Thăm Dinh Độc Lập

Hoàng Hải - Trường Sơn 15:09, 28/04/2024

Gần nửa thế kỷ đi qua, nhưng dấu mốc về Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 vẫn luôn như ngọn đuốc sáng soi rọi ý chí quyết tâm của mỗi người dân đất Việt. Với chúng tôi, hằng năm, cứ mỗi độ tháng Tư về, trong lòng lại rộn ràng, phấn chấn hơn khi tìm lại những trang tư liệu, trò chuyện với nhân chứng lịch sử… để viết về sự kiện trọng đại ấy. Năm nay, chúng tôi có dịp đến Dinh Độc Lập vào tháng Tư, xem lại thước phim lịch sử và tìm hiểu về di tích đặc biệt này.

Chính diện Dinh Độc Lập.
Chính diện Dinh Độc Lập.

Tái hiện thước phim lịch sử sinh động

Những ngày tháng Tư, Dinh Độc Lập (số 135, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) đón hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu lịch sử. Hòa mình vào dòng người ấy, chúng tôi có một cảm giác rạo rực lạ thường. Vẫn địa danh ấy, cánh cổng, chiếc xe tăng… trước đây được đọc, xem qua những trang sách, thước phim lịch sử từ thời ngồi trên ghế nhà trường nay hiện rõ trước mắt.

Những hình ảnh lịch sử hào hùng, đáng nhớ trong ngày 30-4 cách đây ngót nửa thế kỷ như thước phim quay chậm hiện về. Đúng 10 giờ 45 phút, ngày 30/4/1975, Tiểu đoàn 1 xe tăng do Đại đội 4 dẫn đầu tiếp cận cổng chính Dinh Độc Lập. Xe tăng đi đầu mang số hiệu 843 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy đã húc vào cánh cổng bên trái Dinh Độc Lập. Do đột ngột gặp sức cản lớn nên xe chết máy. Chiếc xe tăng mang số hiệu 390 do Trung úy Vũ Đăng Toàn chỉ huy đã vượt lên, lao vào húc đổ cánh cổng chính cửa Dinh Độc Lập. Sau đó nhiều xe tăng, xe thiết giáp và bộ đội Quân giải phóng tiến vào Dinh, đánh dấu thời khắc trọng đại, toàn thắng của quân ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, lật đổ quân đội Ngụy quyền Sài Gòn, gắn kết non sông thành một dải thống nhất.

Không chỉ được mục sở thị những chứng tích lịch sử hào hùng mà khi đến Dinh Độc Lập chúng ta còn hiểu thêm nhiều câu chuyện, giai thoại về cuộc chiến tranh thống nhất liên quan đến di tích này. Như sự kiện ngày 8/4/1975, chiếc máy bay F5E do Trung úy phi công Nguyễn Thành Trung thả 2 quả bom xuống Dinh Độc Lập, làm hỏng sân đáp máy bay trực thăng và cầu thang trung tâm. Sự kiện đã gây chấn động chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và là một trong những nguyên nhân khiến Tổng thống Hoa Kỳ ra lệnh di tản khẩn cấp những người Mỹ còn lại khỏi Sài Gòn...

Địa chỉ đỏ

Trong số hàng trăm người đến tham quan Khu di tích, ông Tô Đức Thành (sinh năm 1942, ở phường Hoành Bồ, TP. Hạ Long, Quảng Ninh) sau khi chụp tấm ảnh lưu niệm bên chiếc xe tăng số hiệu 390 vẫn luyến lưu, chăm chú ngắm nhìn từng chi tiết biểu tượng đã đi vào lịch sử nước nhà cách đây nửa thế kỷ.

Ông Thành chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi đến Dinh Độc Lập. Ở đây có rất nhiều tư liệu, hiện vật quý về chiến tranh, về cuộc sống, hoạt động của Ngụy quyền Sài Gòn xưa. Tuy nhiên, tôi ấn tượng nhất về hai chiếc xe tăng được trưng bày tại đây. Nó là chứng tích sinh động để mọi người cùng chiêm ngưỡng, cảm phục cũng như tự hào về lịch sử - Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Ngày đó, tôi không tham gia chiến dịch, nhưng bạn bè tôi, không ít người đã ngã xuống trước khi miền Nam được giải phóng. Những gì được nghe, được thấy tại di tích này tôi sẽ kể lại cho con cháu để lớp trẻ thêm yêu và tự hào về Tổ quốc mình.

Đông đảo du khách đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại Dinh Độc Lập.
Đông đảo du khách đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại Dinh Độc Lập.

Còn em Nguyễn Nhật Minh (ở quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) nói: Chiến dịch Hồ Chí Minh, Dinh Độc Lập… chúng em chỉ được học, tìm hiểu trong bộ môn Lịch sử. Đến đây em được tham quan, nghe thuyết minh, xem phim tư liệu em hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc và thích bộ môn học này, trong khi trước đây em rất... sợ. Qua đây em cũng cảm nhận được sự hy sinh lớn lao của thế hệ cha ông...

Đến thăm Di tích đặc biệt này, không chỉ có những người lớn tuổi, học sinh mà rất nhiều thế hệ, đủ mọi lứa tuổi và rất nhiều du khách nước ngoài. Với mỗi người dân Việt Nam, khi đến thăm Di tích không chỉ tìm hiểu lịch sử mà còn hun đúc thêm lòng yêu nước, từ đó có thêm động lực trong lao động, công tác, học tập, cống hiến cho Tổ quốc.

Di tích Quốc gia đặc biệt

Dinh Độc Lập có diện tích xây dựng trên 4.500m2, diện tích sử dụng lên tới 20.000m2. Dinh có ba tầng chính, hai gác lửng, một sân thượng, hai tầng hầm, tầng nền và sân thượng đồng thời là sân bay trực thăng. Đây là công trình kiến trúc có sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc hiện đại và Á Đông, đặc biệt là kiến trúc truyền thống Việt Nam. Phía trước và sau là hai công viên cây xanh, các hồ nước nhân tạo, nhằm điều hòa không khí. Sân trước Dinh Độc Lập là một thảm cỏ hình oval có đường kính 102m, hai bên có rất nhiều cây xanh tạo cảm giác dễ chịu, mát mẻ

Theo dòng lịch sử, từ năm 1868-1871, nơi đây được xây dựng dành cho Thống đốc Nam Kỳ, gọi là Dinh Norodom. Giai đoạn 1945-1975, Dinh được chọn là nơi làm việc của chính quyền Nhật, Pháp tại Việt Nam rồi chính quyền Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu. Thời gian này, Dinh đã bị hư hỏng nặng do trúng bom trong cuộc đảo chính của phi công quân đội Việt Nam cộng hòa, nhưng sau đó được xây dựng lại và hoàn thành năm 1966 với kiến trúc như hiện nay.

Với thiết kế độc đáo, tinh tế, Dinh Độc Lập còn mang nhiều ý nghĩa về kiến trúc, văn hóa. Năm 2009, Dinh Độc Lập được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt của Việt Nam. Ngày nay, Dinh Độc Lập, hay Hội trường Thống Nhất là nơi hội họp của Chính phủ, nơi tổ chức nghi lễ ngoại giao khu vực phía Nam và cũng là một điểm tham quan thu hút du khách.