Giờ đây, những ngày miền Bắc anh dũng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ và bao nỗ lực của quân, dân ta để làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của nhiều người dân Thái Nguyên. Mỗi khi được nghe các bác, các cô tường thuật lại chiến thắng vẻ vang ấy, chúng tôi vô cùng hạnh phúc khi được hòa mình trong niềm vui của những người đã từng sống, chiến đấu và làm việc trong “những ngày hoa lửa”.
Lực lượng phòng không bảo vệ Thủ đô Hà Nội trực chiến trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972. (Ảnh tư liệu) |
Là địa bàn nằm giáp ranh với Hà Nội, khi ấy Thái Nguyên đã “chia lửa” cùng Thủ đô Anh hùng, tạo thêm sức mạnh đánh tan quân thù.
Bà Nguyễn Thị Lan, 85 tuổi, ở tổ 8, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên) cho biết: Dù 50 năm đã trôi qua nhưng tôi vẫn rất nhớ những trận bom Mỹ “rải xuống” Thái Nguyên, đặc biệt là trận ném bom, bắn phá các khu cân cư ở Chùa Hang (Đồng Hỷ). Khi ấy, tiếng máy bay “gầm gừ” trên bầu trời, tiếng tên lửa “gào rít” khiến cho nhiều ngôi nhà ở phường Hoàng Văn Thụ như rung lên theo từng tiếng nổ lớn. Bom đạn ác liệt là vậy, nhưng quân và dân Thái Nguyên vẫn anh dũng chiến đấu với quân thù.
Tìm hiểu qua các tài liệu lịch sử, chúng tôi được biết, cùng với Hà Nội, Hải Phòng…, những ngày cuối tháng 12-1972, Thái Nguyên liên tiếp phải hứng chịu những trận bom Mỹ. Đêm 18 và ngày 19-12, giặc Mỹ cho máy bay F111 và F4 bắn tên lửa xuống các xã Đoàn Kết (Đại Từ), Hợp Thành (nay là xã Vạn Phái, TP. Phổ Yên). Từ 4 giờ 30 phút sáng ngày 20 đến 1 giờ ngày 21-12, 10 tốp B-52 và nhiều máy bay cường kích chiến thuật ném bom hủy diệt hơn 10 điểm ở khu vực phía Bắc TP. Thái Nguyên. Trưa ngày 23-12, máy bay Mỹ tiếp tục ném bom, bắn phá các khu vực dân cư Chùa Hang và Chiến Thắng (Đồng Hỷ).
Tối 24-12, Sở chỉ huy Trung đoàn 256 nhận được báo cáo từ các trạm trinh sát ở đèo Khế và núi Pháo (Đại Từ) “có máy bay B-52 từ các hướng Tây, Tây Bắc bay vào TP. Thái Nguyên theo trục đường 13A”. Đến tối 25-12, 34 lần/chiếc B-52 và gần 40 lần/chiếc máy bay chiến thuật ném hơn 700 quả bom các loại xuống khu Nam TP. Thái Nguyên. Thảm bom B-52 kéo thành 3 vệt dài: Một vệt từ Bệnh viện Điều dưỡng đến HTX cơ khí Hồng Hà, một vệt từ xóm Cầu Thông (xã Tích Lương) qua Xí nghiệp Cơ khí 19-5 đến Nhà máy Cán thép Gia Sàng, một vệt từ Trường Đại học Cơ điện qua ga Lưu Xá đến Xưởng Gang (Khu Gang thép Thái Nguyên). Trưa ngày 26-12, nhiều tốp máy bay F4 và F111 của địch tiếp tục bay vào ném bom, đánh phá khu vực Chùa Hang (Đồng Hỷ)… Trong các ngày 27, 28 và 29-12, giặc Mỹ tiếp tục huy động các loại máy bay chiến thuật và “pháo đài bay” B-52 đánh phá Thái Nguyên.
“Chia lửa” với Thủ đô Hà Nội, quân và dân Thái Nguyên đã nổ súng đánh trả kịp thời và quyết liệt những cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của giặc Mỹ. Trong những ngày chiến đấu ngoan cường ấy, chiến công đáng nhớ nhất là vào ngày 24-12, quân và dân Thái Nguyên đã bắn rơi 5 máy bay: 1 chiếc B-52, 2 chiếc F4, 2 chiếc A7. Trong đó, bắn rơi “pháo đài bay” B-52 vào đêm 24-12 là chiến công đầu của quân và dân Thái Nguyên.
Khu di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, anh dũng hy sinh tại ga Lưu Xá đêm 24/12/1972. (Ảnh: T.L) |
Cũng vào những ngày khói lửa cuối năm 1972, một sự kiện bi tráng đã diễn ra ở TP. Thái Nguyên, nơi có Khu công nghiệp Gang thép - một trong những trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ: 60 cán bộ, đội viên thanh niên xung phong Đại đội 915 (thuộc Đội 91 Bắc Thái) đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ giải tỏa hàng quân sự ở ga Lưu Xá. Nén đau thương, những người còn lại vẫn kiên trì bám trụ, kịp thời giải tỏa, vận chuyển hết số lương thực, hàng quân sự còn tồn đọng ở ga Lưu Xá và ga Quán Triều đến nơi an toàn. Trong số 19.923 tấn lương thực, hàng quân sự được giải tỏa ở ga Lưu Xá và ga Quán Triều chỉ có 40 tấn bị phá hủy, 25 tấn bị kém phẩm chất, tỷ lệ hư hao, mất mát chỉ xấp xỉ 0,34%. Đây là đóng góp rất to lớn của quân và dân Thái Nguyên, góp phần đánh bại âm mưu phong tỏa miền Bắc của đế quốc Mỹ trên mặt trận giao thông vận tải.
Ngoài ra, trong những ngày chiến đấu oanh liệt ấy, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ và người dân Thái Nguyên đã tham gia củng cố các trận địa cũ, làm thêm những trận địa mới và sửa chữa đường cho xe, pháo phòng không sẵn sàng cơ động đánh địch. Đồng thời, tham gia đào đắp, xây dựng lại trận địa pháo ở Túc Duyên, sửa đường đưa pháo vào trận địa…
Sử sách còn ghi: 7 giờ 30 phút ngày 30/12/1972, Tổng thống Mỹ đã phải ra lệnh ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra. Cuộc tập kích chiến lược bằng không quân trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 của đế quốc Mỹ thất bại thảm hại. Trong thắng lợi to lớn ấy của ta, quân và dân Thái Nguyên đã không quản ngại hy sinh, dũng cảm chiến đấu bảo vệ các mục tiêu quan trọng (cầu, đường, nhà máy, nhà ga, kho tàng, hàng hóa…), vừa giúp bảo toàn lực lượng và cơ sở vật chất, vừa góp phần xứng đáng, bắn rơi 2 “pháo đài bay” B-52 của giặc Mỹ, “chia lửa” với Hà Nội, cùng với quân, dân Thủ đô và thành phố cảng Hải Phòng làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” oai hùng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin