Tháng 4 ở Sư đoàn 325 Anh hùng

Theo NDĐT 09:53, 30/04/2024

Những ngày giữa tháng 4, mặc dù thời tiết đầu hè nắng nóng, nhưng cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 325 (Quân đoàn 12) vẫn sôi nổi thực hiện đợt thi đua cao điểm với chủ đề: “Tiếp bước Chiến sĩ Điện Biên-Tiến lên giành 3 nhất” trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ; lập thành tích chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân đoàn 12 tham quan sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tiêu biểu phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Sư đoàn 325 năm 2024. (Ảnh PHẠM THỊNH)
Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân đoàn 12 tham quan sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tiêu biểu phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Sư đoàn 325 năm 2024. (Ảnh PHẠM THỊNH)

Sư đoàn Bộ binh 325 được thành lập trên chiến trường Bình Trị Thiên là một trong những đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam và Ngày truyền thống của Sư đoàn gắn liền với chiến thắng Thanh Hương-Mỹ Xuyên (11/3/1951).

Tự hào truyền thống đơn vị anh hùng

Đại tá Phạm Hồng Doanh, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 325 cho biết: Lớp cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn hôm nay luôn tự hào về truyền thống đánh giặc của lớp cha anh đi trước. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Sư đoàn đã tham gia hơn 400 trận đánh lớn, nhỏ, tiêu biểu như các trận đánh: Xuân Bồ, Khe Sanh, Ba Đồn, Cam Lộ; Sư đoàn lập nhiều chiến công xuất sắc trong Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Với thành tích nêu trên, Sư đoàn được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Cờ “Quyết chiến, Quyết thắng”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sư đoàn tham gia hơn 2.000 trận đánh lớn, nhỏ, tiêu biểu như: Trận đánh quân Mỹ đổ bộ xuống thung lũng IaĐrăng; chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Mùa xuân năm 1975, Sư đoàn vinh dự tham gia trận đánh then chốt vào Buôn Ma Thuột - mở màn trong Chiến dịch Tây Nguyên, làm thay đổi cục diện chiến trường.

Trong chiến dịch Huế-Đà Nẵng, Sư đoàn tiến công tiêu diệt nhiều mục tiêu quan trọng của địch ở tây nam Huế, dũng mãnh thọc sâu đánh vào nội thành, cắm cờ chiến thắng lên đỉnh Phu Văn Lâu ngày 25/3/1975. Trên đà thắng lợi, Sư đoàn tiến công đập tan tuyến phòng thủ của địch ở phía bắc đèo Hải Vân, cùng các đơn vị bạn giải phóng Đà Nẵng, làm chủ bán đảo Sơn Trà...

Thừa thắng xốc tới, trong đội hình Quân đoàn 2, Sư đoàn 325 tham gia cuộc tiến công thần tốc dọc duyên hải miền trung, thực hiện phương châm “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”. Với khí thế “một ngày bằng 20 năm”, chỉ trong 18 ngày, Sư đoàn đã vượt qua 11 tỉnh, 18 thị xã, thị trấn suốt dọc chiều dài duyên hải Nam Trung Bộ; tiến công tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng lực lượng thuộc Quân đoàn 3 và Quân khu 3 ngụy, đập tan “cánh cửa thép” của địch ở Phan Rang, tiến vào Xuân Lộc; kịp thời có mặt ở vị trí tập kết trước cửa ngõ đông nam Sài Gòn.

Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Sư đoàn tiến công đánh chiếm Long Thành, Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ, vượt sông Đồng Nai đánh chiếm Cát Lái, Tân Cảng, Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy, giải phóng Quận 4, Quận 9; một bộ phận của Sư đoàn trong đội hình thọc sâu của Quân đoàn 2 tiến công đánh chiếm Dinh Độc Lập, góp phần giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Những năm cuối thập niên 70 và thập niên 80, Sư đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới ở hai đầu đất nước và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Lào, Campuchia.

Với những chiến công, thành tích xuất sắc nêu trên, Sư đoàn, bốn trung đoàn, năm tiểu đoàn, ba đại đội, một tiểu đội và 12 cá nhân đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; hàng trăm tập thể, hàng nghìn cá nhân được tặng thưởng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công...

Thiếu tá Nguyễn Văn Tuấn, Chính trị viên Tiểu đoàn 16, cho biết: Để nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lãnh đạo, chỉ huy Tiểu đoàn xác định cán bộ là khâu then chốt, quyết định trực tiếp đến chất lượng huấn luyện.

 

Do vậy hằng năm, trước khi bước vào huấn luyện, đơn vị đều tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ các cấp; coi trọng bồi dưỡng tiểu, khẩu đội trưởng; đẩy mạnh phong trào thi đua: “Rèn cán để luyện binh, huấn luyện giỏi thời bình để đánh giặc thời chiến”; bám sát phương châm huấn luyện, vận dụng tốt “3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát tình huống, phương án chiến đấu.

