Đền Đỗ Cận, thuộc xóm Thống Thượng, xã Minh Đức (T.X Phổ Yên) là nơi tưởng niệm Tiến sĩ Đỗ Cận - một danh nhân văn hóa của nước ta sống ở thế kỷ XV. Tuy được công nhận là Di tích cấp Quốc gia từ năm 2014, nhưng đến nay nhiều hạng mục của công trình đã xuống cấp, quy mô đền và hạ tầng giao thông cũng chưa tương xứng, đòi hỏi cần sớm có sự đầu tư tôn tạo, nâng cấp.
Theo các tài liệu lịch sử, Tiến sĩ Đỗ Cận tên thật là Đỗ Viễn, sinh năm 1434 (chưa rõ năm mất) tại làng Thống Thượng, tổng Thống Thượng, huyện Phổ Yên, phủ Phú Bình, xứ Thái Nguyên. Trong số những vị đỗ đại khoa của quê hương Thái Nguyên, danh nhân Đỗ Cận là bậc khai khoa. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất, niên hiệu Hồng Đức năm thứ chín (năm 1478). Ông được vua đổi tên thành Đỗ Cận, bổ nhiệm làm quan đến chức thượng thư, vào hàng những vị đại thần đứng đầu triều đình Lê Thánh Tông (1460-1497).
Đỗ Cận nổi tiếng về tài năng văn học, là một trong “nhị thập bát tú” của “Tao đàn” do vua Lê Thánh Tông sáng lập. Truyện thơ Phan Trần nổi tiếng do ông viết bằng chữ Nôm đã dựng thành chèo, lưu truyền phổ biến trong dân gian. Năm 1483, ông được làm Phó sứ trong Đoàn sứ bộ Đại Việt sang cống tuế nhà Minh. Trong chuyến đi, ông đã viết tập “Kim Lăng ký” ghi lại phong tục, cảnh vật, con người đất Kim Lăng thuộc Nam Kinh (Kinh đô Trung Quốc thời Minh) bằng chữ Nôm, hai bài thơ trong chuyến đi này được Lê Quý Đôn chép lại trong sách “Toàn Việt thi lục”.
Thân thế và sự nghiệp của Đỗ Cận còn được ghi lại ở các sách: Đại Nam nhất thống chí, Đại Việt sử ký toàn thư... Không chỉ tài cao và đỗ đạt, ông còn luôn đau đáu về quê hương với nhiều đóng góp và vận động tu bổ đường sá, chùa chiền. Đặc biệt, ông đã thuê thợ giỏi, kén gỗ tốt, dựng lại ngôi đền Lục Giáp tại xã Đắc Sơn (T.X Phổ Yên), phỏng theo kiểu dáng Văn Miếu thay cho ngôi đền cũ nhỏ. Công trình được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia từ năm 1993.
Ngưỡng mộ và biết ơn danh nhân Đỗ Cận, dân làng Thống Thượng đã dựng đền thờ ông tại địa phương. Ngôi đền nằm khiêm nhường bên sườn núi Phổ Sơn, hướng mặt ra cánh đồng, phía trước đền là một khoảng sân rộng. Ông Dương Văn Phượng, 82 tuổi, trông đền từ hơn chục năm nay nói: Đền được xây dựng từ giữa thế kỷ XVIII bằng gỗ lim, tường gạch, mái lợp ngói mũi. Do chiến tranh loạn lạc đã bị đổ nát. Năm 1980, đền được nhân dân xây dựng lại bằng gỗ bạch đàn, mái lợp rạ. Năm 1996, cùng với sự quan tâm của Nhà nước, nhân dân địa phương đã công đức đóng góp tôn tạo lại ngôi đền. Kiến trúc ngôi đền rất đơn giản, nhà cấp 4 tường đầu hồi, bít đốc, mái lợp ngói vuông, bờ nóc, bờ dải không trang trí hoa văn. Trong đền chỉ có bàn thờ đặt ở chính giữa có pho tượng mô tả chân dung Tiến sĩ Đỗ Cận.
Nói về thực trạng ngôi đền hiện nay, ông Dương Văn Phượng băn khoăn: Công trình tuy được tu bổ lại nhưng quy mô đơn giản, đã tiếp tục xuống cấp nhiều và hiện vật hầu như không có. Xung quanh di tích không có tường bảo vệ. Điều bất cập nữa là khoảng sân phía trước cũng là tuyến đường dân sinh của xóm. Người dân thường xuyên đưa trâu bò đi qua khu vực này nên rất mất vệ sinh. Tôi ngày nào dọn dẹp nhưng cũng không xuể.
Ông Triệu Thế Lực, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Đức nói: Vấn đề tôn tạo, nâng cấp đền Đỗ Cận được nhân dân nhiều lần đề nghị. Đây cũng là trăn trở từ lâu của chính quyền địa phương. Mới đây, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã về khảo sát, dự kiến sẽ xây dựng mới một khu nhà thờ chính Tiến sĩ Đỗ Cận với kinh phí 1,5 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 1 tỷ đồng và địa phương huy động xã hội hóa đối ứng 500 triệu đồng. Về giao thông, Thống Thượng là xóm điểm của Minh Đức thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Do vậy, trong thời gian tới, xã sẽ vận dụng các nguồn vốn để mở rộng tuyến bê tông từ 3 lên 5m, nối đường tỉnh 261 dẫn vào Đền Đỗ Cận để thuận tiện đi lại. Cũng để đảm bảo cảnh quan cho khu di tích, chúng tôi dự định mở một tuyến đường dân sinh mới vòng qua khu vực đền để nhân dân không còn đưa gia súc qua cửa sân đền nữa. Tuy nhiên, điều này sẽ phải giải phóng một diện tích mặt bằng và kinh phí thi công khá lớn. Do vậy, rất cần có ý kiến tư vấn và hỗ trợ vốn từ cấp trên.
Theo dự kiến, nhà thời chính Tiến sĩ Đỗ Cận sẽ sớm được khởi công xây dựng. Đây thực sự là một tin vui đối với người dân địa phương. Ông Nguyễn Thế Lực nhấn mạnh: Danh nhân Đỗ Cận là niềm tự hào của T.X Phổ Yên nói riêng và của cả tỉnh nói chung, để quần thể di tích xứng tầm cấp Quốc gia, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, rất cần sự chung sức nhiều hơn nữa của các tổ chức, các nhân có tấm lòng.