Chàng thanh niên khởi nghiệp từ mùn cưa và rơm

09:33, 19/11/2019

Thành công với sáng chế viên nén mùn cưa (một loại chất đốt) từ các phế phẩm lâm nghiệp, anh Nguyễn Huy Hưng, ở xóm Trại, xã Kha Sơn (Phú Bình) tiếp tục ấp ủ ý tưởng sản xuất viên nén từ nguồn nguyên liệu khác. Với Dự án “Viên nén từ rơm - Bước tiến mới trong sử dụng năng lượng tái tạo”, anh đã xuất sắc đạt giải Nhất Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo thanh niên tỉnh Thái Nguyên cuối tháng 10 vừa qua. 

Nhiều người biết đến anh Hưng là một thanh niên điển hình trong sáng tạo, luôn tìm tòi cái mới. Ở tuổi 32, anh là ông chủ của 4 cơ sở sản xuất viên nén mùn cưa, (2 cơ sở ở Bắc Giang, 1 cơ sở ở Bắc Kạn, 1 cơ sở ở Thái Nguyên), cho thu lãi trên 600 triệu đồng mỗi năm. Anh Hưng bắt đầu sản xuất, kinh doanh từ năm 2009, sản phẩm viên nén mùn cưa của anh dần trở thành mặt hàng ưu chuộng của các nhà máy, doanh nghiệp. Lượng khách hàng tìm đến ngày càng nhiều, trong khi nguồn nguyên liệu đầu vào dần dần không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất. Vì thế, anh Hưng tiếp tục tư duy tìm hướng đi mới, đó là tận dụng nguồn nguyên liệu từ rơm, rạ để sản xuất viên nén có chất lượng tương đương viên nén mùn cưa nhằm ổn định lượng hàng cung cấp cho các đơn vị. 

Theo anh Hưng, ý tưởng này dựa trên nền tảng của việc sản xuất viên nén mùn cưa. Quy trình tạo ra thành phẩm về cơ bản giống nhau, đều trải qua 3 công đoạn. Đầu tiên, nguyên liệu sau khi tập kết về xưởng, được sàng lọc tạp chất, nghiền nhỏ. Sau đó, nguyên liệu được đưa vào máy sấy, độ ẩm đạt từ 8-13%. Cuối cùng, nguyên liệu được đưa vào máy ép với áp suất cao để tạo thành sản phẩm. Tuy nhiên, với việc sản xuất viên nén từ rơm phải cần có một nhà xưởng lớn và xa khu dân cư để chứa rơm, tránh gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, máy nghiền rơm được đầu tư mới với công suất khác máy nghiền gỗ vụn, dăm bào. Công đoạn thu gom rơm, rạ cũng cần có máy cuốn để đảm bảo tận thu được nguyên liệu. Nói về ý nghĩa của Dự án này, anh Hưng cho biết: “Cũng như tận dụng gỗ vụn, dăm bào, mùn cưa… việc tận dụng nguyên liệu rơm, rạ góp phần hạn chế những phế phẩm nông nghiệp thải ra môi trường. Bên cạnh đó, viên nén từ rơm và mùn cưa là loại chất đốt thân thiện với môi trường, có ưu điểm giữ nhiệt lâu và ổn định hơn so với các loại chất đốt khác”.

Trên thực tế, ý tưởng sản xuất viên nén từ rơm đã được anh ấp ủ từ năm 2016 và được thử nghiệm thành công. Nhưng vì một số lý do về kinh phí, địa điểm mở nhà xưởng… nên anh chưa thể thực hiện. Sau khi Tỉnh đoàn phát động Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo thanh niên tỉnh Thái Nguyên, anh đã xây dựng Dự án “Viên nén từ rơm - Bước tiến mới trong sử dụng năng lượng tái tạo” tham gia dự thi. Dự án của anh được Hội đồng Ban Giám khảo đánh giá có tính khả thi cao. “Viên nén từ rơm” đã xuất sắc vượt qua gần 150 ý tưởng khởi nghiệp để giành giải Nhất Cuộc thi và được lựa chọn tham gia Cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia năm 2019. Anh Hưng cho biết thêm, hiện nay, đã có một số doanh nghiệp chủ động tìm đến anh với mong muốn được hợp tác, hỗ trợ, liên kết để cùng thực hiện Dự án này.

Anh Nguyễn Huy Hưng từng tốt nghiệp Khoa Tự động hóa của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên, sau khi ra trường, anh mở xưởng cơ khí tại nhà. Ban đầu, anh Hưng bắt đầu với công việc sửa chữa nông cụ, khung nhôm cửa kính. Năm 2009, anh tình cờ xem được một số thông tin trên mạng về viên nén mùn cưa cũng như những lợi ích của sản phẩm này. Nhận thấy trên địa bàn có nhiều xưởng, làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ, lượng vỏ bào, mùn cưa rất dồi dào. Vì thế, anh đã lên ý tưởng sản xuất, kinh doanh viên nén mùn cưa. Là một kỹ sư chế tạo máy, anh đã mày mò nghiên cứu và chế tạo thành công máy ép mùn cưa với công suất phù hợp với quy mô hộ gia đình. Để làm ra được những sản phẩm viên nén mùn cưa, anh đã trải qua nhiều lần thất bại. Mặc dù mỗi lần thử nghiệm là một quãng thời gian dài và tốn kém chi phí, thế nhưng anh không bỏ cuộc. Bởi, anh nhận thấy rõ sản phẩm có tiềm năng sử dụng rất lớn, nhất là trên thị trường lại chưa có sản phẩm cùng loại. Nhiều lần kiên trì cuối cùng anh đã thành công với sản phẩm viên nén mùn cưa, không chỉ cung cấp cho các công ty, doanh nghiệp tại địa phương, mà còn được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như Hàn Quốc, Đài Loan, Đức… Chỉ tính riêng cơ sở sản xuất ở Kha Sơn, mỗi tháng, anh Hưng xuất bán trên 40 tấn viên nén mùn cưa thành phẩm, cho thu nhập 80 triệu đồng/tháng. Mỗi cơ sở của anh tạo việc làm ổn định cho 3 lao động địa phương, thu nhập từ 180 -200 nghìn đồng/ngày.

Với những ưu điểm của mặt hàng này, anh Hưng cũng mong muốn chia sẻ kinh nghiệm với những ai muốn khởi nghiệp. Cơ sở của anh nhận chuyển giao công nghệ hoàn toàn, đối ứng vốn tỷ lệ 50/50; bán hàng theo phương thức trả tiền chậm... Hiện, anh đã chuyển giao công nghệ ở nhiều tỉnh, như: Bình Dương, Phú Thọ, Lâm Đồng, Gia Lai, Đồng Nai...