Sinh năm 1992, ở lứa tuổi mà nhiều người trẻ đang còn loay hoay về con đường tương lai, Lê Sơn Hải, ở xóm Nam Thành, xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) đã và đang đặt những viên gạch vững chắc đầu tiên trong kế hoạch xây dựng thương hiệu chè hữu cơ của riêng mình.
Lối rẽ của chàng cử nhân trẻ
Lê Sơn Hải sinh ra và lớn lên tại vùng chè đặc sản Tân Cương. Cây chè như “ăn” vào trong máu thịt của Hải từ những ngày theo mẹ lên đồi hái chè. Lớn lên, Hải học đại học ở Hà Nội nhưng cuối tuần nào cậu sinh viên cũng vác ba lô về nhà giúp mẹ hái chè.
Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2015, Hải đi xin việc làm mà lại có nguyện vọng muốn về nhà trồng chè với mẹ. Hải kể: Giống như nhiều bậc phụ huynh ở nông thôn khác, mẹ em cũng mong muốn sau khi tốt nghiệp đại học, con mình sẽ tìm được một công việc ổn định, nhẹ nhàng hơn mà không phải vất vả quanh năm với đồng ruộng. Nhưng mong muốn lớn nhất của bản thân em là được sản xuất chè.
Lúc nghe con nói, cô Phạm Thị Vân, mẹ Hải không khỏi băn khoăn. Cô chia sẻ: Cả đời quanh quẩn với những đồi chè nên tôi thấu hiếu được nỗi cực nhọc của nghề này. Tôi chỉ mong con có một công việc ổn định, an nhàn. Nhưng cháu cứ nài nỉ mãi, tôi cũng phải đồng ý.
Lê Sơn Hải không chọn đi theo con đường truyền thống như các hộ trồng chè khác ở địa phương mà quyết định trồng chè hữu cơ. Hải nói: Khi còn học đại học, em tình cờ đọc cuốn tiểu thuyết “Quả táo thần kỳ của Kimura”, kể về một người nông dân được coi là “kẻ ngốc” ở Nhật Bản trong hành trình 20 năm theo đuổi ước mơ trồng táo không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Câu chuyện này ngay lập tức truyền cảm hứng cho em. Em mong muốn có thể sản xuất ra những búp chè hữu cơ an toàn tuyệt đối như vậy.
Thời điểm 4 năm trước ở Thái Nguyên và ngay cả các địa phương khác, “hữu cơ” vẫn là một cụm từ xa lạ. Vì vậy, khi bắt tay vào trồng chè hữu cơ, Hải gặp không ít khó khăn. Tài liệu khan hiếm, số mô hình trồng cây hữu cơ lúc bấy giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay, Hải phải lặn lội đến nhiều địa phương để học hỏi kiến thức từ các mô hình trồng trọt hữu cơ. Tiếp theo là một quá trình thử nghiệm – thất bại – thử nghiệm… lặp đi lặp lại. Cuối cùng, sau nhiều năm miệt mài, Hải cũng cho ra sản phẩm chè hữu cơ ưng ý và chuyển đổi thành công toàn bộ 8.000m2 chè của gia đình sang trồng theo phương pháp hữu cơ, bón hoàn toàn bằng phân chuồng hoai mục và đỗ tương ủ.
Khát vọng về một thương hiệu chè riêng
Đến nhà Lê Sơn Hải, bất cứ lúc nào cũng có thể thấy khu vườn với nhiều loại hoa đua nhau tỏa hương, khoe sắc. Hải bảo, tất cả các loại hoa này đều dùng để ướp trà. Hoa sen và hoa nhài là những loại hoa chính Hải đang sử dụng để ướp trà. Hải tự hào khoe: Ướp chè sen “món nghề” em học được từ bà ngoại, một người Hà Nội chính gốc. Sau này đi học ở Hà Nội, em thấy ở khu vực hồ Tây người ta kinh doanh chè sen ướp và rất được ưa chuộng nên muốn làm thử. 4 năm trước, từ hồ sen nhỏ của gia đình, em quyết định mở rộng diện tích trồng sen lên thành gần 4.000m2 và chuyên dùng vào việc ướp chè sen.
Chè để ướp sen là loại chè tôm cánh nhỏ, có như vậy hương sen mới thấm được vào trong cánh chè. Mọi công đoạn ướp chè, Hải đều tự mình thực hiện với “bí quyết” riêng. Chè được cho vào những bông sen vừa hé mở, bọc lại bằng lá sen để qua đêm cho đượm hương. Khi pha lên, hương sen quyện với từng cánh trà dậy mùi thơm ngát khắp căn phòng. Hải chia sẻ: Ban đầu ít người biết đến sản phẩm này, vì đây được coi như thú vui thanh tao của riêng người Hà Nội. Vì vậy, em bắt đầu với việc tặng chè sen cho các khách hàng mua chè của nhà mình. Ai đến nhà em cũng pha chè sen của giới thiệu về sản phẩm. Dần dần, số lượng người biết đến và yêu thích chè sen ngày càng tăng, em có được lượng khách hàng ổn định.
Hiện nay, sản phẩm chè của gia đình Hải gồm 2 loại chính gồm: Chè mộc (chè tôm, chè móc câu, chè đinh) và chè ướp hương (chè sen, chè nhài, trà hoa hồng). Sau khi trừ chi phí, Hải thu lãi khoảng trên 20 triệu đồng/tháng. Nói về kế hoạch tương lai, Hải hào hứng: Trước mắt, em sẽ đưa sản phẩm đi kiểm nghiệm ở các trung tâm để xin cấp chứng nhận hữu cơ. Sau đó, em sẽ tiến hành xin cấp chứng nhận thương hiệu riêng. Em đã nghĩ đến việc sẽ thiết kế bao bì như thế nào, viết một bức thư ngắn trên bao bì sản phẩm… Sau này, em còn mong muốn mở rộng thêm các sản phẩm từ trà như bột matcha, trà Đông phương mỹ nhân, hồng trà… Trên hết, em quan điểm “Khách hàng là bạn bè”, người ta dành những điều tốt đẹp nhất cho bạn bè nên em sẽ kiên trì với con đường làm chè hữu cơ.
Chúng tôi kết thúc cuộc trò chuyện với Lê Sơn Hải bằng câu hỏi: “Em cảm thấy mình được gì và mất gì khi lựa chọn con đường gắn bó với cây chè thay vì công việc khác an nhàn hơn?”. Hải trầm tư: Thứ em mất nhiều nhất có lẽ là thời gian. Thời gian học hỏi kiến thức, thử nghiệm, kiên trì với một quãng dài làm chè hữu cơ không mấy lợi nhuận. Nhưng nhờ vậy, em có thêm nhiều trải nghiệm, nhiều kiến thức cũng rèn cho mình được ý chí để kiên định lựa chọn con đường tương lai. Và hơn hết, giống như nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết “Quả táo thần kỳ của Kimura” đã truyền cảm hứng cho em, em cũng muốn trở thành một người truyền cảm hứng cho những người trẻ lựa chọn con đường riêng, biết ước mơ và theo đuổi ước mơ của mình.