Đưa lịch sử địa phương vào trường học

09:38, 07/03/2020

Lịch sử địa phương được đưa vào giảng dạy không chỉ giúp học sinh hiểu biết về cội nguồn lịch sử của vùng đất nơi mình sinh ra và lớn lên, mà thêm tự hào và yêu quê hương xứ sở, từ đó giúp thế hệ trẻ rèn luyện phẩm chất, có lý tưởng sống tốt đẹp hơn. Đó là cách làm sáng tạo và tâm huyết của Trường THPT Phú Lương.  

Vận dụng tích hợp liên môn

Trăn trở với những phương pháp đổi mới để học sinh hiểu sâu và bồi đắp thêm kiến thức thực tế, hàng năm, Ban Giám hiệu Trường THPT Phú Lương đã phát động nhiều cuộc thi tìm hiểu lịch sử địa phương, nổi bật nhất là cuộc thi “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương lao động sáng tạo học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Cô giáo Nguyễn Thị Hòa, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Phú Lương cho biết: Lịch sử địa phương là một bộ phận của lịch sử dân tộc, có quan hệ mật thiết với lịch sử dân tộc. Bất cứ một sự kiện lịch sử dân tộc nào cũng đều mang tính địa phương vì nó diễn ra ở một địa phương cụ thể với không gian và thời gian xác định. Tùy quy mô, tính chất của sự kiện mà có thể ảnh hưởng đến từng địa phương, quốc gia và thậm chí cả thế giới. Cho nên, tri thức lịch sử địa phương là một bộ phận hợp thành, là biểu hiện cụ thể và phong phú của lịch sử dân tộc. Nó chứng minh sự phát triển hợp quy luật của mỗi địa phương trong sự phát triển chung của cả dân tộc. Với suy nghĩ đó, Nhà trường đã cùng với các bộ môn Văn, Địa, Sử thiết kế các bài giảng lồng ghép và khơi gợi tính sáng tạo, sưu tầm cho học sinh để cho mỗi giờ học thêm sinh động, không nhàm chán theo lối học thuộc lòng. Chính điều này đã thôi thúc các em luôn trân trọng mảnh đất, con người nơi chôn nhau cắt rốn”. 

Cô giáo Hứa Thị Hoàng Anh dạy môn Sử chia sẻ những kinh nghiệm: Trong các bài học môn Địa, các giáo viên đã chủ động lồng ghép những dữ liệu lịch sử của mảnh đất vào bài học; môn Văn cũng vậy, các sáng tác văn học thời kháng chiến chống Pháp, chúng tôi soạn ra những dữ liệu lịch sử liên quan đến các địa danh, hoàn cảnh, điều kiện ra đời tác phẩm… Ban đầu có thể một số học sinh chưa thích môn học, nhưng khi gắn bài học với các câu chuyện, vị trí địa lý, hoàn cảnh sáng tác… liên quan đến mảnh đất các em đang sinh sống, sẽ gợi nhớ cho học sinh về bài học và đích cuối cùng là trả lời cho người học “học để làm gì, nhớ để làm gì?”. Ngay từ chương trình lớp 10, các em đã được viết những bài luận về di tích lịch sử địa phương, từ đó phát triển thêm bằng nghệ thuật ngôn từ, kiến thức địa lý… các em đã có một nền tảng cơ bản từ diễn đạt, đến logic và hệ thống hóa được kiến thức nhiều môn. Trong phân phối chương trình, chúng tôi đã tích hợp được trên 20% kiến thức tích hợp liên môn và chủ yếu giao chủ đề cho học sinh viết bài tự luận”.

Học đi đôi với hành

“Học môn Sử chúng em rất ngại, vì phải thuộc và nhớ nhiều con số, sự kiện. Đi thực tế môn sử lại càng đơn điệu, vì toàn di tích mang tính cổ điển, cũ kỹ, rồi lại toàn rút ra bài học về giá trị đạo đức, giá trị văn hóa, lịch sử… Nhưng cách giao bài và chủ đề của các thầy, cô giáo, bắt buộc chúng em phải tìm hiểu sâu hơn trước khi đi thực tế, hay thực hành. Ví dụ như: Trong hoạt cảnh chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, tại sao bộ đội ta lại đội mũ bện rơm, dạ, mặc áo chấn thủ… Ban đầu khoác lên người thấy vui vui, nhưng chả biết sao lại thế; hoặc như các vị trí chiến lược ATK tại sao lại được bộ đội, hoặc bậc tiền bối lựa chọn. Rõ ràng không thực tế thì không giải thích được, vì ở đó có cả kỹ năng, kiến thức khoa học về vật lý, địa lý, thậm chí lại có cả kiến thức về phong thủy. Mũ rơm dạ, áo chấn thủ là để hạn chế sát thương của mảnh đạn, bom; vị trí chiến lược là bí mật mà thuận khí hậu, thời tiết, luồng gió, mạch nước…” - em Nguyễn Thị Mai Thương lớp 10A1 chia sẻ.

Giờ sinh hoạt ngoại khóa theo nhóm và lựa chọn chuyên đề của cô và trò lớp 10A1 Trường THPT Phú Lương. 

Cô giáo Lưu Thị Mơ, giáo viên dạy Sử hào hứng chia sẻ: “Hàng năm tổ xã hội thường phối hợp với các giáo viên chủ nhiệm tổ chức hoạt động dã ngoại theo chuyên đề tích hợp. Ví dụ: Tìm hiểu văn học dân gian trong cộng đồng các dân tộc của huyện, hay trải nghiệm các hoạt cảnh trong văn học, lịch sử, viết bài tự luận sau tham quan di tích lịch sử. Mỗi chuyên đề đều có chủ đề và chia nhóm để học sinh chủ động viết bài, trình bày trước lớp, có minh họa video, trình chiếu rất sinh động và tăng tính sáng tạo của học sinh. Ban đầu, học sinh và cả phụ huynh còn nhìn nhận chỉ là cuộc dã ngoại thuần túy, nhưng qua các bài luận của học sinh mới thấy các em đã nhập tâm thực sự”. 

Cô giáo Nguyễn Thị Hòa, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết thêm: Trong thời đại công nghệ số, cần tăng cường giới thiệu về văn hóa và con người Phú Lương thông qua các hoạt động chuyên môn về văn hóa, du lịch đặc biệt là trên cả mạng xã hội. Thông qua cuộc thi tìm hiểu lịch sử địa phương, Trường thu nhận hàng nghìn bài biết của học sinh, nhiều tư liệu và các bài phân tích rất sinh động. Điều đó chứng tỏ học Sử cần có không gian và môi trường học tập tốt, sinh động mới thu hút được người học. Với địa phương có 122 điểm di tích, trong đó 4 di tích cấp quốc gia, 12 di tích cấp tỉnh, 40 đình, đền, chùa, miếu, điện thờ. Các địa danh lịch sử đã trở thành địa chỉ đỏ thu hút khách đến tham quan như: Khuân Lân - Nơi đây năm 1952 được Bác Hồ và Chính phủ chọn làm địa điểm tổ chức Đại hội chiến sĩ thi đua lần thứ nhất; thị trấn Giang Tiên với Xưởng quân giới sản xuất súng BaZoka đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam; Tiểu khu Lê Hồng Phong - nơi thành lập Đại đoàn quân tiên phong (Đại đoàn 308); Nhà bia tưởng niệm Bác Hồ ở xóm Đồng Cháy (Phủ Lý); Đền thờ Bác Hồ và các Anh hùng liệt sĩ; Đình Kẻm - nơi Bác Hồ phát động thu thuế xây dựng đất nước; di tích Lũng Lươn - nơi Bác Hồ phát động làm đường giao thông… Những địa chỉ đỏ này mãi là niềm tự hào về một quê hương ngàn năm văn hiến cho nhân dân các dân tộc huyện Phú Lương nói chung và các thế hệ học sinh.