Sáng nay (7-12), Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, đã được khai mạc để xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền.
Các đại biểu dự phiên khai mạc Kỳ họp. |
Dự Kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Các đồng chí: Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Đức Công, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Mai Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, điều hành Kỳ họp.
Dự phiên khai mạc Kỳ họp có đại diện lãnh đạo Quân khu 1; các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; các đồng chí đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Thái Nguyên; đại diện các sở, ngành, đơn vị, địa phương của tỉnh.
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc Kỳ họp. |
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Hoàng Sơn đã nêu bật những kết quả đạt được trong năm 2022 của tỉnh, đồng thời chỉ ra những khó khăn, thách thức Thái Nguyên gặp phải trong 2 năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Từ đó xây dựng các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trong năm 2023 và những năm tiếp theo…
Với phương châm giảm thời gian nghe đọc các báo cáo, tờ trình tại hội trường, dành thời gian thảo luận, giải trình, chất vấn và trả lời chất vấn, tại Kỳ họp lần này, chỉ có 16/47 nội dung được báo cáo, trình bày tại hội trường. Các nội dung còn lại được các đại biểu HĐND tỉnh tự nghiên cứu.
Quang cảnh phiên khai mạc Kỳ họp. |
Theo báo cáo của UBND tỉnh trình tại Kỳ họp về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2022, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023 của tỉnh: Năm 2022, trong điều kiện tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình KT-XH của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, các chỉ tiêu đều được hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân ổn định…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ ra một số hạn chế trong phát triển KT-XH của tỉnh năm 2022, như: Tăng trưởng và quy mô kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài qua hoạt động xuất nhập khẩu, kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng chưa lớn. Quy mô sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ, năng suất lao động thấp. Tăng trưởng về dịch vụ vẫn phụ thuộc vào khu vực dịch vụ công và hoạt động thương mại… Từ thực tế đó, nhiều giải pháp đã được UBND tỉnh đưa ra trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự Kỳ họp. |
Về một số chỉ tiêu chủ yếu của tỉnh trong năm 2023 được đưa ra là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 8,5%. Cơ cấu kinh tế với tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 59,4%; dịch vụ và thuế, trợ cấp sản phẩm 30,5%; nông, lâm nghiệp, thuỷ sản 10,1%. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 9,5%. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,5%. Giá trị xuất khẩu tăng 9%, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 10% so với thực hiện năm 2022. GRDP bình quân đầu người đạt 115 triệu đồng/năm. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 20.000 tỷ đồng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 36%. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2023 là 11 xã. Ổn định tỷ lệ che phủ rừng từ 46% trở lên. Tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96,5%...
Phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc Kỳ họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải đề nghị: Trong thời gian tới, HĐND tỉnh tiếp tục quan tâm, có những đổi mới, nâng cao chất lượng các kỳ họp theo hướng thiết thực, hiệu quả, trong đó coi trọng chất lượng ban hành các nghị quyết, bảo đảm trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo đúng các quy định. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chất vấn theo thẩm quyền đối với việc triển khai thực hiện các nghị quyết được HĐND tỉnh ban hành.
Ngay sau Kỳ họp cần kịp thời tổ chức tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả Kỳ họp với cử tri và nhân dân. Qua đó tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh trong năm 2023 và những năm tiếp theo...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin