Trong quá trình đàm phán để đi đến ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, chúng ta đã nhận được sự ủng hộ, cổ vũ, giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế. Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris, bạn bè quốc tế đã ôn lại kỷ niệm về quá trình đàm phán và trao đổi về bản hiệp định lịch sử - chiến thắng chung của nhân dân yêu chuộng hòa bình.
|
Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam (27/1/1973-27/1/2023). |
BÀ NGUYỄN PHƯƠNG NGA, CHỦ TỊCH LIÊN HIỆP CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ VIỆT NAM:
Chung tay thúc đẩy phong trào hòa bình trên thế giới
Tôi rất tự hào khi nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức thành công cuộc gặp gỡ với các nhân chứng lịch sử của Hội nghị Paris. Đây là dịp để ôn lại những ký ức lịch sử về một giai đoạn hào hùng của đất nước, kỷ niệm chiến công oanh liệt của nhân dân ta vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước, sống lại bầu không khí hào hùng và cảm động của tình đoàn kết quốc tế, của phong trào nhân dân thế giới xuống đường phản đối chiến tranh, ủng hộ Việt Nam. Đây cũng là dịp để chúng ta tri ân những cống hiến, hy sinh của biết bao thế hệ quân và dân ta vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước, cũng như tri ân những người bạn quốc tế đã ủng hộ Việt Nam, hết lòng vì Việt Nam, cùng đấu tranh cho lý tưởng chung là hòa bình, độc lập, tự do, quyền tự quyết của các dân tộc.
Ôn lại những kỷ niệm này cũng là để chúng ta nhận thức sâu sắc hơn giá trị của hòa bình và trách nhiệm của mỗi người, nhất là thế hệ trẻ, trong việc nỗ lực chung tay cùng bạn bè quốc tế thúc đẩy hòa bình, công bằng, tiến bộ xã hội. Nhờ đó, các thế hệ hôm nay và mai sau sẽ không phải chịu đựng những đau khổ do chiến tranh gây ra, không phải trải qua những đau thương, mất mát mà dân tộc Việt Nam đã trải qua và tất cả cùng phấn đấu vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Tôi rất xúc động trước việc đông đảo bạn bè quốc tế đã xuống đường diễu hành ủng hộ Việt Nam, vận động các chính phủ để tạo áp lực chấm dứt chiến tranh, thúc đẩy đi đến ký kết Hiệp định Paris và sau đó là thi hành Hiệp định, cũng như ủng hộ nhân dân ta xây dựng, tái thiết đất nước. 50 năm đã trôi qua nhưng các bạn bè quốc tế vẫn giữ nguyên bầu nhiệt huyết như vậy, vẫn sẵn sàng huy động tinh thần đoàn kết quốc tế ủng hộ Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước. Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để đóng góp thúc đẩy phong trào hòa bình trên thế giới, giúp giải quyết những thách thức chung mà thế giới đang phải đối mặt.
-------------------------------------------------
|
ÔNG RENATO DARSIE (R.ĐA-XI-Ê), NGUYÊN CHỦ TỊCH HỘI HỮU NGHỊ ITALIA-VIỆT NAM VÙNG VENETO:
Việt Nam đã làm được nhiều điều kỳ diệu
Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam, tôi cũng như rất nhiều người dân Italia đã tham gia các phong trào phản đối chiến tranh tại Việt Nam như phong trào của sinh viên, công nhân, của hội đoàn. Chúng tôi ủng hộ Việt Nam bằng nhiều hình thức như biểu tình phản đối chiến tranh, tổ chức hội thảo, gây quỹ đoàn kết... Tại cảng Venezia, nơi có nhiều tàu lớn ra vào, những người ủng hộ đã treo cờ Việt Nam trên các con thuyền nhỏ đi lại khắp nơi trên cảng. Chúng tôi kêu gọi ủng hộ Việt Nam và con tàu chở nhu yếu phẩm do người dân đóng góp đã cập bến Việt Nam. Nhiều người dân Italia sẵn sàng quyên góp, thậm chí hiến máu dành ủng hộ nhân dân Việt Nam. Phong trào ủng hộ Việt Nam không chỉ lan rộng ở Italia mà lan rộng khắp châu Âu và thế giới. Khi Hiệp định Paris được ký kết, chúng tôi đã tổ chức hoạt động chúc mừng ngay trong đêm.
Tôi rất vui mừng khi chứng kiến Việt Nam ngày càng phát triển. Việt Nam đã làm được nhiều điều kỳ diệu. Sau khi chiến tranh kết thúc, mặc dù gặp vô vàn khó khăn nhưng Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ để phát triển kinh tế-xã hội, đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Quan hệ Việt Nam-Italia đang ngày càng phát triển. Năm nay, hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước chúng ta, khi Việt Nam và Italia có thể nhìn lại những thành tựu đã đạt được trong nửa thế kỷ qua và cùng nhau xây dựng quan hệ hợp tác ngày càng tốt đẹp hơn.
-------------------------------------------------
|
BÀ HELENE LUC (H.LUÝCH), CHỦ TỊCH DANH DỰ HỘI HỮU NGHỊ PHÁP-VIỆT:
Nhân dân Pháp ủng hộ đấu tranh cho hòa bình
50 năm đã trôi qua kể từ ngày ký Hiệp định Paris nhưng niềm vui và tình cảm yêu quý mà tôi dành cho Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn. Tôi rất xúc động khi nhớ lại quãng thời gian diễn ra đàm phán ở Paris. Lúc đó, giá phòng khách sạn rất đắt nên Đảng Cộng sản Pháp đứng ra thu xếp, bố trí chỗ ở cho đoàn đàm phán Việt Nam tại trường Đảng ở thành phố Choisy-le-Roi. Thị trưởng thành phố Choisy-le-Roi cùng Phó Thị trưởng lúc đó, là chồng tôi, đã trực tiếp đón đoàn đàm phán của Việt Nam. Khi đoàn đàm phán của Việt Nam đến, chúng tôi đã dành cho đoàn những tình cảm hữu nghị và đoàn kết. Chúng tôi huy động rất nhiều người đến hỗ trợ và tổ chức nhiều cuộc biểu tình để chứng minh rằng đoàn đại biểu của Việt Nam nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, trong đó có sự ủng hộ của rất đông sinh viên và cả các chính khách Pháp.
Khi đó, Tướng Charles de Gaulle (Sác-lơ đờ Gôn) rất ủng hộ Việt Nam. Ban đầu, có ý kiến đề xuất nên chọn Vienna hoặc Geneva làm nơi đàm phán, nhưng Tướng Charles de Gaulle nói rằng, đàm phán phải diễn ra ở Paris bởi vì sẽ có sự ủng hộ lớn hơn dành cho đoàn Việt Nam. Nhân dân Pháp từ lâu đã ủng hộ đấu tranh cho hòa bình tại Việt Nam. Trước tháp Eiffel, chúng tôi đã tổ chức một cuộc diễu hành lớn vào tháng 5/1968. Đó là cuộc diễu hành của những người ủng hộ Việt Nam. Tại Choisy-le-Roi, chúng tôi huy động 80 tình nguyện viên để giúp đỡ đoàn đàm phán của Việt Nam, để đoàn không gặp khó khăn gì về điều kiện sinh hoạt, làm việc và nhất là để bảo đảm an ninh cho đoàn. Chúng tôi tổ chức các hoạt động xin chữ ký ủng hộ đoàn. Các thành viên đoàn đàm phán Việt Nam đã phải rời gia đình đến Paris trong nhiều năm, trong khi người thân của họ vẫn đang ở Việt Nam. Trong thời gian đó, chúng tôi đã tổ chức Tết, đưa con em của chúng tôi đến chơi với các thành viên đoàn đàm phán tại Choisy-le-Roi.
-------------------------------------------------
|
ÔNG RABIN DEB (R.ĐÉP), THÀNH VIÊN TỔ CHỨC HÒA BÌNH VÀ ĐOÀN KẾT TOÀN ẤN ĐỘ:
Những kỷ niệm không thể lãng quên
Những năm tháng nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phong trào ủng hộ Việt Nam chống đế quốc Mỹ, xâm lược diễn ra mạnh mẽ trên toàn Ấn Độ. Nhiều hoạt động đoàn kết được tổ chức để khẳng định cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Các khẩu hiệu ủng hộ Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh được hô vang trên các đường phố Ấn Độ. Cũng như nhiều người dân Ấn Độ, tôi đã tham gia nhiều hoạt động đoàn kết với Việt Nam, phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Đối với tôi, đó là những kỷ niệm không thể nào quên.
Sự kiên cường của Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc không chỉ lan tỏa tại Ấn Độ mà cả các nước Đông Dương và trên khắp thế giới, tạo ra sự hợp lực, gắn kết của các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới. Phong trào ủng hộ Việt Nam, phản đối chiến tranh diễn ra rất mạnh mẽ. Có thể nói, cả thế giới đã dõi theo những bước đi của Việt Nam, một quốc gia nhỏ bé song rất kiên cường chống lại đế quốc hùng mạnh bậc nhất thế giới. Chúng tôi, những người ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của Việt Nam, rất vui mừng khi Hiệp định Paris cuối cùng được ký kết vào ngày 27/1/1973. Việc ký kết Hiệp định Paris là một biểu tượng của hòa bình, không chỉ của Việt Nam mà cả nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Tôi vinh dự được chứng kiến một chặng đường dài mà Việt Nam đã trải qua, qua đó cũng thấy rõ tình đoàn kết mà bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam không hề thay đổi. Tất cả tình cảm đó vẫn vẹn nguyên như 50 năm về trước, khi mà các phong trào đoàn kết với Việt Nam cùng những tiếng hô vang “Việt Nam, Việt Nam” lan tỏa trên toàn Ấn Độ cũng như tại các quốc gia khác trên thế giới.
|
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin