Sáng 8/11, nhân chuyến công tác tại Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Việt Nam; đồng chí Hồ Hoành Hoa, Phó Bí thư Thành ủy, Thị trưởng thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến nghi thức ký điện tử thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước (Ảnh: Thanh Giang). |
Tại Tọa đàm, các tập đoàn, doanh nghiệp hai nước đã trình bày nhiều ý kiến đánh giá cao triển vọng hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp hai nước; đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện, hấp dẫn.
Các tập đoàn lớn của Trung Quốc đều bày tỏ mong muốn được tăng cường hợp tác, mở rộng đầu tư vào Việt Nam; mong Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện để các doanh nghiệp này được đầu tư, làm ăn thuận lợi.
Các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam mong muốn Chính phủ hai nước tạo điều kiện thuận lợi, nhất là cải tiến, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để kinh doanh thuận lợi.
Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh phát biểu tại Tọa đàm (Ảnh: Thanh Giang). |
Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh nêu rõ, Đường sắt Việt Nam đang hoạt động Liên vận quốc tế qua Trung Quốc tại 2 Cửa khẩu Đồng Đăng-Bằng Tường và Lào Cai-Hà Khẩu. Trong năm qua, với sáng kiến đưa cửa khẩu vào sâu trong nội địa, hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt tăng trưởng mạnh ở mức 2 con số. Trùng Khánh là một trong những nơi có trung tâm logistics đường sắt lớn ở Trung Quốc. Đây còn là điểm thuận tiện cho tàu container từ Việt Nam đi sang châu Âu. 10 tháng năm 2024, Đường sắt Việt Nam có 2.924 TEUs đến Trùng Khánh, bằng 156% cả năm 2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính với lãnh đạo các bộ, ban, ngành hai nước tham dự Tọa đàm (Ảnh: Thanh Giang). |
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự Tọa đàm (Ảnh: Thanh Giang). |
Tuy nhiên, điểm nghẽn hiện nay là về hạ tầng kết nối khổ hẹp, thiếu kho bãi, ICD ohias Việt Nam và việc kiểm dịch giữa hai nước thiếu đồng bộ, thiếu liên tục cho nên sản lượng, doanh thu còn thấp, thời gian dài, chi phí cao so năng lực và kỳ vọng. Bên cạnh đó, tiềm năng về du lịch của Đường sắt Việt Nam còn để ngỏ với thị trường Trung Quốc do từ tháng 2/2020 đến nay chưa chạy lại tàu khách liên vận quốc tế. Trong khi đó, tuyến đường sắt bắc-nam của Việt Nam được Lonely Planet bình chọn là tuyến đường sắt đẹp nhất, đáng trải nghiệm nhất thế giới, hấp dẫn về du lịch.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc tham dự Tọa đàm (Ảnh: Thanh Giang). |
Với đường sắt xây dựng mới, lãnh đạo cấp cao đã có các tuyên bố chung về việc xây dựng 3 tuyến đường sắt kết nối hai nước. Đặc biệt tuyến Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng: khi khai thông năng lực cảng Hải Phòng thì đây sẽ được ví như Con đường tơ lụa về vận tải đường sắt, sẽ khắc phục các điểm nghẽn hiện nay, là con đường ngắn nhất từ biển đến với vùng Tây nam Trung Quốc, EU... Ông Đặng Sỹ Mạnh nêu rõ, phát triển logistics đường sắt là xu hướng tất yếu để Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Do đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất:
Về vận tải hàng hóa: hai bên xem xét công nhận kết quả kiểm dịch do bên kia thực hiện giúp giảm bớt thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí. Phía Trung Quốc (tỉnh Quảng Tây và Vân Nam) quan tâm đầu tư hệ thống kiểm nghiệm, kiểm dịch hoa quả, nông sản, thủy hải sản tại khu vực ga Sơn Yêu và ga Bằng Tường. Bổ sung thêm danh mục hàng hóa được xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đường sắt giữa 2 nước (như ô-tô, thực phẩm tươi sống,...).
Nghiên cứu cho áp dụng mô hình cửa khẩu thông minh tại các cửa khẩu Đường sắt. Tăng cường chạy tàu chuyên tuyến từ Việt Nam sang các trung tâm logistic của Trung Quốc. Đẩy nhanh việc xây dựng các tuyến đường sắt mới kết nối 2 nước, đặc biệt là tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng để có thể khởi công xây dựng vào cuối năm 2025.
Về du lịch, hai bên sớm khôi phục chạy tàu khách Liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, là cầu nối giao lưu văn hóa, du lịch và thương mại, giao lưu nhân dân.
Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa phát biểu tại Tọa đàm (Ảnh: Thanh Giang). |
Chủ tịch HĐTV Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa nêu rõ, VNA luôn vinh dự và tự hào được đóng góp vào sự phát triển quan hệ hữu nghị hai nước; trong hơn 3 thập kỷ kết nối, VNA luôn nỗ lực ; hiện nay Việt Nam đang khai thác 66 chuyến bay hàng tuần kết nối các trung tâm kinh tế, thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và hàng trăm chuyến bay thuê chuyến ký kết. Trong 2025, VNA sẽ tăng cường sử dụng máy bay thân rộng hiện đại kết nối Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh với Bắc Kinh, Thượng Hải, nghiên cứu mở lại nhiều đường bay thương mại giữa Đà Nẵng-Quảng Châu, Thành phố Hồ Chí Minh-Hàng Châu; xem xét mở đường bay từ Việt Nam đi Trùng Khánh.
Cùng với vận chuyển hành khách, VNA đang mở rộng vận tải hàng hóa, tận dụng tối đa thị trường Trung Quốc; hợp tác với các hãng hàng không lớn của Trung Quốc; đã xây dựng hệ sinh thái logistics toàn diện, liên tục, được hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm dịch vụ kho bãi, giao nhận, tối ưu hóa thời gian vận chuyển, giảm chi phí cho khách hàng.
Đặc biệt, VNA có tầm nhìn dài hạn trong phát triển vận tải hàng hóa khi điều kiện hạ tầng cho phép, trong đó Sân bay quốc tế Long Thành sẽ bước ngoặt quan trọng đối với vận tải hàng hóa của VNA. Việt Nam luôn phát huy vai trò là hãng hàng không quốc gia Việt Nam, cam kết hợp tác chặt chẽ với các đối tác, doanh nghiệp, bạn hàng Trung Quốc. Trong hành trình này, VNA mong được hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành hai nước, góp phần củng cố quan hệ kinh tế tốt đẹp hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Tọa đàm (Ảnh: Thanh Giang). |
Phát biểu ý kiến tại Tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc rất đặc biệt, núi liền núi, sông liền sông, biển liền biển, đường liền đường; có truyền thống lịch sử quan hệ lâu đời mấy nghìn năm qua, “Mối tình hữu nghị Việt-Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em”; có nền tảng chính trị rất vững chắc, nền tảng văn hoá tương đồng, nền tảng pháp lý thuận lợi, nền tảng thị trường rộng mở. Trên cơ sở “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”, chúng ta thấy rất cần đầu tư, hợp tác kinh tế nhiều hơn nữa.
Những năm qua, Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam khoảng 5.000 dự án, với tổng mức 30 tỷ USD; thương mại song phương năm 2023 đạt hơn 170 tỷ USD, 9 tháng năm 2024 đạt 190 tỷ USD, tăng 14% so cùng kỳ; nhưng so tiềm năng, so quan hệ hai nước thì chưa tương xứng, tiềm năng còn rất lớn. Cơ hội đầu tư hai nước rất lớn, các doanh nghiệp đã phát biểu nêu nhiều ý kiến.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Việt Nam có quan hệ ngoại giao gần 200 nước, đã ký 17 FTA với hơn 65 thị trường lớn nhất thế giới. Đầu tư vào Việt Nam là có cơ hội vươn rộng ra thị trường rộng lớn với các nước trên thế giới. Quan hệ thương mại Việt Nam với Trung Quốc là lớn nhất, năm nay khả năng đạt hơn 200 tỷ USD. Quan hệ thương mại Việt Nam với các nước năm nay có khả năng đạt 800 tỷ USD. Về đầu tư nước ngoài, năm 2023, Việt Nam thu hút vốn đăng ký FDI 36 tỷ USD, vốn giải ngân 23 tỷ USD; 10 tháng năm 2024 đạt khoảng 30 tỷ USD, giải ngân vốn FDI đạt gần 20 tỷ USD.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ, Việt Nam theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển; Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, xác định xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thực hiện chính sách quốc phòng “4 không;” bảo đảm an ninh-quốc phòng, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để các nhà đầu tư nước yên tâm làm ăn; luôn bảo đảm an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; chính sách xã hội bảo đảm công bằng, tiến bộ, bình đẳng.
Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược: đột phá về thể chế, tạo môi trường kinh doanh tốt, giảm chi phí đầu vào, giảm chi phí tuân thủ, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm; đột phá về hạ tầng, gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, tạo giá trị mới, giảm chi phí vận tải, logistics, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa; đột phá về nguồn nhân lực, nhất là tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thực hiện “3 thông”: chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh; thực hiện “4 cùng”: cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển; cùng chia sẻ niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào” trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong doanh nghiệp hai nước đóng vai trò kết nối hai nền kinh tế cả kết nối cứng, mềm, kết nối giao thông, hạ tầng viễn thông, góp phần hiện thực hoá tuyên bố chung của Lãnh đạo cao nhất hai nước, mong doanh nghiệp hai nước tăng cường đầu tư, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho hai nước, cho nhân dân hai nước, cùng nhau phát triển đất nước hùng cường, lớn mạnh. Việt Nam ủng hộ Trung Quốc lớn mạnh, có vai trò dẫn dắt trên trường quốc tế.
Tại Tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến các doanh nghiệp hai nước thực hiện nghi thức ký điện tử thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực.
Đáng chú ý có Tập đoàn T&T Group đã trao biên bản ghi nhớ hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng của Trung Quốc, bao gồm: Công ty TNHH Cospowers, Công ty TNHH Goldwind International Holdings. Theo đó, T&T Energy (thành viên của Tập đoàn T&T Group) và Công ty TNHH Cospowers đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược, với mục tiêu quan trọng là nghiên cứu, đánh giá cơ hội và tiềm năng phát triển kinh doanh, xây dựng các nhà máy sản xuất các sản phẩm lưu trữ năng lượng (cho các dự án năng lượng tái tạo và lưu trữ năng lượng độc lập) và hệ thống lưu trữ năng lượng tĩnh cho viễn thông…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin