Yêu người bao nhiêu - yêu nghề bấy nhiêu

21:38, 19/11/2019

Giữa đám trẻ vui nhộn ríu rít như bầy chim non, một nam thanh niên có dáng người đậm và săn chắc nhiệt tình hướng dẫn các em múa và hát. Công việc tưởng như chỉ dành cho các cô “nuôi dạy trẻ” đã được thầy giáo mầm non thực hiện rất thuần thục. Trên lớp, trò véo von gọi thầy xưng con rất đỗi thân thương. Thầy giáo mầm non chỉ chiếm hơn 0,2% tổng số giáo viên trên địa bàn toàn tỉnh, nhưng các thầy đang làm rất tốt vai trò của mình, góp sức trẻ vào sự nghiệp trồng người.

Dù đến với nghề mầm non bằng nhiều lý do khác nhau, nhưng có thể gắn bó lâu dài với công việc vốn được coi chỉ phù hợp với phụ nữ  thì những thầy giáo ấy đều có điểm chung là có tình yêu thương lớn với những đứa trẻ. 

Thầy giáo Vũ Văn Hoan, sinh năm 1990, giáo viên dạy Giỏi suất xắc cấp tỉnh, hiện công tác tại Trường Mầm non Yên Lãng (Đại Từ), trước đó là thợ cơ khí. Sau khi học xong Trung cấp Công nhân Kỹ thuật, anh thợ cơ khí Vũ Văn Hoan bắt tay vào làm nghề hàn, gò nhôm kính, mái tôn, nhà khung sắt, hàn lưỡi cày, răng bừa, sửa bánh xích máy nông nghiệp tại quê nhà xã Yên Lãng, với mức thu nhập bình quân từ 6-7 triệu đồng/tháng. Một lần leo thang lắp mái tôn ngoài sân cho Trường Mầm non của xã, anh Hoan thấy đám trẻ thật hiếu kỳ, cô giáo gọi mãi không nghe mà chúng chỉ thích bắt chước thợ leo thang, hoặc được làm như thợ cơ khí để tạo ra một thứ gì đó. Anh bước xuống và hỏi: Các cháu có muốn làm ngôi nhà của mình như chú đang làm không? Đám trẻ đồng thanh nhất trí. Anh đã nghĩ ra cách mượn đồ chơi trong lớp và mô phỏng cách hàn, lắp ghép nhà. Bọn trẻ hào hứng làm theo, rồi anh đưa các mô hình bày lên cho chúng tự nhận xét, đánh giá. Anh nhận được sự động viên của các cô giáo: “Hàng ngày, chúng em cũng làm vậy, nhưng cứ có hoạt động mới là các cháu bị chi phối, nên rất khó bảo, trong khi lớp đông đến hơn bốn chục cháu”. Anh Hoan chia sẻ: “Thực ra lúc bấy giờ tôi chỉ nhận ra một điều là con trẻ rất thích khám phá, sáng tạo. Mình chỉ cần hướng dẫn và chỉ ra làm thế nào cho đúng là chúng rất thích”.  Sau lần đó, anh thợ cơ khí Vũ Văn Hoan chính thức nộp đơn theo học nghề sư phạm mầm non. Năm 2013, thầy Hoan bước vào nghề dạy trẻ. 

Còn thầy giáo Trần Văn Thuận, sinh năm 1983, Trường Mầm non Hợp Tiến (Đồng Hỷ) cũng đến với nghề sau hơn 10 năm làm thợ cơ khí. Thầy Thuận nhớ lại: “Tôi là thợ cơ khí, từng làm tại nhiều nhà máy, phân xưởng lớn tại Bắc Ninh, Hà Nội... Ngày chúng tôi có con nhỏ, tôi thường xuyên đưa, đón vợ từ nhà (phường Thịnh Đán, T.P Thái Nguyên) vượt qua hơn 25km đến các xã Hợp Tiến, Tân Lợi làm việc ở một trường mầm non. Thương vợ, thương bọn trẻ mỗi buổi chiều Đông rét co ro đợi cha mẹ đón muộn. Cánh tay vợ tôi và cả tôi ôm chúng vào lòng mà cảm thấy cái rét vẫn như cứa vào da vào thịt... Tôi quyết định rời thành phố về thuê nhà ở gần trường, coi như “cắm bản”. Và vợ động viên tôi chuyển nghề sang dạy mầm non. Năm 2012, tôi bắt đầu đi học sư phạm mầm non và sau đó chính thức chuyển sang nghề nuôi dạy trẻ. Vợ chồng chúng tôi thật hạnh phúc khi lúc nào bên mình cũng có hàng trăm người con yêu mến. Khi tôi theo nghề làm giáo viên mầm non, có rất nhiều người nói ra nói vào, vì ai cũng cho rằng nghề này chỉ hợp với phụ nữ. Thế nhưng, tôi lại có suy nghĩ, nếu mình yêu trẻ, yêu nghề thì công việc phụ nữ làm được thì nam giới cũng làm được. Và cho đến nay, nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn nghề giáo”. 

Thầy Vũ Văn Hoan trong giờ thao giảng Giáo viên dạy Giỏi cấp tỉnh (tháng 10-2019).

 

 

Nói về những khó khăn đối với một nam giáo viên mầm non, thầy Hoan cho biết: “Khi đi học sư phạm chỉ một mình là nam giới; khi đi dạy cũng duy nhất một mình là nam. Nhưng khó nhất vẫn là vượt qua những quan niệm của xã hội, bởi mới đầu vào nghề, nhiều phụ huynh không tin tưởng giao con cho mình chăm sóc, dạy bảo vì con họ là con gái; hay mỗi lần cho ăn, các em thường nhõng nhẽo, làm nũng… Đặc biệt, nhiều em rất nghịch ngợm, đánh bạn, nói không nghe lời nên phải có phương pháp phù hợp… Còn về thời gian, tôi luôn đến trường trước 6h30 và ra về sau khi phụ huynh đến đón hết con em mình, nên có buổi gần 7 giờ tối mới trở về nhà”.

Còn thầy Thuận, không giấu nổi niềm vui khi kể về những kỷ niệm: “Có lần tôi phải đóng vai là nữ. Tôi phải đi nhiều nơi để tìm mua đĩa, chuẩn bị trang phục rồi tập cho các em xòe từng cánh tay, bước từng bước chân… Các bé tập múa, tập hát, mình thấy ấm áp và hạnh phúc”. 

Chứng kiến từng cử chỉ ân cần, âu yếm, vỗ về khi trẻ khóc; nắn chỉnh từng động tác múa cho các cháu bé; hay đút từng thìa cơm, miếng nước cho các cháu, chúng tôi thầm cảm phục cái tài “không thua ai” của các thầy giáo nuôi dạy trẻ mầm non. Cùng với thầy Hoan, thầy Thuận, với lòng yêu nghề, mến trẻ, 11 thầy giáo mầm non đang đứng lớp trên địa bàn toàn tỉnh trong tổng số gần 5.200 giáo viên mầm non luôn là những tấm gương lao động giỏi tại cơ sở và trở thành giáo viên dạy giỏi các cấp. Họ chính là những người đang cống hiến thầm lặng cho sự nghiệp trồng người, góp phần bồi đắp quá trình hình thành nhân cách cho các thế hệ tương lai.