Trong ký ức của hàng nghìn người dân thuộc các tỉnh miền xuôi tình nguyện chia xa mảnh đất “trôn nhau cắt rốn” để lên vùng đất “nửa đồng, nửa núi” Thái Nguyên khai hoang lập nghiệp vào những năm thập kỷ 60, 70, 80 của thế kỷ trước vẫn in đậm những niềm vui, sự hồ hởi và cả sự nhọc nhằn, thiếu thốn. Mấy chục năm qua, những người tiên phong đi mở đất, lập làng đã vượt qua mọi thử thách, dành trọn tâm huyết, công sức, trí tuệ và cả máu của mình để chung sức xây dựng lên nhừng miền quê tưới đẹp như hôm nay…
Đồng chí Nông Văn Thân, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Điềm Mặc (Định Hóa) rất tự hào khi kể với chúng tôi về lịnh sử các xóm của xã mang tên Song Thái và Bình Nguyên. Tên của các xóm vùng kinh tế mới của xã Điềm Mặc rất sâu sắc, ý nghĩa bởi lấy từ Thái của hai tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Thái Bình ghép lại để người dân nhớ về quê cũ nhưng quyết tâm lập nghiệp ở quê mới. Sau gần 40 năm, miền Song Thái (gồm 3 xóm) và miền Bình Nguyên (gồm 3 xóm) đã trở thành vùng chuyên canh chè lớn nhất của xã Điềm Mặc. Điều kiện vật chất, tinh thần của người dân ở miền Song Thái cũng ở mức cao so với các vùng nông thôn lân cận.
Điều đáng quý hơn là mối quan hệ keo sơn, máu thịt giữa đồng bào dân tộc Tày, Nùng bản địa với đồng bào dân tộc Kinh từ quê lúa Thái Bình lên lập nghiệp luôn trọn vẹn hai chữ nghĩa tình. Không chỉ đùm bọc, giúp đỡ nhau về miếng ăn, chỗ ở những ngày mới dựng làng hay chia nhau mảnh nương, mảnh ruộng để cùng trồng cấy mà nhiều đôi nam nữ là người dân bản địa và người dân đến xây dựng vùng kinh tế mới đã lên duyên thắm má hồng tạo ra thế hệ thứ 2, thứ 3 ở Song Thái và Bình Nguyên. Con người giao hòa, văn hóa giao hòa, tập tục đan xen đã làm nên sắc thái vùng miền riêng ở Song Thái.
Sang vùng đất Bắc Hà (xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ) chúng tôi lại cảm nhận được những điều khác biệt ở đây. Cũng như Song Thái, Bình Nguyên, địa danh Bắc Hà được lấy các từ của hai tỉnh: Bắc Thái và Hà Nam ghép lại. Nếu như ở Song Thái, Bình Nguyên đồng bào từ tỉnh Thái Bình vào sâu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để cùng khai hoang lập nghiệp thì tại Bắc Hà, cấp ủy, chính quyền địa phương đã ưu tiên để người dân lên xây dựng vùng kinh tế mới ổn định dân cư và khai hoang những vùng đất bằng phẳng, gần nguồn nước, đường giao thông và ở phía “cửa ngõ” của xã, gần trung tâm huyện hơn.
HTX chè Bắc Hà đã từng là mô hình điển hình trong phát triển kinh tế tập thể của tỉnh năm thập kỷ 80, 90, tạo ra nguồn nguyên liệu lớn để chế biến chè đen, che xanh xuất khẩu sang Liên Xô, Đông Âu. Hôm nay, Bắc Hà vẫn là vùng chè trọng điểm của xã Mỹ Yên với sản phẩm nổi tiếng là chè xanh sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP. Điều người dân bản địa rất coi trọng đối với con em từ Hà Nam lên làm kinh tế chính là tinh thần chăm chỉ lao động và sự hiếu học. Sự hiếu học đã lan tỏa và giúp phong trào học tập ở xã vùng sâu này có sự tiến bộ nhanh hơn.
Đồng chí Nguyễn Quang Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Yên cho biết: Quê bố tôi ở Hà Nam nhưng tôi được sinh ra và lớn lên ở quê hương Thái Nguyên nên vùng đất này đã là máu thịt với tất cả những người đến xây dựng kinh tế mới. Noi gương thế hệ đi trước, người dân Bắc Hà hôm nay luôn chăm chỉ lao động, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa để tạo dựng tương lai ngày một tốt đẹp hơn.
Còn khi chúng tôi tới một số vùng đất của người dân tỉnh Hưng Yên lên Thái Nguyên lập nghiệp lại chứng kiến sự bứt phá theo hướng khác khi xóm nào cũng bạt ngàn những vườn cây ăn trái, đời sống người dân rất no đủ, hạnh phúc. Ví như xóm Khe Đù (xã Phúc Thuận, T.X Phổ Yên) hay xóm Lò Gạch (xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai) người dân lên xây dựng vùng kinh tế mới đã chăm chỉ lao động để biến những quả đồi bát úp hoang vu, những thung lũng ven sông, suối đầy lau lách thành vườn cây trái xanh tốt, quả sai trĩu quanh năm; những ao hồ nuôi trồng thủy sản. Nhất là đặc sản nhãn lồng Hưng Yên khi bén đất Khe Đù cho quả to mọng, thơm ngon lạ kỳ. Cam canh và các loại cây có múi xuất xứ từ Hưng Yên được bà con đem lên trồng tại xóm Lò Gạch năng suất cao và chất lượng không hề thua kém nơi xuất xứ ban đầu.
Anh Trần Ngọc Dương ở xóm Lò Gạch cho biết: Giống cây các cụ mang lên trồng mấy chục năm trước luôn được chăm sóc cận thận để triết ghép nhân giống. Chất đất, khí hậu thích hợp nên các loại cây có múi đang phát triển nhanh ở Tràng xá, tạo nguồn thu nhập khá ổn định cho nhiều hộ gia đình.
Sau gần nửa thế kỷ bám đất, bám rừng, "khai sơn, phá thạch" của người dân các tỉnh miền xuôi đến Thái Nguyên xây dựng vùng kinh tế mới đã có hàng vạn héc – ta đất được khai hoang để phát triển chuyên canh cây chè, cây ăn quả và những cánh đồng cấy lúa, trồng màu. Nhiều vùng kinh tế mới ở các huyện, thành, thị trong tỉnh từng là rừng rậm hoang vu nay đã thành những khu dân cư phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Đây là thành quả từ chính sách lớn, ý nghĩa của Đảng, Nhà nước về điều động dân cư những năm đất nước còn chồng chất khó khăn và cũng là điều đáng ghi nhận đối với cấp ủy, chính quyền các địa phương, sự nỗ lực liên tục của người dân miền xuôi tình nguyện đi xây dựng vùng kinh tế mới.