Thầy thuốc của bản Dao

18:37, 07/11/2019

“Với tổng số 98 hộ, 287 nhân khẩu, trong đó 95% là người dân tộc Dao, nên nhân dân địa phương thuận miệng gọi xóm Suối Bốc, xã Yên Ninh (Phú Lương) là bản người Dao”- Chị Đặng Thị Hoa, cán bộ y tế thôn bản Suối Bốc bắt đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.  

Là người dân tộc Dao, sống gắn bó với bà con bản Dao, nên chị hiểu nằm lòng về các phong tục tập quá của dân tộc mình. Đây là những thuận lợi giúp chị hoàn thành tốt nhiệm vụ của một cán bộ y tế thôn bản, nhất là ở một bản thuộc vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Chị nói như tâm sự: Người Dao chúng tôi quen với tập quán canh tác bám rừng, bám núi, nên dân cư không ở tập trung, vì thế bản chia thành 2 khu: Suối Bốc và Khe Nhe. Từ khu Suối Bốc vào đến khu Khe Nhe phải đi qua các xóm Đồng Đình, Bằng Ninh và Đồng Phủ, quen đi bộ cũng mất gần 3 giờ.

Đường đất khó đi, lắm đoạn dốc xấp mặt, nhưng nhà nào trong bản cũng có bước chân của chị. Các cụ già, em nhỏ và nhiều người trong bản thấy chị đến nhà đều vui mừng, bảo chị là khách quý. Ông Đặng Phi An, người dân của bản chia sẻ: “Nó (chị Hoa - P.V) sống thân thiện, luôn gần gũi, quan tâm chăm sóc sức khỏe cho mọi người. Nó vận động bà con trong bản tham gia vệ sinh môi trường, không để phân trâu, bò vương vãi ra đường và làm các công trình vệ sinh là giếng nước, nhà tắm, nhà xí sạch sẽ, không gây ô nhiễm môi trường”. Ông Hứa Đức Thành, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Làm cán bộ y tế thôn bản, chị Hoa tích cực tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào, như tuyên truyền, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng và tham gia các hoạt động chuyên môn về y tế, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, kế hoạch hoá gia đình. Ngoài nhiệm vụ cán bộ y tế thôn bản, chị Hoa còn đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Đông y xã. Chị là người trong vùng biết nhiều về cây thuốc nam và chữa bệnh cho đồng bào bằng cây thuốc nam; đồng thời chị tích cực vận động đồng bào trồng cây thuốc nam trong vườn để tự phòng, chữa một số chứng bệnh thông thường”.

Chị chia sẻ: Quê tôi trên rừng, dưới ruộng đều có cây thuốc quý. Tôi biết được điều đó vì từ nhỏ được theo bố đi lấy cây thuốc nam. Tôi thích thú khi tận mắt thấy người bệnh nằm mê mệt trên giường, khi được uống nước lá thuốc thì hết bạo bệnh, lại tay dao, vai cuốc đi nương như thường ngày. Tôi ngạc nhiên hỏi bố. Bố nói giống như ông nội: Là cái cây đó đuổi được con ma ra khỏi người. Sau này trưởng thành, biết chữa bệnh bằng cây thuốc nam, tôi mới biết các cụ “tiên sinh” nhà mình đã vận dụng linh hoạt trong chữa bệnh, cùng lúc đáp ứng 2 việc là làm cho người bệnh và thân nhân yên tâm tư tưởng và chữa bệnh theo khoa học. Tư tưởng là quan niệm phải cúng đuổi ma, còn khoa học là dùng thuốc trị đúng bệnh. Ngay cả thời đại công nghệ 4.0, ở các bệnh viện lớn, cán bộ y tế dùng máy soi, tìm ra từng thứ bệnh để có phác đồ điều trị. Nhưng với nhiều người Dao bản Suối Bốc, hiện vẫn có người mang niềm tin vào thế giới siêu hình, khi ốm đau thường mời thầy cúng về để thực hành các nghi lễ đuổi ma tà. Làm cán bộ y tế thôn bản, nếu cứng nhắc sẽ bị đuổi ra khỏi nhà. Với các trường hợp gia đình cầu cúng cho người bệnh, tôi đến thăm, vận động gia đình sau khi cúng, cần cho người ốm uống thuốc.

