Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2022):
Tấm gương anh dũng hy sinh của 60 thanh niên xung phong Đại đội 915

Theo NDĐT 08:51, 19/12/2022

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ga Lưu Xá, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên được coi là "cảng cạn" lưu chuyển vũ khí, hàng hóa vào miền nam. Vào thời điểm khốc liệt nhất trong chiến dịch 12 ngày đêm đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền bắc nước ta, đêm 24/12/1972, 60 thanh niên xung phong Ðại đội 915, Ðội 91 Bắc Thái đã anh dũng hy sinh, trong đó nhiều người còn rất trẻ. Ngày nay, Khu di tích Ðại đội 915 là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Khu di tích 60 liệt sĩ thanh niên xung phong Ðại đội 915 ở phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng.

Ga Lưu Xá được coi là "cảng cạn" tiếp nhận vũ khí, hàng hóa tập kết, luân chuyển vào niềm nam chi viện cho các chiến trường đánh Mỹ. Do đó, Thái Nguyên trở thành một trong những địa bàn đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ trong 12 ngày đêm phá hoại miền bắc bằng B-52. Yêu cầu đặt ra đối với tỉnh Bắc Thái khi đó là phải tuyển dụng lực lượng thanh niên xung phong để củng cố Ðội 91 Bắc Thái với các đại đội trực thuộc; thành lập mới Ðại đội 915 để làm nhiệm vụ tu sửa hệ thống đường giao thông và lưu chuyển vũ khí, hàng hóa tại ga Lưu Xá. Ðại đội 915 có hơn 102 cán bộ, đội viên là con em các huyện: Chợ Rã, Chợ Ðồn, Bạch Thông, Na Rì (nay thuộc tỉnh Bắc Kạn); Ðồng Hỷ, Phổ Yên, Ðại Từ và Phú Bình (nay thuộc tỉnh Thái Nguyên), hầu hết các đội viên đều rất trẻ, chưa lập gia đình, chỉ từ 17 đến 25 tuổi.

Ðầu tháng 9/1972, Ðại đội 915 được điều động làm nhiệm vụ rải cấp phối, sửa chữa và bảo đảm giao thông tuyến đường từ ngã ba Chùa Hang đến thị trấn Trại Cau. Sáng 13/9/1972, máy bay Mỹ ném bom, bắn phá tuyến đường, làm đội viên Hoàng Thị Cát hy sinh tại chỗ và tám đội viên bị thương. Dù bị tổn thất, nhưng cán bộ, đội viên Ðại đội 915 không hoang mang, dao động mà còn khắc sâu lòng căm thù giặc Mỹ xâm lược, kiên cường bám đường, bám cầu, bảo đảm giao thông vận tải kịp thời, thông suốt. Từ nửa cuối tháng 12/1972, đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 nhằm hủy diệt tiềm lực kinh tế, quốc phòng của miền bắc, hạn chế sự chi viện cho miền nam, thành phố Thái Nguyên trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt, tổn thất lớn về người, cơ sở kinh tế, xã hội, hạ tầng, nhưng Ðại đội 915 vẫn kiên cường bám trụ làm nhiệm vụ, với tinh thần "Tất cả vì tiền tuyến", "Tất cả vì sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước".

