Theo các nhà khảo cổ học trong nước và quốc tế, tại khu vực xã Thần Sa (Võ Nhai), từ ngàn xưa đã có sự sống của con người. Ông Bùi Huy Toàn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh chia sẻ: Tất cả các đợt khảo sát, điều tra, khai quật, những di vật tìm được ở Di chỉ Thần Sa đã nói nên điều đó.
Đợt khai quật Mái đá Ngườm (Thần Sa, Võ Nhai) gần đây nhất được thực hiện vào năm 2017, với sự vào cuộc của các chuyên gia nghiên cứu khảo cổ học Viện Khảo cổ học và Trường Đại học Wollongong (Australia) đã thu được số lượng hiện vật đá rất phong phú về loại hình, thể hiện tính đa dạng và đặc sắc về kỹ thuật chế tác đá. Qua phân tích từ mẫu tro và nhuyễn thể thu được, các chuyên gia khẳng định: Người tiền sử đã sinh sống ở đây từ khoảng 41.000 năm tới 23.000 năm trước Công Nguyên - thời hậu kỳ đá cũ.
Khối “tài sản” vô giá của người tiền sử bị khỏa lấp trong lòng các hang núi ở Thần Sa đã trở thành “lực hấp dẫn” đối với các nhà khảo cổ, nhà sử học quốc tế. Từ những thập niên 20 của thế kỷ trước, các học giả người Pháp là H. Mansuy và M. Colani đã đến vùng rừng hoang, núi thẳm này để khảo sát, khai quật tìm những cổ vật liên quan đến sự sinh sống của người tiền sử. Đến năm 1925, họ chính thức công bố công trình đóng góp vào việc nghiên cứu tiền sử Đông Dương, trong đó có đề cập đến 4 di tích thuộc văn hóa Bắc Sơn được phát hiện và nghiên cứu trên đất Thái Nguyên. Đó là các di tích: Khắc Kiệm, Nghinh Tắc, Nà Cà và Ky thuộc huyện Võ Nhai. Kể từ đó, vùng đất Thái Nguyên đã trở thành một điểm sáng trên bản đồ các vùng khảo cổ học của Việt Nam ở thời kỳ tiền sử.
Nhưng tất cả chỉ như một dấu chấm của mực bút khắc nét vào bản đồ khảo cổ học, rồi để đó như một sự lãng quên. Đến năm 1971, tức là sau 46 năm các học giả người Pháp phát hiện ra kho báu cổ học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Xuân Chinh cùng một số nhà khảo cổ học thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam mới có điều kiện đến khu vực Thần Sa, qua khảo sát đã phát hiện Di chỉ Miệng Hổ (còn gọi là hang Phiêng Tung).
Tuy đã tìm được những vật chất cổ học rất cụ thể, có giá trị đối với ngành Cổ học và Sử học Việt Nam, nhưng vì nhiều lý do, những tài nguyên quý giá phục vụ cho nghiên cứu khoa học về cổ học không được khai thác. Tuy nhiên, tài liệu sơ khai của các lần khảo sát, nghiên cứu trước đây rất có giá trị, nên nhiều người trong giới nghiên cứu về cổ học, sử học cổ đại đã lặng lẽ chuẩn bị cho những chuyến khảo sát kiếm tìm, trong đó có một số nhà khảo cổ học thuộc Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia).
Năm 1981, các nhà nghiên cứu cổ học của Viện đã trở lại “quê hương hậu kỳ đá cũ”, phát hiện hơn 10 di tích khảo cổ học trong thung lũng Thần Sa. Đây chính là điểm “đột phá” quan trọng, khẳng định chắc chắn ở Thần Sa lưu giữ một “kho báu” có giá trị. Đó là những hiện vật, cổ vật phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy, năm 1982, tại khu vực này đã có đợt khai quật với quy mô lớn hơn, bởi có sự tham gia của các nhà khoa học giàu kinh nghiệm thuộc Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam; Viện Khảo cổ học; Viện Đông Nam Á; Khoa sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học xã hội & nhân văn) và Khoa Bảo tàng, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Lần khai quật này, các nhà khảo cổ đã tìm được 659 công cụ đá, gồm mảnh cuội, mảnh tước, công cụ mũi nhọn. Đặc biệt tại Mái Đá Ngườm, ở 3 hố khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 3 bộ xương người táng theo tư thế bó gối. Ngoài ra còn có xương hàm đười ươi, xương hàm răng voi và hàng nghìn tiêu bản đá, công cụ lao động, vũ khí săn bắt bằng đá của người tiền sử. Hố khai quật tại Di chỉ này thể hiện rõ về 4 tầng văn hóa khảo cổ, mang đặc trưng của nền văn hóa Bắc Sơn, Hòa Bình, Sơn Vi và Thần Sa.
Chưa thỏa mãn với các kết quả khảo sát, nghiên cứu trước đây, năm 2011, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam thực hiện điều tra, khảo sát tại 24 điểm thuộc địa bàn huyện Võ Nhai. Phó giáo sư, Tiến sĩ Trình Năng Chung (Viện Khảo cổ học Việt Nam), chuyên gia đầu ngành về thời tiền sử, sơ sử, từ thời đại đồ đá đến thời đại kim khí khẳng định: Tại huyện Võ Nhai, ngoài Di chỉ khảo cổ học Thần Sa còn có nhiều di chỉ khảo cổ quan trọng khác, trong đó có Di chỉ Hang Ốc, xóm Phố, xã Bình Long. Đến năm 2014, Di chỉ hang Ốc được Tiến sĩ Nguyễn Trường Đông, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với cán bộ chuyên môn Bảo tàng tỉnh tiến hành khai quật phục vụ nghiên cứu. Kết quả thu được 1.518 di vật. Tiến sĩ Nguyễn Trường Đông cho rằng: Hang Ốc là 1 trong 30 di chỉ khảo cổ học mới phát hiện có vị trí quan trọng đối với việc nghiên cứu khảo cổ thời đại Đá Mới. Vì đó là một trong những di chỉ cư trú quy mô của người tiền sử văn hóa Bắc Sơn. Các di vật tìm được cực kỳ có giá trị trong nghiên cứu về văn hoá Bắc Sơn ở Thái Nguyên, đồng thời làm cơ sở để so sánh với các di chỉ Bắc Sơn khác ở những vùng lân cận.
Đã có bao hành trình ngược về nguồn cội loài người, các nhà khảo cổ học và sử học đã tìm lại được dấu tích của nền văn minh tự ngàn xưa. Để những Miệng Hổ, Mái đá Ngườm, Phiêng Tung, Nà Ngùn, Nà Khù, Thắm Choong… ở thung lũng xã Thần Sa, và hang Ốc xã Bình Long không chỉ là “địa chỉ đỏ” cho các nhà khảo cổ, nhà sử học tìm về nghiên cứu, mà còn là một địa chỉ hấp dẫn với du khách trong nước, quốc tế tìm về trải nghiệm.
Còn gì thích thú hơn khi được thả mình vào một vùng thiên nhiên kỳ thú mang dấu tích của ngàn xưa. Nhưng vùng đất “sơn thủy hữu tình” mang nhiều điểm di tích khảo cổ học quan trọng quốc gia và của thế giới lại đang rơi vào tình trạng bỏ ngỏ. Các cấp, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương chưa có quy hoạch về khảo cổ học. Cùng với đó là việc khảo sát, nghiên cứu khai quật về khảo cổ học của tỉnh vẫn đang… dậm chân tại chỗ, gần như không có tiến triển mới. Chính vì thếnhững di chỉ khảo cổ học trên địa bàn tỉnh chưa thực sự thu hút được những dự án lớn về nghiên cứu, bảo tồn di chỉ khảo cổ kết hợp với khai thác du lịch cội nguồn.