Ông tổ chè Tân Cương

09:20, 09/11/2013

Xưa kia, Tân Cương là một vùng rừng núi hoang vu. Năm 1919, sau khi đại chiến thế giới lần thứ nhất kết thúc, một số binh lính Việt Nam được tuyển mộ sang Pháp mãn hạn trở về, được Nhà Nước bảo hộ Pháp cho phép lên Tân Cương lập đồn điền khai khẩn đất hoang. Năm 1921, vùng Tân Cương đã có vài chục nóc nhà, do không muốn bị phụ thuộc và cũng do khoảng cách khá xa với các xã lân cận nên dân Tân Cương xin với ông Nghè Tuân là Tuần phủ,  cho lập ra một xã riêng. Ông Nghè chuẩn y, cho tiến hành các thủ tục thành lập xã mới, lấy tên là Tân Cương. 

Ngày ấy, Tân Cương đồi núi mênh mang, hoang vu rậm rạp, đêm đêm nghe tiếng nai tác, hổ gầm. Chuyện cọp về làng bắt trâu, lợn xảy ra như cơm bữa. Dân khai phá nương rẫy, gieo trồng lúa khoai, cực nhọc trăm bề mà đói vẫn hoàn đói. Lắm khi mấy tháng liền không nhìn thấy hạt gạo, chỉ ăn toàn sắn khoai. Thấy vậy, ông Nghè  mới bàn với dân Tân Cương đem giống chè về trồng để có thêm thu nhập. Theo chỉ dẫn và có phần chu cấp của ông Nghè, ông Đội Năm là tiên chỉ đầu tiên của xã Tân Cương cùng một số trai tráng đã lặn lội lên Phú Thọ để xin giống chè.

 

Ông Đội Năm tên thật là Vũ Văn Hiệt, sinh năm 1883 tại xã Bạch Xam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Thuở nhỏ, ông đã phải làm ăn kiếm sống tại Hà Nội và nhiều tỉnh khác. Cuộc chiến tranh thế giới bùng nổ, cụ bị thực dân Pháp bắt đi lính, làm khuôn đúc các chi tiết máy bay. Do giỏi nghề nên được làm đội trưởng (do vậy dân Tân Cương gọi cụ là Đội Năm). Mãn hạn về nước, ông cùng 11 người khác được chính quyền bảo hộ Pháp cho lên vùng Tân Cương khai khẩn đất đai, thành lập làng Tân Cương để sản xuất nông nghiệp. Vì có uy tín nên ông đã được dân cử làm tiên chỉ của làng Tân Cương thời đó.

 

Nhờ giống chè từ Phú Thọ, ngày lại ngày, năm lại năm, Tân Cương chẳng mấy chốc đã choàng lên mình màu xanh mướt của các nương chè. Cây chè ông Đội Năm trồng ô vuông thưa 1 - 2 m, ngang dọc, tán cao ngang ngực, độ 1 m, mặt tán bằng cái nong. Năm 1925, ông Đội Năm dựng xưởng chế biến chè, xưởng của ông lúc nào cũng có đến 4 - 5 chục nhân công thu hái, sao chế. Ông lấy tên "Cánh hạc” làm thương hiệu cho sản phẩm (đó là hình tượng của búp chè một tôm hai lá đều nhau tăm tắp), mở hiệu bán chè ở thị xã Thái Nguyên, rồi đặt địa chỉ giao dịch ở một số tỉnh thuộc 3 kỳ trong nước.

 

Chè ngon "Cánh hạc” đã được tôn vinh Giải nhất ở khu Đấu xảo (Hội chợ thương mại Hà Nội) năm 1935. Ngay lập tức các thương gia Ấn Độ đã đến tận Thái Nguyên để đặt hàng hàng chục tấn trà mang đi các nước. Chính vì công lao to lớn của cụ mà dân làng Tân Cương mới suy tôn ông Đội Năm là ông tổ chè.