Người nặng lòng với quê hương

Nguyễn Chi (Phú Bình) 10:20, 06/12/2022

Từng gắn bó với công việc chăn trâu, nuôi bò từ nhỏ nên ông hiểu rất rõ giá trị “cơ nghiệp” của người nông dân, nhất là đối với các hộ nghèo. Chính vì thế, ông muốn tri ân quê cha, đất mẹ bằng việc xây dựng “Quỹ bò nái Xuân Dịp” để hỗ trợ nhiều người quê mình thoát nghèo. Ông là Tạ Văn Dịp, 69 tuổi, Giám đốc Công ty CP Thái Phong (Hà Nội), người con quê hương xã Nga My (Phú Bình).

Ông Tạ Văn Dịp (thứ 3 từ bên phải) trao tiền hỗ trợ xã Nga My làm đường giao thông.
Ông Tạ Văn Dịp (thứ 3 từ bên phải) trao tiền hỗ trợ xã Nga My làm đường giao thông.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nga My trong một gia đình nghèo khó, ông Dịp trưởng thành và lập nghiệp tại Hà Nội. Là người luôn nặng lòng với quê hương nên tháng 12-2017, ông Dịp hỗ trợ huyện Phú Bình 450 triệu đồng để giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế. Theo nguyện vọng của ông, với số tiền này, huyện đã hỗ trợ 45 hộ nghèo tại các xã: Nga My, Tân Thành, Đào Xá, Bảo Lý mua bò nái.

Để nguồn hỗ trợ phát huy hiệu quả, huyện đã thành lập Ban điều hành và đặt tên là “Quỹ bò nái Xuân Dịp”, giao Hội Nông dân huyện là cơ quan thường trực quản lý Quỹ. Các xã được hưởng “Quỹ bò nái Xuân Dịp” đã thành lập Ban thực thi để trực tiếp quản lý theo dõi đàn bò.

Theo quy chế của Ban điều hành, khi bò nái sinh bê con, sau 8 tháng nuôi sẽ bàn giao bê con cho hộ nghèo khác (nếu là bê cái), hoặc sẽ bán thanh lý (nếu là bê đực) để lấy tiền mua bê cái và tiếp tục bàn giao.

Với hình thức quản lý như vậy, từ đầu năm 2018 đến tháng 6-2022, đàn bò của “Quỹ bò nái Xuân Dịp” đã tăng từ 45 con lên 85 con, với 86 hộ nghèo được hỗ trợ, qua đó giúp 26 hộ thoát nghèo.

Bà Nguyễn Thị Hòa, xóm Dinh, xã Nga My - một trong những hộ thoát nghèo từ nguồn quỹ, chia sẻ: Do sức khỏe yếu, cộng thêm chồng bị bệnh nên tôi không đi làm thuê được mà chỉ loanh quanh trông vào 3 sào ruộng khiến nhiều năm gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo. Năm 2018, nhà tôi may mắn được nhận nuôi 1 con bò nái của “Quỹ nái bò Xuân Dịp”. Tôi đã trồng một sào cỏ, dành đất để trồng 2 sào ngô (mỗi năm 2 vụ) để làm thức ăn cho bò. Bò của nhà tôi nhanh lớn, đẻ mỗi năm một lứa, đến nay đã đẻ được 4 bê con. Từ khi có bò, tôi đã trả được nợ ngân hàng, cuộc sống cũng bớt khó khăn hơn và đã thoát nghèo năm 2021.

Trước hiệu quả của Quỹ bò nái, tháng 6-2022, ông Dịp tiếp tục hỗ trợ huyện Phú Bình 225 triệu đồng để mua 15 con bò nái hỗ trợ cho các hộ nghèo. Ngay khi tiếp nhận nguồn quỹ bổ sung, Hội Nông dân huyện đã mua bò và bàn giao cho 15 hội viên nông dân nghèo xã Tân Khánh, nâng tổng số bò của “Quỹ bò nái Xuân Dịp” lên 100 con.

Để triển khai Quỹ hiệu quả, Ban điều hành cấp huyện và Ban thực thi cấp xã đã lựa chọn đúng đối tượng được hỗ trợ, tổ chức tập huấn đầy đủ về kỹ thuật chăm sóc bò nái, nuôi bê con. Ông Cù Đức Việt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành, cho biết: Khi lựa chọn các hộ được nhận bò từ Quỹ, chúng tôi ưu tiên các hộ nghèo có kinh nghiệm chăn nuôi, có lao động để chăm sóc bò.

Cũng theo các hộ được thụ hưởng chương trình, khi nhận bò nái, họ không chỉ tận dụng được sức kéo phục vụ sản xuất, tận dụng những phụ phẩm nông nghiệp để chăn nuôi bò, mà mỗi con bê ra đời được coi như “của để dành” đối với hộ nghèo.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Nga My, cho biết: Không chỉ hỗ trợ các hộ nghèo phát triển kinh tế, những năm qua ông Dịp còn có nhiều việc làm ý nghĩa góp phần xây dựng nông thôn mới và công tác an sinh xã hội tại địa phương. Theo đó, năm 2019, khi địa phương về đích nông thôn mới, ông Dịp đã hỗ trợ xã 200 triệu đồng để làm tuyến đường trục xã. Trước đó, năm 2017, ông hỗ trợ 100 triệu đồng làm tuyến đường vào Khu di tích đình chùa An Châu. Liên tục từ năm 2016 đến nay, năm nào ông cũng dành tặng 50 suất quà (mỗi suất 300 nghìn đồng) vào dịp Tết Nguyên đán để dành tặng các hộ nghèo. Riêng năm 2021, ông hỗ trợ 50 triệu đồng để tặng quà Tết cho người dân quê hương… Sự hỗ trợ của ông Dịp mang rất nhiều ý nghĩa cho địa phương, góp phần giúp diện mạo nông thôn mới của xã ngày càng khởi sắc, đời sống của nhiều hộ dân được cải thiện đáng kể.

Tấm lòng của ông Tạ Văn Dịp với mảnh đất quê hương còn nhiều khó khăn là rất đáng trân trọng, cảm phục. Ông Dịp mộc mạc chia sẻ: Khi bươn trải với cuộc sống, tôi luôn nhớ tới nơi tôi sinh ra. Bởi nơi đó đã nuôi tôi lớn khôn, cho tôi sức mạnh để vươn lên…