đánh giặc lại bùng lên mạnh mẽ ngay từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.
Đó cũng là cơ sở để quân và dân ta thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc của Đảng, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tạo tiền đề thắng lợi cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Toàn quốc kháng chiến - cuộc tổng giao chiến đầu tiên thắng lợi thể hiện đường lối đúng đắn, sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh tài tình, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiêu biểu là nghệ thuật huy động lực lượng, phát huy sức mạnh toàn dân đánh giặc của chiến tranh nhân dân Việt Nam.
76 năm đã trôi qua, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và sự kiện toàn quốc kháng chiến vẫn in đậm trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam - một mốc son chói lọi trong lịch sử hào hùng của dân tộc. Sự kiện đáng tự hào đó không chỉ có ý nghĩa lịch sử sâu sắc, mà còn mang tầm vóc thời đại, để lại nhiều bài học quý cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Thời gian tới, tuy hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những biến chuyển nhanh, phức tạp và tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định, khó dự báo.
Đối với nước ta, các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Các nhân tố gây mất ổn định ở Biển Đông tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta có sự phát triển mới, yêu cầu mới cao hơn, phức tạp hơn.
Kỷ niệm 76 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2022) là dịp để chúng ta một lần nữa khẳng định giá trị, ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của sự kiện trọng đại này. Nó đã, đang và sẽ tiếp tục được vận dụng, cũng như thôi thúc và tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vững bước trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc thời kỳ mới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin