Chuyện của người lính đào hầm đặt bộc phá đồi A1

Phan Thái 16:41, 29/04/2024

Sau nhiều ngày tìm hiểu về các cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến đấu tại mặt trận Điện Biên Phủ là người Thái Nguyên, tôi may mắn được gặp ông Đào Xuân Tài, ở xóm Thành Long, xã Phúc Lương (Đại Từ). Ông là người trực tiếp cùng đồng đội đào hầm đặt khối bộc phá trên đồi A1.

Ông Đào Xuân Tài tại nhà riêng ở xã Phúc Lương (Đại Từ).
Ông Đào Xuân Tài tại nhà riêng ở xã Phúc Lương (Đại Từ).

Ông Đào Xuân Tài sinh năm 1928, là người dân tộc Tày. Năm 17 tuổi, ông làm liên lạc cho Huyện ủy Đại Từ. Năm 18 tuổi, ông nhập ngũ, tham gia huấn luyện và chiến đấu tại C209, D3, E3, Đại đoàn Quân Tiên Phong. Nhớ về một thời hào hùng, ông Tài tâm sự: Trong cuộc đời chiến sĩ, tôi vinh dự tham gia chiến đấu trong ba chiến dịch lớn: Chiến dịch bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc Thu Đông 1947, Chiến dịch Biên giới 1950 và Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng mở đợt tiến công thứ nhất vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau 5 ngày chiến đấu, ta đã đập tan hai cứ điểm kiên cố bậc nhất của địch là Him Lam và Độc Lập, sau đó tiêu diệt cứ điểm Bản Kéo, mở thông cửa vào trung tâm tập đoàn cứ điểm, uy hiếp sân bay Mường Thanh.

Chiều 30/3/1954, ta tiếp tục mở đợt hai tấn công đồng loạt các cứ điểm phía đông. Trận đánh đồi A1 diễn ra vô cùng ác liệt. Ta và địch giành nhau từng tấc đất. Các trung đoàn đánh công kiên nhiều ngày cũng chỉ chiếm được một phần đồi. Ta xác định để giải phóng Điện Biên, phải chiếm được đồi A1.

Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định đào hầm ngầm từ phía trận địa ta đến chân lô cốt địch, sau đó đặt khối bộc phá nặng khoảng 1 tấn để đánh sập lô cốt. Nhiệm vụ đào hầm được tiến hành từ tối ngày 20-4. Sau này ông mới biết quân báo của ta cùng một người dân tộc Thái ta cài cắm hoạt động trong hàng ngũ địch đã đo vẽ, lên sơ đồ bố phòng đồi A1. Ví trí của ta và địch cách nhau vài chục mét, chúng có thể xả súng, ném lựu đạn bất cứ lúc nào nếu phát hiện. Vì vậy, công tác đào hầm ngầm phải hết sức bí mật, công tác ngụy trang được làm rất công phu. Cửa hầm có mái che phủ đất để vừa chống lựu đạn cao ném xuống, vừa che mắt địch, đất đá đào ra cho vào bao dù đưa ra ngoài, sau khi đổ còn ngụy trang rất kỹ. Nếu không chuyển đi xa chất lên chiến hào giả công sự chiến đấu.

Hầm nhỏ chỉ có thể lách người, khom lưng đào. Mỗi tổ 3 người đào, hồi đó gọi là “tổ tam tam”, các tổ được trang bị 1 cuốc, 2 xẻng. Xẻng giũa sắc như dao để khoét và xúc đất vào các bao tải. Những ngày đầu đầu còn sờ soạng thấy được, sau chẳng nhìn thấy gì, phải dùng đèn pin vừa soi vừa đào. Càng vào sâu càng ngột ngạt, bức bối vì thiếu khí. Mọi người hết sức cố gắng nhưng chỉ ở trong hầm gần một tiếng là phải ra để tổ khác thay. Người đầy đất bụi đỏ quạch, chẳng ai còn nhận ra nhau.

Khoảng 14 ngày sau, cấp trên ra lệnh đặt bộc phá để đánh. Khối thuốc nổ gần 1000kg được chúng tôi nhanh chóng chuyển vào (tài liệu sau này công bố là 960 kg). 20h30’ tối ngày 6-5 theo kế hoạch phối hợp tác chiến, pháo binh bắn dồn dập vào các căn cứ địch, khối bộc phá được điểm hỏa. Sau tiếng nổ, các đơn vi xung kích được lệnh xung phong. 

Trận đánh đồi A1 là trận đánh kéo dài, ác liệt và hy sinh nhiều nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong 39 ngày đêm chiến đấu, hơn 2.500 cán bộ chiến sĩ đã hy sinh anh dũng trên ngọn đồi này. Để tiêu diệt cứ điểm đồi A1, bộ đội ta đã đào đường hầm đặt khối bộc phá lớn đánh vào căn hầm cố thủ trên đỉnh đồi. Năm 2003, khi tiến hành tôn tạo di tích lịch sử đồi A1, đơn vị thi công đã phát hiện ra đường hầm. Ban quản lý Dự án quyết định đào khám phá và đo được 82m dẫn lên đỉnh đồi, nơi đặt khối bộc phá.

Cùng ông Đào Xuân Tài tiếp chuyện chúng tôi còn có bà Nông Thị Nhất, sinh năm 1931, vợ ông Tài. Bà Nhất khi đó công tác trong hội phụ nữ xã Thượng Lương nay là Phúc Lương. Năm 1948, đơn vị làm nhiệm vụ tại huyện Đại Từ, ông được Ban chỉ huy tạo điều kiện về thăm nhà vài ngày. Hai bên nội ngoại quyết định mổ lợn làm đám cưới cho ông bà nên vợ nên chồng.

Tôi khá bất ngờ khi biết bà Nhất cũng tham gia dân công hỏa tuyến mở đường phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Bà Nhất cười: “Lấy nhau từ năm ấy, nhưng mãi sau Chiến thắng Điện Biên, ông nhà tôi về phép, chúng tôi mới sinh cháu đầu lòng. Thời gian ấy cả nước dốc sức người, sức của "tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”, tôi tham gia dân công hỏa tuyến, nhà tôi các cụ cũng ủng hộ chính quyền 2 con trâu”. Ông Tài mở tủ lấy bức ảnh hai vợ chồng thời trẻ và niềm nở giới thiệu: “Trên đường hành quân sang đèo Khế, tôi gặp bà nhà tôi lúc ấy đang công tác phụ nữ xã. Chúng tôi chụp với nhau bức ảnh này”.

Vợ chồng ông Đào Xuân Tài thời trẻ.
Vợ chồng ông Đào Xuân Tài thời trẻ.

Nhớ lại những năm tháng chiến đấu trên mặt trận Điện Biên Phủ, giọng ông Tài trầm hẳn, bồi hồi xúc động: Để làm nên chiến thắng vĩ đại đó, rất nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống trên mặt trận. Thương vong lớn, quân số thường xuyên được tăng cường hoặc phối hợp tác chiến, nhiều trường hợp chưa kịp biết mặt, quen tên đã hy sinh…

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trở về quê hương, người chiến sĩ tham gia đào hầm ngầm đồi A1 năm ấy sống thầm lặng, bình dị cùng gia đình. Thế nhưng, tinh thần và nhân cách người lính Điện Biên vẫn luôn là tấm gương cho con cháu noi theo để học tập, rèn luyện xây dựng quê hương. Nắng xuân thơm làn hương núi. Bản làng vùng cao bừng lên sắc màu thổ cẩm. Nụ cười của ông như cũng tỏa nắng.