Đầu năm 1949, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) trở thành trường huấn luyện cán bộ thường xuyên của Trung ương Đảng, đánh dấu bước phát triển mới mang tính bước ngoặt trong công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ của Đảng.
Địa điểm đầu tiên của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc được đặt tại Làng Luông (xã Bình Thành, huyện Định Hóa), được Thường vụ Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, chăm lo đặc biệt đến công tác đào tạo cán bộ Đảng. Tổng Bí thư Trường Chinh lãnh đạo công tác tuyên huấn, đồng thời phụ trách Trường Nguyễn Ái Quốc. Giảng viên ngoài một số giáo viên của Nhà trường, còn có nhiều cán bộ cấp cao của Đảng như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Trưởng Ban Đảng vụ Lê Đức Thọ; Bí thư Tổng bộ Việt Minh Hoàng Quốc Việt, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp; Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Quyền Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Tôn Đức Thắng…
Khóa I được mở từ tháng 2 và kết thúc vào tháng 4-1949, với 40 học viên chủ yếu là cán bộ, đảng viên cốt cán của các cơ quan Trung ương, các tỉnh trong Chiến khu Việt Bắc. Dù bộn bề công việc nhưng Người vẫn luôn theo dõi và chỉ đạo lớp học. Khóa II mở vào tháng 9- 1949 với 175 học viên từ nhiều liên khu kháng chiến. Lớp học có cả học viên là người dân tộc Mông ở Sơn La; Nùng, Thái, Dao ở Hòa Bình, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn. Vinh dự lớn cho khóa học là ngay buổi đầu tiên, Người đã đến thăm Trường. Trong cuốn sổ vàng của Trường, Người viết: Học để: Làm việc, Làm người, Làm cán bộ, Học để phụng sự Đoàn thể, Phụng sự giai cấp và nhân dân, Phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt được mục đích thì phải: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Những lời Bác ghi trong sổ vàng Nhà trường là di huấn vô giá.
Ngày 21-4-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm trường, Người giáo dục tinh thần cần, kiệm, liêm, chính một cách thiết thực, yêu cầu học viên phải thực hiện điều đó ngay trong trường học.
Trong khóa II, Tổng Bí thư Trường Chinh đã ghi vào sổ vàng: “Đối với việc học tập của mỗi đảng viên, thành công thứ nhất là biết áp dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi lúc, mỗi nơi; thành công thứ hai là đạo đức thêm cao, Đảng tính thêm mạnh”.
Ngày 2-5-1950, trong dịp sang Việt Nam, Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp do đồng chí Leo Figuege, Ủy viên Trung ương Đảng, Nghị sĩ Quốc hội đã đến thăm Trường và là sự kiện rất có ý nghĩa trong quan hệ quốc tế của Trường.
Do phải đối phó với các cuộc bao vây của thực dân Pháp, các cơ quan Trung ương của Đảng, Chính phủ, Quân đội thường xuyên phải di chuyển. Tháng 8-1950, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc ở Làng Luông chuyển lên xóm Vinh Quang (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) sau đó phải chuyển địa điểm nhiều lần ở các huyện: Sơn Dương (Tuyên Quang); Đan Phượng (Hà Đông). Trước khi chuyển về Hà Nội, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đã đào tạo, bồi dưỡng được 5.750 cán bộ cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Địa điểm di tích nơi ghi dấu sự ra đời của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc ở Làng Luông và ngày Bác đến thăm Trường lần đầu tiên trở thành Ngày truyền thống của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ngày nay. Học viện đã đóng góp to lớn vào đào tạo hàng vạn cán bộ chủ chốt của Đảng ta qua các thời kỳ. Địa điểm Di tích lịch sử kháng chiến đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2013.