Người xây dựng thương hiệu phân bón hữu cơ sinh học NTT

10:45, 31/10/2018

Tiến sĩ Nguyễn Viết Hưng, Trưởng Khoa Nông học, Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên) nhận xét: Với trình độ chuyên môn tốt, thầy Phạm Văn Ngọc tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Thầy đã có nhiều đóng góp trong hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ cho các vùng nông nghiệp trong và ngoài tỉnh. Tiêu biểu nhất là các sản phẩm phân hữu cơ đã được bà con nông dân ứng dụng hiệu quả. Thầy cũng được đồng nghiệp, sinh viên yêu quý, khâm phục bởi sự cần cù, năng động, dám nghĩ dám làm.

Sau rất nhiều lần liên hệ, tôi mới gặp được Tiến sĩ Nông học Phạm Văn Ngọc vì nay anh ở Bắc Giang, mai Yên Bái, tất bật với các dự án, chương trình chuyển giao khoa học công nghệ cho người dân. Tiếp xúc với anh, có lẽ bất cứ ai cũng như tôi đều có chung cảm nhận, anh là con người giản dị, gần gũi.

Tiến sĩ Phạm Văn Ngọc sinh năm 1972, quê ở Thanh Hóa. Năm 1995, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp I, anh về công tác ở Viện Di truyền Nông nghiệp. Đến năm 2007, anh chuyển về làm giảng viên Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên để ở gần gia đình (vợ anh hiện công tác tại Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên). Ngay sau khi về Trường, anh được giao nhiệm vụ nghiên cứu phân bón hữu cơ sinh học chất lượng cao để phát triển vùng chè đặc sản của Thái Nguyên. Khi hoàn thành nghiên cứu, Trường đã đưa loại phân này vào vùng chè Tân Cương (T.P Thái Nguyên) giới thiệu cho người dân thử nghiệm. Sau đó, họ bảo: Sản phẩm tốt thế này, các anh sản xuất đi để bán cho nông dân dùng lâu dài. Vậy là anh Ngọc và một số đồng nghiệp nghiên cứu đề tài phân hữu cơ sinh học NTT đã góp vốn thành lập Công ty cổ phần Việt Mỹ. Anh Ngọc cho biết: Năm 2011, phân bón NTT đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là phân bón mới và nằm trong danh mục các loại phân bón được phép sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam. Không chỉ ở vùng chè Tân Cương, hiện người dân ở nhiều vùng trồng chè, rau, hoa trong tỉnh như Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ... đã tin tưởng lựa chọn phân bón NTT.

Tiến sĩ Ngọc không nói suông. Tôi đã gặp và được một số nông dân sử dụng phân bón NTT đánh giá tốt về loại phân bón này. Ông Phạm Ngọc Tuy, hộ sản xuất chè ở xóm Hồng Thái 1, xã Tân Cương cho biết: Sau khi sử dụng, tôi thấy phân NTT có hàm lượng mùn cao nên hạn chế sự rửa trôi các chất dinh dưỡng, làm đất tơi xốp hơn, kích thích hệ rễ của cây phát triển mạnh, tăng khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng và khả năng chống chịu khô hạn, giá rét và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. So với việc bón trực tiếp đạm, kali vào đất thì bón phân NTT tiết kiệm được 25-30% lượng phân bón sử dụng. Từ năm 2009 đến nay, tôi đều sử dụng phân bón hữu cơ sinh học. Hai năm gần đây, tôi tiếp tục bón phân khoáng hữu cơ của Trường Đại học Nông lâm, không bón các loại phân hóa học nữa.

Trong câu chuyện về việc xây dựng thương hiệu loại phân bón của anh Ngọc, tôi nhận ra để có được kết quả như hôm nay, anh và các cộng sự đã bỏ ra biết bao tâm huyết. Anh bảo: Nghiên cứu khoa học tốn nhiều thời gian và công sức. Thử nghiệm thành công cũng phải qua vài chục lần thất bại.

Ngoài sản phẩm phân bón hữu cơ sinh học NTT, anh Ngọc cùng các đồng nghiệp cũng nghiên cứu thành công một số giống lúa thuần và lúa lai được người dân một số tỉnh miền núi phía Bắc và khu vực đồng bằng sông Hồng sử dụng. Mấy năm gần đây, anh tiếp tục tham gia nghiên cứu các đề tài cấp tỉnh, cấp bộ, đưa vào sản xuất và thương mại hóa phân hữu cơ khoáng chuyên bón lót NTR1, phân bón chuyên bón thúc với tên gọi NTR2. Sau khi thử nghiệm thành công, anh đã ký các hợp đồng chuyển giao công nghệ, sản xuất hai loại phân này cho nông dân nhiều tỉnh, thành phố trung du miền núi phía Bắc. Trung bình, xưởng sản xuất của anh cung ứng ra thị trường 600-700 tấn/năm phân hữu cơ khoáng.

Mỗi ngày vẫn miệt mài nghiên cứu, cần mẫn đi thực tế, khảo sát, thực nghiệm, tìm hiểu thị trường, anh Ngọc như được tiếp thêm động lực bởi sản phẩm anh nghiên cứu được người nông dân đón nhận và sử dụng hiệu quả. Tuy nhiên, điều anh băn khoăn hiện nay đó là nhu cầu về lượng phân bón của người dân ngày càng cao mà xưởng sản xuất nhỏ (diện tích trên 2.300m2). “Bây giờ, khó khăn lớn nhất của chúng tôi lại là sản xuất kịp với nhu cầu của người dân. Bởi ban đầu, xưởng chỉ sản xuất 300 tấn/năm, hiện nay con số đã nâng lên 1.000 tấn/năm. Thời gian tới, chúng tôi dự tính sẽ nâng quy mô sản xuất lên 10-15 nghìn tấn/năm, gấp hơn 10 lần so với công suất bây giờ. Tôi rất mong được các cấp ngành chính quyền tạo điều kiện để chúng tôi mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động hơn (số công nhân tại xưởng hiện là 8 người, với mức lương từ 6,5-7 triệu đồng/năm)”. - Anh Ngọc cho biết thêm.