Linh hoạt trong tuyên truyền, vận động, đó là giải pháp hiệu quả nhất chị nghiệm được trong thời gian làm cán bộ y tế thôn bản. Chính vì thế, tại các cuộc họp của khu dân cư, thậm chí cả những buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt được tổ chức tại địa phương, chị cũng tranh thủ phổ biến đến đồng bào về tình hình phòng, chống dịch bệnh. Rồi khi đi làm nương, ruộng hoặc hôm phiên chợ, chị tranh thủ gặp gỡ, trao đổi với bà con về kinh nghiệm gìn giữ sức khỏe, cách phòng bệnh khi thời tiết chuyển mùa. Bà Ma Thị Hồng, Chi hội trưởng Đông y bản Suối Bốc cho biết: “Về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chị Hoa vai mang 2 túi thuốc, 1 túi là cán bộ y tế thôn bản, chủ yếu làm nhiệm vụ sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho người bệnh; 1 túi là lương y, sử dụng cây thuốc nam tại địa phương để cứu chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân”. Nhiều người bảo chị là 2 trong một, nhưng đều chung một mục đích là trị bệnh cứu người. Bà Triệu Thị Thu, người dân của bản cho biết: “Chị Hoa làm lương y không vì tiền bạc. Nhiều bệnh nhân nghèo được chị thăm khám, cắt thuốc nam giúp chữa bệnh nhưng không lấy tiền”. Còn bà Lý Thị Mai cho biết: “Từ nhiều năm nay, chị Hoa thường xuyên cắt thuốc bổ biếu tặng người cao tuổi. Khi cho thuốc, chị hướng dẫn cho con cháu các cụ cách đun thuốc, giờ cho các cụ uống thuốc. Nhiều cụ già coi chị như con cháu ruột thịt, còn chị cũng coi các cụ như bố mẹ của mình”. Một lần, khi nhận thang thuốc bổ từ tay chị, cụ Triệu Văn Sinh, 84 tuổi, ở Chợ Đồn (Bắc Kạn) xúc động, bảo: “Nhờ chị Hoa, nhiều bà con bị bệnh về gan, thận, dạ dày… và bệnh về xương khớp đã không phải giết lợn, mổ gà cúng ma. Tôi và nhiều người khác đã nhờ chị mà khỏi bệnh, được sống vui, sống khoẻ”.

Được đồng bào tin mến, đó là hạnh phúc lớn lao của một người làm cán bộ phong trào. Và khi đồng bào đã tin, lại có thêm ngọn lửa nhiệt huyết nên lời nói của chị dễ thấm vào đồng bào. Chị nhận thức được điều đó và càng hăng say hơn với công việc của một cán bộ y tế thôn bản. Chị hướng dẫn cho đồng bào tích cực tham gia thực hiện các chương trình của ngành y tế, như: Tiêm chủng mở rộng, phòng, chống muỗi đốt, phòng, chống HIV/AIDS, thực hiện kế hoạch hoá gia đình và thường xuyên giám sát dịch bệnh để có báo cáo kịp thời đến trạm y tế xã. Tin lời chị, đồng bào đã quan tâm hơn tới việc đưa con đi tiêm chủng định kỳ; chị em mang thai đều đến trạm y tế xã hoặc vào bệnh viện huyện thăm khám thai kỳ và tiêm đủ các mũi phòng bệnh. Chị có đóng góp không nhỏ vào việc tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia phong trào xây dựng gia đình văn hoá, xây dựng nông thôn mới và nhân lên phong trào chữa bệnh bằng cây thuốc nam. Đến nay, nhiều hủ tục lạc hậu trong đồng bào người Dao đã được loại bỏ, những tập quán, phong tục đẹp được khơi dậy, tạo dựng, phát huy. Trong bản, người ốm, hoặc phụ nữ khi sinh nở được người thân đưa đi bệnh viện.

Một ngày mới lại bắt đầu, chị quàng chiếc túi có dấu thập đỏ đến với người dân trong bản Suối Bốc. Đường đất ngày mưa trơn truội, ngày nắng đầy bụi đỏ bết lên tóc. Công việc của một cán bộ y tế thôn bản cho chị tháng ngày có ý nghĩa. Đền đáp công sức đóng góp vì sức khỏe cộng đồng, các cấp, ngành đã tặng chị nhiều Bằng khen, Giấy khen. Nhưng khi được hỏi về cảm xúc riêng, chị nói khiêm tốn: Với tôi, người dân của bản Suối Bốc không đau ốm, không bị dịch bệnh thì đó là hạnh phúc lớn rồi!