Vừa cùng đồng đội luyện tập phương án sẵn sàng chiến đấu, mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt, Binh nhất Phạm Tiến Thoại, chiến sĩ Khẩu đội 2, Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 16, chia sẻ: Tôi cũng như cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn tự hào về trận đánh quyết liệt giữa lực lượng cao xạ của Sư đoàn 325 với không quân Mỹ vào ngày 18/11/1964 ở miền tây Quảng Bình.

Trong đó, Đại đội 3 pháo phòng không 37 mm, Tiểu đoàn 14 Pháo cao xạ (nay là Tiểu đoàn súng máy phòng không 16) của Sư đoàn, dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Lê Hữu Mai và Chính trị viên Nguyễn Viết Xuân đã lập công xuất sắc. Giữa bom đạn ác liệt, tiếng hô của Chính trị viên Nguyễn Viết Xuân: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần quyết đánh, quyết thắng của toàn đơn vị.

Trong trận chiến đấu này, Tiểu đoàn 14 đã bắn rơi ba máy bay phản lực Mỹ; Đại đội 3 được Bác Hồ khen ngợi là đơn vị “Gương mẫu nhất”; Liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân và Tiểu đoàn 14 pháo cao xạ của Sư đoàn vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Bởi vậy, khi được về đơn vị công tác, tôi rất tự hào được làm người chiến sĩ của đơn vị anh hùng, luôn nỗ lực phấn đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Huấn luyện sát thực tế

Có mặt tại bãi tập ở điểm cao 19, đúng lúc các chiến sĩ mới Trung đội 11, Đại đội 8, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 101 đang chăm chú theo dõi cán bộ huấn luyện chiến thuật Đề mục 6: từng người trong chiến đấu tiến công và thực hành đánh chiếm ụ súng có nắp, không có nắp. Đến giờ ôn luyện, các chiến sĩ mới tự giác thay nhau luyện tập động tác chiến thuật cá nhân như đã được hướng dẫn và đội mẫu thực hiện. Buổi học chiến thuật của bộ đội diễn ra sôi nổi, hào hứng.

Theo sát chỉ đạo, động viên bộ đội luyện tập, Trung tá Nguyễn Văn Dương, Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn 101 cho biết: Để huấn luyện đạt kết quả tốt, Trung đoàn đã quán triệt, chấp hành nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về công tác huấn luyện; làm tốt công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, mô hình, học cụ, thao trường, bãi tập; chú trọng tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ các cấp; tổ chức huấn luyện theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”.

 

Trung đoàn thực hiện “3 thực chất”: Huấn luyện thực chất; ôn luyện thực chất; kiểm tra đánh giá kết quả thực chất; coi trọng tổ chức hội thao sau từng nội dung, khoa mục huấn luyện; kịp thời biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích huấn luyện tốt. Trong huấn luyện chiến thuật, giáo viên truyền đạt kiến thức cơ bản kết hợp lấy thí dụ chiến lệ một trận đánh tiêu biểu, cụ thể trong các cuộc kháng chiến; phổ biến kinh nghiệm trong chiến đấu của lớp cha anh đi trước để bộ đội nghiên cứu, vận dụng.

Cùng với đó, Trung đoàn còn chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác cổ động trên thao trường như: đọc sách, báo, đàn, hát, các trò chơi quân sự trong giờ nghỉ giải lao…, tạo không khí sôi nổi hào hứng trong huấn luyện.

Tranh thủ phút nghỉ giải lao, trao đổi với Binh nhì Nguyễn Văn Trường, chiến sĩ Tiểu đội 8, Trung đội 11, Đại đội 8 tâm sự: Là chiến sĩ mới nhập ngũ tháng 2/2024, ngày đầu huấn luyện bắn súng, ném lựu đạn, học chiến thuật, kỹ thuật chiến đấu bộ binh, tôi cũng như các chiến sĩ trong đơn vị rất bỡ ngỡ, nhưng được cán bộ các cấp hướng dẫn, chỉ bảo tận tình nên chúng tôi đã nhanh chóng làm quen và thực hiện đúng yếu lĩnh, động tác. Chúng tôi xác định, sẽ nỗ lực cố gắng huấn luyện, rèn luyện thật tốt để xứng đáng là chiến sĩ của đơn vị anh hùng.

Đánh giá về kết quả công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị thời gian qua, Đại tá Nguyễn Hải Ngư, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 325 khái quát: Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn đã tiến hành đồng bộ nhiều nội dung, biện pháp nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Sư đoàn làm tốt công tác giáo dục, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ và thực hiện đúng chỉ lệnh, mệnh lệnh, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên về công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; trọng tâm là Nghị quyết số 1659 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo. Công tác chuẩn bị, bảo đảm huấn luyện chu đáo, đồng bộ, kịp thời, sát, đúng với từng đối tượng. Duy trì nghiêm chế độ, nền nếp huấn luyện, luyện tập sẵn sàng chiến đấu, đột phá nâng cao chất lượng bồi dưỡng cán bộ…

Do vậy, nhiều năm liền Sư đoàn 325 luôn là lá cờ đầu trong thực hiện phong trào thi đua quyết thắng, được Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Quân đoàn tặng nhiều Cờ thưởng thi đua; xứng đáng là Sư đoàn chủ lực, cơ động chiến lược, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.