Những ngày thế giới kỷ niệm Ngày Chiến thắng phát xít (9-5), cùng với việc tôn vinh những giá trị đích thực của thắng lợi lịch sử này, những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới vẫn canh cánh trong lòng, khi lẩn khuất đâu đó còn những mưu toan xuyên tạc, viết lại lịch sử nhằm hạ thấp vai trò của quân và dân Liên Xô cũng như sự hy sinh to lớn của nhân dân các nước trong cuộc chiến vĩ đại cách đây hơn 2/3 thế kỷ.
Năm nay là kỷ niệm 76 năm ngày Đức quốc xã ký thỏa thuận đầu hàng vô điều kiện phe đồng minh (bao gồm Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp) vào rạng sáng ngày 9-5-1945 (giờ Moscow). Có thể khẳng định rằng, chiến thắng lịch sử ấy đã góp phần quan trọng vào cuộc chiến ngăn chặn chủ nghĩa phát xít của toàn nhân loại, mở đường cho việc chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945).
Lịch sử cũng luôn ghi nhớ rằng, để đi đến chiến thắng ấy, nhân dân Liên Xô đã phải đánh đổi bằng một cái giá rất đắt, đó là hơn 27 triệu người ngã xuống, trong đó có gần 9 triệu chiến sĩ Hồng quân. Và sự thật là nhờ những hy sinh to lớn về sinh mạng và tài sản trong cuộc chiến hao người tốn của này, nhân dân và quân đội Xô viết đã góp phần giúp châu Âu được giải phóng khỏi thảm họa phát xít và đem lại cuộc sống hòa bình cho nhiều dân tộc. Với riêng cách mạng Việt Nam, chiến thắng phát xít năm 1945 là bước ngoặt lịch sử, tạo thời cơ để Đảng Cộng sản Việt Nam phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Chẳng thế mà đến nay, chiến thắng ngày 9/5/1945 vẫn luôn được đông đảo nhân dân các dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam, coi là chiến thắng vĩ đại và có giá trị, ý nghĩa thiết thực, trường tồn cùng thời gian.
Vậy nhưng, đâu phải lúc nào những cống hiến và vai trò của Liên Xô trong cuộc chiến chống phát xít cách đây 76 năm cũng được nhìn nhận một cách đúng đắn, công tâm. Kể từ khi Liên Xô tan rã năm 1991 đến ngày nay, đã xuất hiện không ít những ý kiến phủ nhận vai trò của quân và dân Liên Xô trong cuộc chiến đấu và chiến thắng chống phát xít, hoặc xuyên tạc các sự kiện diễn ra từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai nhằm phục vụ mưu đồ chính trị. Cùng với đó là tư tưởng phê phán rằng cuộc chiến tranh vệ quốc của quân và dân Liên Xô chỉ gây ra đổ máu và chết chóc. Song, nguy hiểm hơn là những luận điệu công khai lên án chế độ Xô viết trước đây, cho rằng chiến thắng ngày 9/5/1945 thực chất là sự thay thế ách xâm lược của phát xít bằng sự chiếm đóng của Liên Xô.
Những kẻ xuyên tạc không thể tìm ra minh chứng cho những nhận định đầy “vô ơn” ấy của mình! Tuy nhiên, một thực tế vẫn phải thừa nhận là những mưu toan ấy phần nào khiến một bộ phận nhỏ thế hệ trẻ ngày nay bị hoang mang, dao động, tỏ thái độ hoài nghi về chiến thắng của quân và dân Liên Xô trong cuộc chiến tranh được coi là tàn khốc nhất lịch sử thế giới hiện đại.
Trong khi đó, bằng chứng lịch sử mà chúng ta có trong tay là thông qua những cuộc tấn công vào Liên Xô và các nước châu Âu, phát xít Đức đã phát động cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai nhằm mục đích “chiếm giữ những vùng đất mới, tiêu diệt dân bản địa để đưa tới những người thuộc chủng tộc Đức thuần khiết” như Hitler đã thừa nhận trong một cuốn sách. Sự hung hãn và tàn bạo của phát xít Đức cũng có thể được lột tả rõ ràng qua số người thiệt mạng trong những trại tập trung mà chúng dựng lên trên khắp châu Âu trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai.
Lịch sử cũng ghi nhận rằng, trước tình cảnh buộc phải đứng lên để “tự cứu mình và cứu người”, quân và nhân dân Liên Xô đã huy động tối đa về nhân lực, vật lực và trở thành những chiến sĩ tiên phong trong cuộc chiến đấu chống lại bọn phát xít, ngăn chặn những toan tính vô đạo, nguy hiểm trong đầu chúng. Giả sử không có chiến thắng ngày 9/5/1945, chưa biết có bao nhiêu người thuộc các dân tộc ở châu Âu đã bị tàn sát bởi bàn tay vấy máu của chủ nghĩa phát xít.
Vậy thì hà cớ gì lại coi chiến thắng của nhân dân Liên Xô là sự chiếm đóng hay xâm lược???
Trước đây, khi nhắc tới việc 6 triệu người Do Thái bị phát xít Đức giết hại trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier khẳng định rằng, nước Đức đã rút ra bài học từ quá khứ. Tổng thống Steinmeier cũng cho biết, ông không thể nói nhiều về hiện tại khi “sự thù hận và bôi nhọ vẫn có mặt ở khắp nơi”. Còn Tổng thống Nga Vladimir Putin từng khẳng định bất kỳ mưu toan nào hòng viết lại lịch sử và xem xét lại đóng góp của Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay đối với chiến thắng ngày 9/5/1945 đều đồng nghĩa với việc công nhận tội ác của chủ nghĩa phát xít.
Chiến thắng phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai cũng nhắc nhở chúng ta rằng, không bao giờ được làm ngơ mà phải kiên quyết đứng lên chống lại những mưu đồ xâm lược, phát động chiến tranh hủy diệt con người. Và để làm được điều này, ngoài sức mạnh của mỗi dân tộc, rất cần tới sự hợp tác của các quốc gia và lực lượng tiến bộ khác trên thế giới. Đó là bài học vô giá, đến giờ vẫn mang ý nghĩa thiết thực với Liên bang Nga, Việt Nam hay bất cứ dân tộc nào yêu chuộng hòa bình và kiên quyết bảo vệ hòa bình.
Trong thông điệp liên bang năm 2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, những điều giả dối về chiến thắng phát xít đang lan truyền khắp thế giới như một bệnh dịch. Cũng có thể nói rằng, đằng sau những luận điệu xuyên tạc về Chiến tranh thế giới thứ hai, về chiến thắng phát xít là mưu đồ hòng xóa sạch chủ nghĩa cộng sản, bào chữa cho chủ nghĩa phát xít, đẩy thế giới vào những cuộc xung đột, chiến tranh đẫm máu.
Vì thế, ngày chiến thắng năm nay, năm sau hay nhiều năm nữa, cùng với các hoạt động kỷ niệm chiến thắng ở thủ đô Moscow của Liên bang Nga và các thành phố khác nhằm tôn vinh những người đã ngã xuống để bảo vệ nhân loại khỏi chủ nghĩa phát xít, chúng ta không bao giờ quên nghĩa vụ phản bác, chống lại những tiếng nói lạc điệu, xuyên tạc sự thật và lịch sử giữa một thế giới luôn mưu cầu hòa bình và phát triển.