Về xã Phú Thượng (Võ Nhai), tìm hiểu về phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi, chúng tôi được nhiều người dân nói vui: Địa phương có “đại gia mới nổi” là ông Hoàng Văn Thắng, xóm Phượng Hoàng, có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm đã trừ các khoản đầu tư. Hơn thế, ông luôn giúp đỡ hộ nghèo về kinh nghiệm sản xuất, vốn vay không lấy lãi và tích cực ủng hộ địa phương tiền của, công sức xây dựng các công trình phúc lợi.
Ông Lương Hoàng Thái, Phó Chủ tịch uy ban MTTQ xã cho biết: Những năm gần đây, nông thôn xã Phú Thượng đổi thay nhanh chóng, trong đó có công sức đóng góp rất lớn của người dân địa phương. Ví như đoạn đường bê tông có nhiều hoa đua nở mà nhà báo vừa đi qua, ông Thắng là một trong những người tích cực vận động bà con hiến đất, góp tiền, ngày công lao động...
Qua câu chuyện chúng tôi còn được biết: Từ nhiều năm nay, ông Thắng liên tục được nhân dân địa phương tín nhiệm bầu là người có uy tín; được uBND tỉnh, uy ban MTTQ tỉnh tặng Bằng khen. Thấy chúng tôi nhắc tới cụm từ “đại gia mới nổi” do bà con đặt cho, ông ngần ngại, bảo: Kể cũng hay, dân mình cứ thấy ai có kinh tế khá giả, tham gia hoạt động từ thiện, giúp đỡ người nghèo thì gọi “đại gia”. Song không sao, cốt là mình sống chân thành và được bà con mến quý.
Năm 1977, lập gia đình, ông được bố mẹ vợ cho 360m2 đất vừa ở, vừa canh tác. Cuộc sống kinh tế gia đình khởi đầu vốn thiếu thốn, lại càng thêm túng khó khi lần lượt 5 người con theo nhau chào đời. Bù lại, vợ chồng có sức khỏe, các con không đau ốm, biết thương yêu, chăm chỉ làm lụng nên gia đình luôn đầm ấm.
Trước đây, đồng đất Phú Thượng dành trồng cây thuốc lá. Gia đình ông không có nhiều đất, nên vay mượn thêm tiền của người thân để đi mua thu gom lá thuốc về xấy bán lấy lời. Việc nhà nông cực nhọc, nhiều bà con chọn hướng ly nông, bán ruộng lấy vốn ra ngoài mặt đường 1B làm dịch vụ. Còn ông tự thấy mình phù hợp với nghề của nhà nông, nên có bao nhiêu tiền tích lũy đều dành mua ruộng trồng cây thuốc lá, mua đất đổi để trồng ngô và cây lâm nghiệp. Đến năm 2000, gia đình ông đã tích tụ được 3.590m2 đất ruộng; gần 30.000m2 đất đồi. Đất không phụ công người, mỗi mùa vụ qua đi, cuộc sống kinh tế của gia đình ông thêm ổn định. Nhờ đất thuận nguồn sinh thủy, cây thuốc lá, hay rảnh mạ đặt xuống đều phát triển tốt, cho năng suất cao, nhưng giá trị cây trồng chưa cao. Ông kể: Nhiều khi nhìn đất đai rộng rãi, tôi trăn trở, quyết định phải chuyển đổi loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tôi bắt đầu để tâm tìm hiểu các mô hình trang trại qua sách, báo; tự đến các mô hình trồng cây ăn quả trong vùng để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm; tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi do cán bộ khuyến nông huyện tổ chức. Nhiều người khuyên tôi nên đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi, nhưng tôi quyết định dành đất trồng cây ăn quả. Các loại cây tôi chọn là dứa ta, ổi Đài Loan và thanh long, vì các loại cây này cho quả thơm ngon, người tiêu dùng ưa thích.
Năm 2014, ông bắt đầu trồng cây ăn quả. Để bảo đảm cho cây phát triển tốt, trên đất ruộng, ông lên luống cao, có rãnh tiêu thoát nước rồi mới đặt bầu cây giống. Trên khu đồi sau nhà, ông san tạo bậc tam cấp lấy mặt bằng, thuận cho việc trồng cây, chăm sóc và thu hoạch. Ông chia sẻ: Tôi trồng cây ăn quả làm nhiều đợt trong năm, cách làm này sẽ thường xuyên có quả mang bán chợ, không sợ “được mùa, mất giá”. Hiện, gần 3.000 gốc dứa, ổi và thanh long luân phiên cho thu hoạch quả trong năm, tôi không biết đạt sản lượng bao nhiêu tấn, nhưng cuối năm cộng sổ, trừ tiền mua phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh, thuê nhân công còn có dư hơn 200 triệu đồng.
4 con gái của vợ chồng ông đã lập gia đình, có cơ ngơi riêng. Còn ở lại với vợ chồng ông là người con trai út, anh Hoàng Văn Vĩnh, 29 tuổi. Bà Trần Thị Xuân, vợ ông cho biết: Vào vụ thu hoạch hàng ngày, cả nhà tôi đều thức dậy từ rất sớm để làm việc, ông Thắng làm nhiệm vụ thu hái quả; Vĩnh thồ quả ra chợ huyện cho mẹ bán, hoặc đóng gói quả vào thùng, thuê xe chuyển đến các địa chỉ đặt mua.
Việc nhà bận rộn, nhưng ông Thắng luôn tích cực tham gia các phong trào tại địa phương. Năm 2015, ông tham gia Ban Xây dựng của xóm, cùng các ông bà trong Ban Công tác Mặt trận tuyên truyền, vận động bà con hiến đất mở rộng đường, có một số hộ chưa thông, ông đã đến tận nhà phân tích, vận động. Lời ông tạo được cảm mến nên dễ nghe, dễ hiểu, người dân vui vẻ ủng hộ chủ trương mở đường nông thôn mới. Nhờ đó, đường của xóm được mở rộng từ 1 mét lên 5 mét, trong đó có 3 mét đổ bê tông. Cũng trong năm này, ông cùng các thành viên Ban Công tác Mặt trận vận động nhân dân đóng góp xây dựng hoàn thiện Nhà văn hoá đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2017, Nhà nước đầu tư xây dựng cầu tràn liên hợp qua Đồng Nghè vào xóm Phượng Hoàng, thấy có một số hộ hai bên đầu cầu bị mất đất, ông ủng hộ cho địa phương 10 triệu đồng để giúp đỡ các hộ này không bị thiệt thòi.
Khi thực hiện bài viết này, tôi nhận được thêm thông tin: 2 hộ nghèo của xóm là hộ ông Hoàng Văn Vy và ông Nguyễn Văn Đoàn được ông Thắng giúp đỡ mỗi hộ 1,5 triệu đồng. Vậy mà khi được hỏi, ông nói khiêm tốn: Việc cần làm thì nên làm thôi mà!