Xã Quân Chu (Đại Từ) nằm khiêm nhường ở sườn Đông của dãy núi Tam Đảo. Nơi đây có 2 di tích rất ý nghĩa về mặt lịch sử là chùa Thiên Tây Trúc - một ngôi chùa cổ xây dựng từ thời hậu Lê - Nguyễn, gắn liền với với câu chuyện về “Ngũ hổ Tam Đảo” và địa danh Lán Than - nơi thành lập độ du kích Cao Sơn, sau đổi tên thành Trung đội giải phóng quân Phạm Hồng Thái trong thời kỳ kháng Nhật - chống Pháp.
Chùa Thiên Tây Trúc là một thiền viện gắn bó rất mật thiết với quần thể chùa Tây Thiên ở phía Tây dãy Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc để đào tạo ra các sư sãi. Nơi đây vốn được xây dựng khang trang với hệ thống đồ thờ, tượng phật tương đối hoàn chỉnh. Chùa thờ Phật gồm 3 vị Tam thế và Bồ tát quan âm, ngoài ra còn thờ Địa mẫu, Bà chúa thượng ngàn và 18 vị quân công. Tương truyền những vị này bị chết oan dưới thời nhà Mạc đã được mang vào chùa để lưu giữ và thờ tự.
Trong thời kỳ cách mạng Tháng Tám, xã Quân Chu một trong những địa bàn được chọn làm căn cứ của cách mạng. Theo đó, giai đoạn 1941-1942 có 5 anh em, được gọi với tên “Ngũ hổ Tam Đảo”, gồm các ông: Nguyễn Huy Minh (bí anh Thạch Sơn), Nguyễn Huy Mục (Tam Sơn), Nguyễn Huy Tân (Ngân Sơn), Nguyễn Huy Văn (Kim Sơn) và Nguyễn Huy Khoa (Mai Sơn) cùng một số người vượt núi Tam Đảo sang địa bàn huyện Đại Từ để gây dựng cơ sở cách mạng. Lúc đầu, các ông ở trong rừng rậm hoang vu, làm lò đốt củi lấy than ở khu vực Lán Than để bán cho Pháp nhằm dò la tin tức, tìm cách liên hệ mua vũ khí của giặc và tạo dựng mối quan hệ với đồng bào để tuyên truyền về Việt Minh. Đồng thời bí mật tổ chức lập các hội cứu quốc chống sưu cao, thuế nặng, chống bắt phu, bắt lính và lập đội du kích bảo vệ nhân dân mang tên Đội du kích Tam Đảo - Quân Chu.
Trong thời gian này, ông Chu Văn Tấn, Chỉ huy Cứu quốc quân đã về xã Cát Nê (Đại Từ) hoạt động và kiểm tra phong trào cách mạng. Được biết Đội du kích Tam Đảo - Quân Chu đang hoạt động ở Lán Than nên ông đã cử người đến liên lạc và quyết định sáp nhập đơn vị này với Đội Ba Gò Ông Táo ở Cát Nê để thành lập Đội du kích Cao Sơn. Sau khi Việt Nam giải phóng quân ra đời, Đội du kích Cao Sơn được củng cố, bổ sung lực lượng và đổi tên thành Trung đội Giải phóng quân Phạm Hồng Thái do ông Nguyễn Huy Minh (Thạch Sơn) làm Trung đội trưởng. Trung đội có nhiệm vụ vũ trang và tuyên truyền, lập chính quyền cơ sở, xây dựng căn cứ, hoạt động du kích chống Nhật, làm cơ sở giao thông liên lạc của Trung ương từ miền xuôi lên Tân Trào. Trong những chiến công của Đội, tiêu biểu nhất phải kể đến trận đánh đồn Nhật ở thị trấn Tam Đảo tiêu diệt 20 tên địch, thu được 80 khẩu súng trường và nhiều vũ khí, đạn dược khác. Với những giá trị lịch sử quan trọng đó, quần thể di tích Lán Than, chùa Thiên Tây Trúc đã được công nhận là di tích cấp Quốc gia từ năm 2006; năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Quân Chu là xã An toàn khu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Quần thể khu di tích Lán Than - chùa Thiên Tây Trúc có vị thế đẹp trên núi dưới sông, khí hậu mát mẻ thuận lợi cho loại hình du lịch sinh thái gắn với tâm linh. Sau một thời gian dài xuống cấp, năm 2014, chùa Thiên Tây Trúc được trùng tu tôn tạo trên vị trí cũ và giữ nguyên kiến trúc hình chuôi vồ gồm 3 gian lợp ngói mũi hài. Bên cạnh ngôi chùa có con suối nhỏ có tên gọi Đá Đen, phía Nam là núi Chỏm Vung, phía Đông là núi Chèn Trạch thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo. Cách chùa 150m có một giếng nhỏ gọi là giếng Cô Tiên, du khách thập phương đến chiêm bái thường xuống lấy nước ở giếng này để thắp hương. Để phát huy giá trị của di tích, năm 2017, UBND tỉnh có chủ trương quy hoạch mở rộng và xây dựng khu chùa Thiên Tây Trúc và Thiền viện Trúc Lâm Tây Trúc với tổng diện tích 43ha. Công trình gồm các hạng mục chính: Tam quan nội viện, Bảo tháp 9 tầng, Thiền đường…, thời gian dự kiến xây dựng trong 5 năm và chủ yếu huy động nguồn lực thông qua hình thức xã hội hóa. Khi xây dựng xong, Thiền viện Tây Trúc - chùa Thiên Tây Trúc, di tích Lán Than sẽ hình thành cụm di tích trên dãy núi Tam Đảo, gắn kết với Trúc Lâm Tây Thiên và kết nối với quần thể du lịch Hồ Núi Cốc trở thành một tour du lịch lịch sử - tâm linh - sinh thái hấp dẫn.
Không chỉ dừng lại là một địa chỉ tâm linh Phật giáo, Dự án xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Tây Trúc ở Quân Chu được kỳ vọng sẽ góp phần đa dạng văn hóa, kết nổi các điểm du lịch của tỉnh, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.