Xã hội hóa giáo dục - thực tiễn và vận dụng ở xã Bảo Linh

15:44, 31/08/2019

Không có mặt bằng xây dựng, trong khi địa phương lại là xã nghèo vùng sâu, vùng xa… Nhưng bằng tấm lòng và trách nhiệm với sự nghiệp trồng người, mỗi thầy cô giáo và cán bộ, đảng viên nơi đây đã chung tay, dồn sức lực để dựng lên một ngôi trường khang trang, về đích đạt chuẩn Quốc gia.

Niềm vui trong năm học mới 2019-2020 đối với Trường THCS Bảo Linh (Xã Bảo Linh, huyện Định Hóa) là Nhà trường đã được toàn ngành Giáo dục huyện suy tôn là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dẫn đầu khối THCS và đề nghị UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc. Đạt được thành tích đó chính là chất lượng giáo dục toàn diện nơi đây được nâng lên, trong đó có vai trò quan trọng của nhà trường và địa phương trong việc chung tay chăm lo cho sự nghiệp Giáo dục. Cô giáo Lương Thị Đảm, Hiệu trưởng Nhà trường giới thiệu vắn tắt: Bảo Linh là xã an toàn khu bảo vệ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nơi đây có thôn Bảo Biên được Bộ Tổng Tư lệnh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn làm nơi ở và làm việc từ năm 1947 đến năm 1954. Và xã được Nhà nước phong tặng xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp vào năm 1999. Chính vì vậy Đảng ủy xã, Chi bộ và Nhà trường luôn suy nghĩ làm thế nào để quê hương cách mạng có một môi trường giáo dục đạt chuẩn Quốc gia. Con em đồng bào các dân tộc nơi đây có điều kiện tốt hơn để học tập nâng cao... Mong muốn là vậy, nhưng làm được điều đó không chỉ có quyết tâm chính trị mà phải có sự hy sinh lợi ích cá nhân của rất nhiều thế hệ cán bộ xã, cán bộ quản lý của Trường thì mới có môi trường giáo dục đạt chuẩn Quốc gia ở vùng sâu, vùng xa Bảo Linh hôm nay”. 

Đồng chí Lương Văn Sửu, Bí thư Đảng ủy xã không giấu được niềm vui, chia sẻ với chúng tôi: Xã nghèo, đến giờ vẫn còn trên 25% hộ nghèo và còn 25% hộ cận nghèo... xây trườn học chuẩn Quốc gia thật sự chỉ là mong muốn, thực lực thì không có gì. Đất không có, vật liệu, thiết bị dạy học... đều không có. Chúng tôi chỉ có những thầy, cô giáo tận tâm với học trò vùng cao. Tôi nhớ mãi khi Đảng ủy xã và Chi bộ Nhà trường bàn về đề án Xây dựng trường chuẩn Quốc gia. Ai thấy cũng cần thiết, nhưng góp gạo, góp cây và góp công sức tại chỗ thì bao giờ mới xây lên được thành lớp học cao tầng. Thầy giáo Hiệu trưởng, Bí thư Chi bộ Nhà trường Bùi Văn Diệu lúc bấy giờ (năm 2008) đề xuất xây dựng trường chuẩn giai đoạn 2008-2018 với mong muốn con em Bảo Linh có điều kiện học tập tốt hơn mới có thể vươn xa hơn được. Thầy mạnh dạn đề xuất thế chấp sổ lương, thế chấp cả bìa đỏ (chứng nhận quyền sử dụng đất) của gia đình để ứng tiền đi mua đất xây trường. Sự tâm huyết và tinh thần gương mẫu đi đầu, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu Nhà trường của thầy đã tác động mạnh đến tập thể Đảng ủy xã. Bấy giờ cán bộ xã thực tế còn một số đồng chí hoàn cảnh gia đình khó khăn. Sau hai phiên họp phân tích kỹ, Thường trực Đảng ủy đã nhất trí phương án xã hội hóa, vận động mọi nguồn lực thực hiện mục tiêu đầu tư phát triển cho giáo dục. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, mỗi cán bộ lãnh đạo chủ chốt đều thế chấp bìa đỏ cho ngân hàng để ứng tiền trước cho địa phương tổ chức mua đất ruộng một vụ của nhân dân. Hơn 6.000m2 đất được nhân dân đồng thuận bán lại để xây trường học, riêng thầy Hiệu trưởng và một số giáo viên thế chấp cả lương, bìa đỏ ứng trước để mua hơn 1.000m2 góp vào thành khuôn viên hơn 7.000m2”. 

Ngay sau khi có mặt bằng xây dựng, năm 2014, huyện đã hỗ trợ san lấp và cấp vốn từ Chương trình 135 của năm 2015-2016; vốn từ Quỹ xã hội hóa giáo dục toàn huyện xây dựng khu nhà 2 tầng gần 200m2 phòng học. Cũng trong năm 2016, cơ quan Bộ Quốc phòng hỗ trợ địa phương tiếp tục đầu tư xây thêm gần 200m2 phòng học nhà 2 tầng, đồng thời huyện tiếp tục hỗ trợ xây dựng kiên cố và bê tông hóa trên 1.500m2 sân trường cùng các công trình phụ trợ... theo tiêu chí chuẩn Quốc gia. Thầy giáo Bùi Văn Diệu, nguyên Hiệu trưởng Nhà trường nhớ lại: “Từ khi đặt bút viết Đề án, cho đến khi chính thức Đảng bộ xã xây dựng thành Nghị Quyết là một quá trình tuyên truyền, kết hợp làm công tác vận động trong Đảng bộ, quần chúng nhân dân. Cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và toàn bộ nhân dân địa phương đồng thuận đúng thời điểm chính là cơ sở để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng trường chuẩn. Đây cũng chính là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận - Lấy sức dân để phục vụ lợi ích của nhân dân”. 

Tổng nguồn vấn đầu tư xây dựng trường chuẩn Quốc gia của xã Bảo Linh từ năm 2008 đến 2017 là gần 13 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách huyện và nguồn Quỹ xã hội hóa giáo dục của huyện hỗ trợ được gần 6,7 tỷ đồng. Nguồn tài trợ của Bộ Quốc phòng là hơn 3,6 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương và tiền ứng trước bằng thế chấp bìa đỏ của các thầy, cô giáo và cán bộ lành đạo xã là gần 2 tỷ đồng. Ngay trước thời điểm đón công nhận chuẩn Quốc gia, các cựu học sinh, nhân dân trong xã đã ủng hộ trên 160 triệu đồng hoàn thiện khuôn viên Trường và các thiết bị hỗ trợ dạy và học. Cô giáo Lương Thị Đảm cho biết: Nhờ cơ sở vật chất tốt đã phục vụ đắc lực cho việc nâng cao chất lượng dạy và học của Nhà trường. Năm 2015, lần đầu tiên học sinh Trường THCS Bảo Linh đạt giải trong Kỳ thi học sinh Giỏi cấp tỉnh và có hàng chục học sinh Giỏi tiêu biểu cấp huyện. Kể từ đó, đến năm học 2018-2019, Nhà trường đã có 325 giải học sinh Giỏi cấp huyện, 78 giải học sinh Giỏi cấp tỉnh.

Đến Trường THCS Bảo Linh hôm nay, điều dễ nhận thấy chính là môi trường giáo dục khang trang, sạch đẹp nằm giữa núi rừng ATK năm xưa. Các thế hệ cán bộ, thầy, cô giáo của 5-10 năm về trước một thời nhiệt huyết và quyết tâm xây dựng mái trường chuẩn Quốc gia nơi đây để cộng đồng 7 dân tộc anh em (Tày, Mông, Dao, Sán Chí, Kinh, Nùng, Pà Thẻn) có thêm nhiều cơ hội học tập nâng cao, nay  phần lớn đã thành bậc cao niên và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhưng trước những đổi thay của vùng đất Bảo Linh và đổi mới của giáo dục địa phương, họ vẫn là những tấm gương tiêu biểu cho phong trào xây dựng xã hội học tập bắt đầu từ tư tưởng “lấy sức dân để chăm lo cho nhân dân”.