Số hóa công tác Đảng vụ: Vượt khó ngay từ giai đoạn đầu (bài 2)

Nhóm P.V Xây dựng Đảng 09:40, 27/10/2023

Bài 2: Khắc phục hạn chế, cập nhật tiện ích

Với rất nhiều tiện ích và ưu điểm, quá trình triển khai giai đoạn 1 ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử (STĐVĐT) cơ bản nhận được sự hài lòng của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên. Tuy nhiên, ứng dụng này cũng còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế, cần có sự điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp...

Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả triển khai ứng dụng STĐVĐT của Đảng bộ tỉnh giai đoạn 1 (tháng 4-2023).
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả triển khai ứng dụng STĐVĐT giai đoạn 1 của Đảng bộ tỉnh (tháng 4-2023).

Nhiều nội dung cần hoàn thiện

Đảng viên Hoàng Thị Hợi, Chi bộ tổ dân phố 7, Đảng bộ phường Đồng Quang (TP. Thái Nguyên) cho biết: Chúng tôi chưa dùng nhiều ứng dụng STĐVĐT vì có đợt bị lỗi hệ thống, khó truy cập. Biết là ứng dụng có nhiều chức năng tốt, nhưng cần có thời gian để chúng tôi làm quen và sử dụng thành thạo hơn.

Đồng chí Hoàng Anh Trung, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, chia sẻ: Ứng dụng STĐVĐT đang hoàn thiện nên thường xuyên được cập nhật, điều chỉnh, gây khó khăn nhất định cho người dùng, như: Chưa thực hiện được việc chỉ đạo công việc, giao việc, học tập nghị quyết, khảo sát ý kiến trên ứng dụng. 

Còn đồng chí Lương Thanh Ngân, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Định Hóa, đánh giá: Một số thao tác trong việc đăng tải tài liệu còn phức tạp; chưa có hướng dẫn cụ thể việc khai thác tài liệu. Ngoài ra, chúng tôi thấy ứng dụng chưa thực hiện phân quyền cho cấp cơ sở nên việc đăng tải tài liệu, thông tin của đảng bộ cơ sở lên ứng dụng chưa thực hiện được để đảng viên khai thác, nắm bắt.

Đại diện nhiều chi bộ, đảng bộ cơ sở trên địa bàn tỉnh cũng phản ánh: Để truy cập vào STĐVĐT với vai trò quản lý đơn vị, tài khoản đăng nhập cần được phân quyền và truy cập vào menu quản lý cho bí thư, nhưng hiện nay chưa sử dụng được. Ví dụ như: Việc thêm đảng viên mới vào danh sách, quản lý số đảng viên đã cài đặt ứng dụng, quản lý giao việc, sinh hoạt chi bộ… Bí thư chi bộ thêm đảng viên chưa cài vào danh sách của chi bộ nhưng không nhập được số thẻ đảng viên nên phần mềm luôn ngầm định là “đảng viên dự bị”.

Ứng dụng STĐVĐT của Đảng bộ tỉnh có nhiều tiện ích, chức năng quản lý trong công tác Đảng.
Ứng dụng STĐVĐT của Đảng bộ tỉnh có nhiều tiện ích, chức năng quản lý trong công tác Đảng.

Tại các hội nghị được tổ chức để đánh giá kết quả triển khai ứng dụng STĐVĐT giai đoạn 1, chúng tôi cũng ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh về phần mềm ứng dụng vẫn còn gây khó khăn cho người dùng, như: Mật khẩu bị mất khó cấp lại do tính bảo mật cao; phần mềm đang trong quá trình hoàn thiện nên mỗi lần nâng cấp đều bị lỗi hệ thống; việc gửi văn bản họp lên ứng dụng qua hệ điều hành IOS gặp khó khăn; một số tính năng quản lý đảng viên từ trần và xoá tên, khai trừ chưa có, nên khó khăn cho công tác quản lý đảng viên thường xuyên của chi bộ…

 

Cơ sở vật chất và con người chưa thực sự đáp ứng

Cùng với các tiện ích cần tiếp tục được cập nhật và hoàn thiện cho phù hợp thì cơ sở vật chất và bản thân người dùng ở một số nơi chưa thực sự đáp ứng yêu cầu trong lĩnh vực này cũng làm hạn chế hiệu quả của ứng dụng STĐVĐT. Nhiều đảng viên, nhất là đảng viên cao tuổi không sử dụng điện thoại, hoặc điện thoại chưa tương thích, nên không thể cài đặt ứng dụng. Ở một số khu vực nông thôn, miền núi do chưa có sóng hoặc sóng điện thoại chưa ổn định dẫn đến khả năng khai thác các tiện ích của STĐVĐT còn hạn chế, như tại các huyện Võ Nhai, Định Hóa.

Tại nhiều khu vực nông thôn, miền núi ở các huyện Võ Nhai, Định Hóa do chưa có sóng hoặc sóng điện thoại chưa ổn định nên việc khai thác các tiện ích của STĐVĐT còn hạn chế. Trong ảnh: Cán bộ trẻ ở xã Phú Tiến (Định Hóa) hướng dẫn đảng viên cao tuổi khai thác, sử dụng các tiện ích của STĐVĐT. 
Tại nhiều khu vực nông thôn, miền núi ở các huyện Võ Nhai, Định Hóa do chưa có sóng hoặc sóng điện thoại chưa ổn định nên việc khai thác các tiện ích của STĐVĐT còn hạn chế. Trong ảnh: Cán bộ trẻ ở xã Phú Tiến (Định Hóa) hướng dẫn đảng viên cao tuổi khai thác, sử dụng các tiện ích của STĐVĐT. 

Cụ thể với Đảng bộ huyện Võ Nhai, hiện nay số lượng đảng viên đã cài đặt STĐVĐT là 3.906/5.166 đảng viên (đạt tỷ lệ 75,6%), thấp hơn khoảng 15% so với tỷ lệ chung của tỉnh. Điều này xuất phát từ đặc thù địa bàn miền núi, một số nơi sóng điện thoại, mạng 3G/4G không ổn định để cài đặt và sử dụng ứng dụng. Một số đảng viên điều kiện kinh tế còn khó khăn, chưa có điện thoại thông minh; đảng viên cao tuổi chưa biết cách sử dụng nên còn hạn chế trong việc khai thác thông tin và các tiện ích của STĐVĐT...

 

Một số chức năng của STĐVĐT cần có máy tính để soạn thảo, cập nhật nội dung sinh hoạt chi bộ vào ứng dụng nhưng đa số Bí thư chi bộ, nhất là khu vực nông thôn không có máy tính, nếu có thì khả năng sử dụng hạn chế. Hay việc soạn thảo nghị quyết của chi bộ đẩy lên ứng dụng gặp khó khăn đối với các đồng chí Bí thư chi bộ cao tuổi. Nếu viết tay rồi chụp ảnh đưa lên cũng chưa thuận tiện nhất là đối với điện thoại sử dụng hệ điều hành IOS của Iphone. Lý do nữa khiến việc sử dụng STĐVĐT chưa phát huy hết hiệu quả là quá trình truy cập ứng dụng vào hệ thống có thời điểm nghẽn mạng, chưa thông suốt…

Bệnh “hình thức” và “ngại làm” vẫn còn

Đánh giá việc phát sinh những vướng mắc, khó khăn trong giai đoạn đầu thực hiện “số hóa” công tác Đảng vụ là điều không tránh khỏi, trong quá trình triển khai ứng dụng STĐVĐT, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức nhiều hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm. Qua đó, đội ngũ cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở thẳng thắn nhìn nhận, việc STĐVĐT chưa phát huy được tối đa hiệu quả một phần do nguyên nhân chủ quan, như: Một số cấp ủy chưa thực sự quyết liệt triển khai ứng dụng nên tổ quản trị chưa phát huy được hết vai trò định hướng, hướng dẫn cơ sở khai thác các tính năng của ứng dụng.

 

Bên cạnh những đơn vị chủ động trong việc tập huấn, hướng dẫn khai thác, sử dụng ứng dụng, còn có cấp ủy chưa tổ chức việc này đến các chi bộ, mà mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt và đăng ký tài khoản. Bởi vậy vẫn tồn tại tình trạng ở một số nơi, tỷ lệ cài đặt STĐVĐT cao nhưng thực chất số khai thác, sử dụng hiệu quả mới chỉ chiếm phần nhỏ. Cũng phải nghiêm túc đánh giá, còn có bí thư chi bộ ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự tâm huyết, trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong việc dành thời gian nghiên cứu để triển khai ứng dụng tại chi bộ mình. 

Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy, tại nhiều chi bộ, đảng bộ, trong đó có một số sở, ngành trên địa bàn tỉnh, tình trạng đảng viên sử dụng điện thoại thông minh đã cài đặt STĐVĐT nhưng lại không hoặc ít sử dụng còn khá phổ biến. Không ít cán bộ, đảng viên chưa thực sự coi trọng và thực hiện nghiêm túc việc khai thác, sử dụng ứng dụng, dẫn tới ứng dụng STĐVĐT chưa thực sự phát huy được hiệu quả như kỳ vọng…

(Còn tiếp…)