Trước khi Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập diễn ra (6/1/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”. Bởi bản chất nhà nước của ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Xây dựng nhà nước là để phục vụ lợi ích của dân chứ không phải để cai trị dân.
Người chỉ rõ: Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ, từ toàn quốc đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải “đè đầu dân”.
Theo quan điểm của Người, “quan cách mạng” là để chỉ những người giữ chức vụ dù to hay nhỏ trong quan hệ với dân như những ông quan thời phong kiến với những biểu hiện như tham ô, lãng phí, quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà cho dân... Thực tiễn cho thấy, những cảnh báo, chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.
Câu chuyện anh H., hàng xóm của tôi chia sẻ mới đây là một ví dụ. Anh cho biết, vừa qua có việc về thủ tục hành chính nên anh đến bộ phận một cửa ở huyện để được giải quyết. Anh đã rất bất ngờ trước thái độ thờ ơ của cán bộ, công chức tại đây. Không chỉ có vậy, khi công dân không rõ trình tự, thủ tục phải hỏi thì công chức bộ phận một cửa “lên mặt dạy dỗ”...
Chiểu theo các quy định và pháp luật, rõ ràng những công chức này đã không làm đúng trách nhiệm. Lãnh đạo ở bộ phận này quan liêu, không sâu sát, nắm bắt kịp thời để chấn chỉnh.
Hay sự việc của chị T., khi đến làm thủ tục hành chính ở phường. Thấy vỏn vẹn một công chức đang trực, chị hỏi về thủ tục hành chính cần giải quyết thì nhận được câu trả lời công chức phụ trách lĩnh vực đang nghỉ. Công chức này không hướng dẫn cho công dân cần làm gì để hồ sơ được tiếp nhận...
Đó là một vài ví dụ về sự quan liêu, hách dịch, sách nhiễu nhân dân của một số công chức cấp huyện, xã.
Mới đây, tại phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số hôm 19-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu: Chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, không dám làm của một bộ phận cán bộ, công chức, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, phản ứng chính sách, xử lý các thủ tục, nhất là với người dân và doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả hơn nữa. Giải quyết tốt thủ tục cho người dân, doanh nghiệp tức là góp phần huy động mọi nguồn lực xã hội cho sự phát triển.
Đây là yêu cầu toàn diện, khẩn trương và quyết liệt cho cả hệ thống, từ cơ quan Trung ương đến cấp xã, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Thật đáng buồn khi trong hệ thống chính trị vẫn còn những cán bộ, công chức “làm quan cách mạng”, sách nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân.
Cán bộ, công chức, viên chức phải là những người có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ. Như vậy mới xây dựng được nền hành chính là đạo đức, là văn minh, hướng đến chủ thể là vì dân. Công chức, viên chức yếu kém về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chắc chắn sẽ phải xem xét, tinh giảm biên chế... Và những “ông quan cách mạng” như đề cập ở trên cần phải loại bỏ ra khỏi hệ thống chính trị.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin