Đồi Hoàng Ngân

10:11, 26/06/2018

Người dân xã Điềm Mặc (Định Hóa) giờ đây quen gọi địa danh đồi Pù Ngạm Ngà với tên là Hoàng Ngân (tức bà Phạm Thị Vân) - Bí thư đầu tiên của Trung ương Đoàn Phụ nữ cứu quốc, đồng thời là người sáng lập, Tổng Biên tập đầu tiên của tờ báo Tiếng gọi Phụ nữ, tiền thân của Báo Phụ nữ Việt Nam. Đây cũng là nơi có di tích lịch sử trụ sở cơ quan của Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc (giai đoạn 1948-1951), nay là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Nằm trong vùng chiến khu, Định Hóa là nơi ra đời và làm việc của nhiều cơ quan Đảng và Chính phủ trong kháng chiến chống Pháp. Lịch sử Đảng bộ huyện Định Hóa và các tài liệu khác có ghi: Tháng 4-1947, bà Hoàng Ngân được bầu làm Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ, kiêm Bí thư Ban Chấp hành Phụ nữ cứu quốc - một trong hai cơ quan tiền thân của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Trước yêu cầu của việc tuyên truyền, vận động đoàn kết phụ nữ kháng chiến, kiến quốc, Hoàng Ngân là người có sáng kiến thành lập Báo Tiếng gọi Phụ nữ, tiền thân của Báo Phụ nữ Việt Nam sau này. Đúng ngày 19/8/1948, Báo Phụ nữ Việt Nam số 1 được xuất bản. Trong giai đoạn này, cơ quan Trung ương Đoàn Phụ nữ Cứu quốc Việt Nam ở và làm việc tại đồi Pù Ngạm Ngà thuộc xóm Bản Quyên, xã Thanh Định (nay là xóm Thẩm Doọc 1, xã Điềm Mặc).

Theo lời kể của nhân chứng là ông Ma Đình Bài và ông Hạc Thông Khuyên, xóm Thẩm Doọc 1: Khu đất nơi đặt trụ sở của Hội khi ấy thuộc quyền quản lý của gia đình ông Hạc Thông Cam, nằm kín đáo trong rừng tre, nứa rậm rạp. Cơ quan gồm 2-3 lán lợp lá cọ, các vách được đan bằng các cây vầu, nứa. Ngoài ra, còn có giếng nước sử dụng chung với người dân trong xóm. Tất cả có khoảng 40 người sinh hoạt và làm việc tại đây. Vào ngày mùa, cán bộ phụ nữ tham gia giúp đỡ, động viện khuyến khích bà con tăng gia sản xuất và ủng hộ cách mạng.

Thực hiện chủ trương của Đảng, cơ quan Trung ương Đoàn Phụ nữ Cứu quốc Việt Nam đã có nhiều hình thức hoạt động phong phú, tổ chức xây dựng các cấp hội địa phương và các phong trào thi đua ái quốc “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, vận động các tầng lớp phụ nữ thực hiện phong trào: Phụ nữ học cày bừa, tăng gia sản xuất, mua công phiếu kháng chiến,…tuyên truyền, vận động chị em tham gia đấu tranh chống giặc Pháp, tay sai và bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ. Năm 1948, cơ quan của Hội vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, làm việc tại đồi Pù Ngạm Ngà.

Sau khi bà Hoàng Ngân qua đời (năm 1949), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy tên người Bí thư đầu tiên của Trung ương Đoàn Phụ nữ cứu quốc để thay cho tên đồi Pù Ngạm Ngà. Ngày nay đường vào địa điểm trụ sở Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc vẫn rợp bóng mát của cọ và tre nứa. Nơi đây đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh và dựng bia ghi dấu sự kiện để nhắc nhớ những các thế hệ đi sau (ảnh). Ngoài ra, ngay sát bia di tích còn có cây sui hàng trăm năm tuổi như hình ảnh tượng trưng người dân Định Hóa luôn che chở, đùm bọc và bảo vệ cho các cơ quan, cán bộ Trung ương ở và làm việc.