Ông Tống Văn Minh, nguyên Ðại đội phó Ðại đội 915, nay cư trú ở thôn An Thọ, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) kể: Trước yêu cầu cấp bách cần giải tỏa gấp khoảng 20 nghìn tấn vũ khí, hàng hóa tại ga Lưu Xá trước sự đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ trong thời gian ngắn nhất, cấp trên yêu cầu chúng tôi huy động 60 thanh niên xung phong đến "cảng cạn" Lưu Xá. Nhưng với tinh thần "Tất cả vì miền nam ruột thịt", nhiều anh chị em xung phong cho nên đến sáng sớm ngày 24/12/1972, đã có tổng số 66 thanh niên xung phong từ nơi đóng quân ở xóm Bến Ðò, xã Linh Sơn, huyện Ðồng Hỷ lên đường đến làm nhiệm vụ tại ga Lưu Xá. Cán bộ, đội viên Ðại đội 915 làm việc miệt mài quên ăn, quên nghỉ để giải tỏa hàng hóa nhanh nhất. Tối 24/12/1972, hàng hóa cơ bản được giải tỏa, cán bộ, đội viên thanh niên xung phong Ðại đội 915 chuẩn bị ăn cơm tối thì nhiều tốp máy bay Mỹ ào ạt trút bom xuống ga Lưu Xá làm rực sáng cả khu vực. Mặc dù cán bộ, đội viên của đại đội đã kịp vào hầm trú ẩn, nhưng máy bay Mỹ ném bom trúng làm 60 thanh niên xung phong và hai thủ kho thuộc Ty Lương thực Bắc Thái hy sinh tại chỗ, trong đó có nhiều người tuổi đời chỉ 18 đến 20, chưa lập gia đình.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng đợt ném bom tàn khốc, đau thương và đẫm máu vẫn hằn sâu trong tâm trí bà Lương Thị Hội, cựu thanh niên xung phong Ðại đội 915, hiện đang sinh sống tại xóm Ðồng Ngõ, xã Bản Ngoại, huyện Ðại Từ. Bà Hội ngậm ngùi: Sau đợt bom kinh hoàng ấy, hầm bị sập, mấy chục thi thể dồn lại do ngạt thở, một số đội viên hy sinh trong tư thế người nọ ôm người kia; một số đội viên văng ra khỏi hầm, thi thể không còn nguyên vẹn, phải khó khăn lắm chúng tôi mới xác định được danh tính đồng đội. Sáng 25/12/1972, thi thể các anh chị em thanh niên xung phong được chuyển về cánh đồng gần Nghĩa trang Dốc Lim bây giờ để lau rửa, thay quần áo, khâm liệm, chôn cất, đánh số, vẽ sơ đồ từng ngôi mộ. Không ai cầm được nước mắt, các anh, các chị còn quá trẻ, đau thương, mất mát quá lớn.

Thái Nguyên là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, được Trung ương Ðảng và Bác Hồ chọn là ATK trong kháng chiến chống thực dân Pháp, là nơi ra đời của lực lượng thanh niên xung phong đầu năm 1950, là một trong những địa phương chi viện nhiều sức người, của cải và hy sinh lớn cho sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước; trong đó, 60 thanh niên xung phong Ðại đội 915, Ðội 91 Bắc Thái tại ga Lưu Xá đã trở thành tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trân trọng những cống hiến, hy sinh đó, Ðại đội 915 được Ðảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Khu di tích thanh niên xung phong Ðại đội 915 được xếp hạng cấp quốc gia. Năm 2018, Ðảng bộ, chính quyền cùng nhân dân hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên đã tu bổ, tôn tạo Khu di tích quốc gia thanh niên xung phong Ðại đội 915 khang trang, sạch đẹp, xứng tầm để tri ân 60 liệt sĩ thanh niên xung phong.

Theo Phó Bí thư Tỉnh đoàn Thái Nguyên, Phạm Thị Thu Hiền, noi gương tinh thần yêu nước nồng nàn, anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của 60 liệt sĩ thanh niên xung phong, những năm qua, tuổi trẻ tỉnh Thái Nguyên đã tích cực phát huy truyền thống cách mạng bằng những chương trình, hoạt động, việc làm thiết thực trong học tập, nghiên cứu, lao động, tình nguyện vì cộng đồng để xứng đáng với cống hiến, hy sinh của lớp lớp cha anh.

Ðồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Ðảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: Ngày nay, Khu di tích thanh niên xung phong Ðại đội 915 ở phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên là nơi tri ân của người dân cả nước đối với 60 liệt sĩ Ðại đội 915, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng đối với thế hệ trẻ không chỉ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Phát huy truyền thống cách mạng, tiềm năng, lợi thế, những năm qua, kinh tế-xã hội tỉnh Thái Nguyên phát triển mạnh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 90% GRDP.

Sắp tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tổ chức Kỷ niệm 50 năm Ngày hy sinh của 60 liệt sĩ thanh niên xung phong Ðại đội 915 với nhiều thành quả thiết thực: năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 8,59%, đứng thứ tư toàn quốc về giá trị xuất khẩu và sản xuất công nghiệp; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 18.540 tỷ đồng, vượt gần 4.000 tỷ đồng so với kế hoạch Chính phủ giao; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,49%, toàn tỉnh có 119 trong số 137 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tám xã nông thôn mới nâng cao, bốn xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và bốn đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đang tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nhiều hình thức đầu tư, khẩn trương triển khai công trình, dự án trọng điểm để đẩy mạnh thu hút đầu tư, phấn đấu đến năm 2030 trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.