Trong việc giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, Bác Hồ rất coi trọng tư tưởng và đạo đức, đồng thời rất quan tâm tới việc rèn luyện tác phong hết sức cụ thể, sâu sắc, đầy cảm hóa, thuyết phục và hướng dẫn trực tiếp hành động cho mọi người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục cán bộ, đảng viên về tác phong cũng như về tư tưởng, đạo đức cách mạng không chỉ qua những lời nói, những bài viết, mà điều quan trọng hơn là ở ngay những hoạt động thực tiễn của Người. Bác là người luôn thực hiện trước hết và hơn ai hết phương châm: “Nói phải đi đôi với làm”. Hơn thế nữa, Bác đã làm nhiều hơn những điều Bác đã nói và viết. Sự vĩ đại của Bác chính là ở chỗ đó. Niềm tin tuyệt đối, sự kính trọng đến mức thiêng liêng của mọi người đối với Bác cũng bắt nguồn từ đó.
Bác Hồ thường dạy cán bộ, đảng viên chúng ta phải: “Từ quần chúng mà ra, trở lại nơi quần chúng”. Bác đã nhiều lần phê phán tệ xa rời quần chúng, lên mặt “quan cách mạng”, “quan nhân dân”, những người chưa xứng đáng là người đầy tớ, người học trò của nhân dân. Những thói quen mệnh lệnh, cửa quyền đối với quần chúng; cưỡng bức, ức hiếp quần chúng; không chịu lắng nghe ý kiến phê bình, những kiến nghị của quần chúng; bỏ mặc không xem xét những yêu cầu, khiếu nại của quần chúng… là hoàn toàn xa lạ với quan điểm và tác phong của Người. Bác thường nhắc nhở mọi người: “Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Làm cho dân kính, dân tin, dân yêu, dân phục là vấn đề thuộc về lòng người. Uy quyền chỉ có thể làm người ta sợ, chứ không thể dành được sự tin yêu, kính phục của người khác. Quần chúng chỉ tin yêu, kính phục cán bộ, đảng viên khi thấy ở người cán bộ, đảng viên có tấm lòng trọn vẹn với dân, với nước như Bác Hồ đã dạy.
Tác phong quần chúng của Bác Hồ còn thể hiện ở sự giản dị như chính bản thân cuộc sống của Người. Đối với Bác mọi nghi thức hình thức đều trở nên thừa. Bác đến với quần chúng nhân dân như đối với những người thân thích, ruột thịt.
Trong công việc, Bác yêu cầu cán bộ, đảng viên phải xây dựng một tác phong tập thể, dân chủ. Phải gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể sẽ tránh được nhiều khuyết điểm, sai lầm. Đối với người phụ trách, người lãnh đạo, tác phong tập thể, dân chủ đòi hỏi phải mở rộng dân chủ nội bộ, mở rộng dân chủ với quần chúng, phát huy tinh thần làm chủ của mọi người. Cách làm đó sẽ tạo ra không khí làm việc hoạt bát, phấn khởi, hăng hái và đầy sáng tạo.
Từ một nền sản xuất nhỏ, nông nghiệp lạc hậu đã để lại cho chúng ta một tác phong không khoa học, làm việc theo kiểu tự do, tùy tiện, được chăng hay chớ, thiếu kế hoạch, thiếu điều tra nghiên cứu; thiếu ngăn nắp, trật tự, luộm thuộm, lề mề, chậm chạp, không coi trọng thời gian; không cụ thể, không thiết thực; bảo thủ, trì trệ, thiếu nhìn xa trông rộng… Bác thường xuyên phê phán những hiện tượng này và đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải kiên quyết đấu tranh khắc phục cho được.
Tác phong khoa học đòi hỏi trong khi làm việc, trong khi lãnh đạo, theo Bác là phải có kế hoạch rõ ràng, từ kế hoạch lớn đến kế hoạch nhỏ, từ kế hoạch dài đến kế hoạch ngắn; không chỉ hằng năm mà cho đến hằng ngày, hằng tuần; làm việc có chương trình, giờ nào việc ấy như Bác đã thường làm. Bác nhắc chúng ta phải quý trọng thời gian, làm việc phải đúng giờ, làm việc phải có điều tra nghiên cứu, nắm chắc tình hình, nắm chắc vấn đề mới đi đến quyết định. Đối với người phụ trách, người lãnh đạo phải có cách sử dụng bộ máy, sử dụng những người cộng sự để họ giúp mình nắm được những thông tin cần thiết và chính xác; đặc biệt là sàng lọc những thông tin sai lệch, những báo cáo sai sự thật.
Tác phong khoa học đòi hỏi chúng ta làm việc phải cụ thể, chính xác, thiết thực, có hiệu quả; đã làm thì phải làm một cách kiên quyết, khẩn trương, làm đến nơi, đến chốn. Bác phê bình cái bệnh “Hữu danh vô thực”, làm việc không thiết thực. Làm cho có chuyện, làm lấy lệ. Làm thì láo mà báo cáo thì hay. Thế là dối trá với Đảng, có tội với dân. Làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà cũng là một bệnh rất nguy hiểm.